Chủ nhật 22/12/2024 15:06
Văn hóa giao thông – giải "bài toán" khó:

Kỳ cuối: Giải pháp nâng cao ý thức tham gia giao thông

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Để giải quyết bài toán ùn tắc của Thủ đô, nhiều giải pháp đã được đưa ra. Mới đây, UBND TP Hà Nội đã đang lấy ý kiến nhân dân trong đó có nội dung hạn chế xe máy, tiến tới cấm xe máy vào năm 2030.
Kỳ cuối: Giải pháp nâng cao ý thức tham gia giao thông
Ùn tắc giao thông tại nút giao Ngã tư Sở. Ảnh: Khánh Huy

Hạn chế xe máy, tiến tới cấm xe máy vào năm 2030

UBND TP Hà Nội đang lấy ý kiến nhân dân để xây dựng quy định về vùng phát thải thấp, để tăng cường phương tiện giao thông công cộng, hạn chế xe máy, tiến tới cấm xe máy vào năm 2030.

Vùng phát thải thấp là khu vực giới hạn trong thành phố, nơi các phương tiện giao thông phải đáp ứng tiêu chuẩn phát thải nghiêm ngặt để được phép đi vào. Các phương tiện không đạt tiêu chuẩn sẽ bị hạn chế hoặc phải trả phí cao hơn. Thành phố sẽ dựa vào các tiêu chí như đặc điểm dân cư, mức độ ô nhiễm không khí và hạ tầng giao thông để xác định khu vực này.

Cùng với đó, khu vực này phải đáp ứng đủ điều kiện tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn về phát thải của phương tiện giao thông như: có giải pháp giám sát và xử lý vi phạm về phát thải của phương tiện, có giải pháp chuyển đổi phương tiện, có giải pháp tổ chức giao thông phù hợp đảm bảo duy trì hoạt động giao thông thông suốt.

Thành phố cũng nhấn mạnh việc đồng thuận của người dân và chính quyền trong xây dựng vùng phát thải thấp này.

Cùng với đó, thành phố dự kiến áp dụng các biện pháp giao thông bền vững trong vùng phát thải thấp, bao gồm phân vùng hạn chế xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và tiến tới dừng hoạt động xe máy tại các quận nội thành vào năm 2030.

Kỳ cuối: Giải pháp nâng cao ý thức tham gia giao thông

Ảnh chụp nhà ga tuyến Metro Nhổn – Ga Hà Nội. Ảnh: Khánh Huy

Thành phố từng bước xây dựng văn hoá giao thông, ý thức sử dụng phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân…

Ngoài ra, thành phố sẽ hoàn thiện và thực thi cơ chế chính sách thay thế xe máy cũ không đảm bảo an toàn giao thông và xả khí thải không đạt quy chuẩn ra môi trường; quy định các khu vực cấm xe ô tô chạy dầu diesel; quy định các khu vực hạn chế xe máy, xe tải, xe taxi…

Khi nghe tin Hà Nội dự kiến hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm tại 5 khu vực từ đầu năm 2025, tiến tới dừng hoạt động của xe máy xăng tại các quận từ năm 2030, ông Nguyễn Văn Hoà (Hưng Yên) vừa mừng vừa lo.

Ông cho rằng, nếu hạn chế ô tô, xe máy xăng thì đường phố sẽ thoáng đãng, sạch sẽ và ít ùn, tắc đường giờ cao điểm hơn. Nhưng cũng lo, bởi nếu hạn chế khu vực chạy xe máy xăng thì với những người làm công việc giao hàng như ông sẽ di chuyển thế nào.

“Phương án của thành phố chúng tôi vô cùng hoan nghênh vì nó thiết thực và cần thiết cho giao thông thông minh. Tuy nhiên, nếu cấm hay hạn chế xe máy xăng thì cần có phương án điều chỉnh phù hợp, để những người lao động phụ thuộc vào phương tiện này như chúng tôi không bị ảnh hưởng quá nhiều” - ông Nguyễn Văn Hoà bộc bạch.

Còn theo một số chuyên gia về giao thông cho rằng, người dân cần có sự lựa chọn khi thành phố hạn chế và tiến tới cấm hẳn xe máy vào khu vực nội đô. Phương tiện công cộng phải được quan tâm đầu tư mạnh mẽ, thêm các tuyến xe buýt đi vào các phố nhỏ, các khu vực xa trung tâm; các dự án đường sắt trên cao cần sớm hoàn thiện...

Tăng mức xử phạt với các hành vi vi phạm

Cùng với những giải pháp của thành phố, Luật An toàn Giao thông Đường bộ 2024 và các quy định mới của Nghị định 151/2024 của Chính phủ cũng được kỳ vọng sẽ giải quyết phần nào căn bệnh “ùn tắc” của Thủ đô.

Cụ thể, theo Nghị định 151/2024 của Chính phủ ban hành ngày 15/11/2024 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, từ ngày 1/1/2025, việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ trở thành một tiêu chí đánh giá hạnh kiểm học sinh.

Kỳ cuối: Giải pháp nâng cao ý thức tham gia giao thông
Tuyên truyền giáo dục pháp luật và ký cam kết thực hiện an toàn giao thông tại trường Tiểu học Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội. (Ảnh: CACC)

Theo đó, các trường học có trách nhiệm tổ chức cho học sinh và gia đình ký cam kết tuân thủ pháp luật, đảm bảo học sinh không điều khiển xe mô tô khi chưa đủ điều kiện, không sử dụng xe gắn máy khi chưa được hướng dẫn kỹ năng lái xe an toàn. Gia đình học sinh cũng cần phối hợp với nhà trường để giáo dục con em mình, tuyệt đối không giao xe cho học sinh khi chưa đủ điều kiện theo quy định. Bên cạnh đó, học sinh sẽ được giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông ở các cấp học, cùng với kỹ năng điều khiển phương tiện giao thông an toàn.

Ngoài việc tăng cường giáo dục trong trường học, Cục Cảnh sát Giao thông (C08 - Bộ Công an) đang đề xuất tăng mạnh mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm giao thông. Theo dự thảo, hành vi vượt đèn đỏ đối với ô tô sẽ bị phạt từ 9 đến 11 triệu đồng, còn đối với xe máy là từ 4 đến 6 triệu đồng. Hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển có thể bị phạt lên đến 10 triệu đồng. Với những trường hợp tái phạm lạng lách, đánh võng, lực lượng chức năng sẽ tịch thu phương tiện của người vi phạm. Các mức xử phạt tăng cao này nhằm tạo sức răn đe, giảm thiểu các hành vi nguy hiểm gây tai nạn giao thông.

Về vấn đề này, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp cho rằng, hiện nay vẫn còn nhiều lỗi vi phạm như vượt đèn đỏ, đi vào đường ngược chiều, quay đầu, dừng đỗ xe sai quy định... Đây là những lỗi vi phạm giao thông nghiêm trọng, nhiều người vi phạm nên mức xử phạt có thể được xác định là chưa đủ sức răn đe.

Bởi vậy với nhóm các hành vi vi phạm có xu hướng gia tăng, nhóm các hành vi nguy hiểm có thể dẫn đến tai nạn giao thông, nhóm các hành vi có tính chất gây rối trật tự công cộng, gây mất an ninh trật tự, an toàn công cộng do hành vi cố ý vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông thì cần phải tăng mức chế tài hành chính để răn đe, phòng ngừa những hậu quả xấu có thể xảy ra đối với xã hội.

"Mục đích của các chế tài hành chính không chỉ mang tính răn đe đối với người vi phạm mà còn là để hướng đến mục tiêu phòng ngừa hậu quả xấu có thể xảy ra đối với xã hội.

Thực tiễn áp dụng pháp luật cho thấy khi nào chế tài hành chính được quy định nghiêm khắc, được thực hiện nghiêm minh thì những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đó sẽ giảm đi và đặc biệt là sẽ hạn chế được các hành vi vi phạm đến mức xử lý hình sự" - luật sư Đặng Văn Cường nêu quan điểm.

Những giải pháp và chính sách mà các cấp các ngành đưa ra đều nhằm mục tiêu giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, nhưng yếu tố quan trọng nhất vẫn là ý thức tham gia giao thông của mỗi cá nhân. Mọi biện pháp, dù hiệu quả đến đâu, cũng sẽ không thể phát huy tác dụng nếu người dân không tự giác chấp hành pháp luật. Từ việc sử dụng phương tiện công cộng, đội mũ bảo hiểm đúng cách, đến việc tuân thủ tín hiệu giao thông, tất cả đều là những hành động nhỏ nhưng mang lại hiệu quả lớn trong việc giảm thiểu ùn tắc và tai nạn.

Kỳ 3: Tuyên truyền kết hợp xử phạt nghiêm Kỳ 3: Tuyên truyền kết hợp xử phạt nghiêm

Để xử lý căn bệnh “trầm kha” của giao thông Thủ đô, lực lượng chức năng đã nhiều lần ra quân tuyên truyền, nhắc nhở ...

Duy Linh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động