Kỳ cuối: Cần có ngành nghề thanh tra sức khoẻ môi trường
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênViệc sai sót trong phân loại rác thải y tế từ đầu nguồn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn trong quá trình xử lý (ảnh V.H) |
Nguy cơ mất an toàn từ sai sót trong phân loại rác
Không chỉ riêng việc thu gom, xử lý rác thải y tế liên quan đến Covid-19 tại cộng đồng có những vướng mắc mà với vấn đề thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải y tế nói chung trên địa bàn cũng còn một số tồn tại, bất cập cần khắc phục.
Theo ông Tống Việt Dũng, Phó giám đốc Công ty URENCO 13 hiện vẫn còn tồn tại việc một số phòng khám để lẫn chất thải y tế cùng chất thải sinh hoạt do họ tiết kiệm chi phí xử lý. Việc đó dẫn tới nguy cơ tiềm ẩn cho cộng đồng và cho chính họ bởi khi chất thải có nguy cơ lây nhiễm để chung với chất thải sinh hoạt thì toàn bộ khối chất thải đó đều có nguy cơ lan truyền mầm bệnh, vi-rút cho những người tiếp xúc.
Hoặc quá trình thu gom vận chuyển đơn vị gặp bất cập như một số cơ sở y tế phân loại rác không tốt, để lẫn lộn nên quá trình xử lý có thể bị sót mà theo quy định thì khi thu gom công nhân không được mở túi rác ra.
"Ở giai đoạn trước, khi Cty chưa thực hiện phân loại rác để tái chế và chôn lấp thì đưa 100% vào hệ thống hấp chất thải. Khi chất thải lây nhiễm để lẫn chất thải thông thường sẽ phát sinh chất thải y tế lây nhiễm nên phát sinh chi phí xử lý. Hoặc chất thải y tế nguy hại để lẫn hoá chất như a xít khi đưa vào lò hấp phát ra tiếng nổ, mặc dù hệ thống của chúng tôi vẫn kiểm soát được nhưng khách hàng không phân loại tốt chứa đựng nguy cơ gây mất an toàn", ông Dũng chia sẻ.
Phân tích nguyên nhân của một số tồn tại trong quy trình phân loại rác thải y tế ngay từ đầu nguồn, PGS-TS. Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường-Bộ Y tế cho biết: Bộ Y tế đã có hành lang pháp lý rồi nhưng vấn đề đặt ra là đơn vị y tế đó đã tổ chức tập huấn cho những nhân viên làm ở đó hay chưa lại là vấn đề khác. Cùng đó, nhân viên y tế đã được trang bị đầy đủ kiến thức để phân loại rác thải y tế hay chưa?.
Theo quy định ngoài tập huấn, trang bị kiến thức cho nhân viên y tế thì phải có các bảng hướng dẫn để trong phòng làm việc, có sơ đồ, quy định rõ ràng để người ta hiểu, thực hiện. Và việc phân loại rác thải y tế đúng hay không cũng phụ thuộc vào ý thức của nhân viên y tế. Cuối cùng là công tác thanh kiểm tra, giám sát, thanh tra của cơ quan quản lý Nhà nước cũng như cơ quan nội bộ.
Với thực trạng rác thải y tế bị để lẫn rác thải sinh hoạt, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường Y tế cho biết: Trong Thông tư 20 năm 2021 của Bộ Y tế quy định quản lý chất thải y tế tại khuôn viên cơ sở y tế nếu để chất thải lẫn nhau, trong đó có chất thải nguy hại thì phải được xử lý như chất thải lây nhiễm, phải thuê đơn vị có giấy phép xử lý.
Những vấn đề này phải cho thanh tra môi trường y tế, cảnh sát môi trường kiểm tra. Thực tế có những bệnh viện bị phạt 100 triệu khi bệnh nhân ném bông băng có máu vào thùng máu xanh. Thế nên nếu có thanh kiểm tra thường xuyên thì các cơ sở y tế sẽ không dám vi phạm. Song song đó là trách nhiệm của chính quyền địa phương khi quản lý chất thải y tế của cơ sở đó trên địa bàn.
PGS-TS. Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường-Bộ Y tế: Nghề thanh tra sức khoẻ môi trường hiện chưa được đào tạo, chưa có mã ngành (ảnh NVCC) |
Sức khoẻ của môi trường còn bỏ ngỏ
Để việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế được hiệu quả, an toàn, đảm bảo vệ sinh môi trường, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh một số yêu cầu với các bộ, ngành liên quan.
Với Bộ Y tế, Phó Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh thực hiện đôn đốc, kiểm tra, thanh tra việc xử lý chất thải tại các cơ sở y tế, nhất là tại các địa phương, bảo đảm việc xử lý chất thải y tế đáp ứng yêu cầu về môi trường theo quy định.
Bộ TN&MT khẩn trương rà soát, hoàn chỉnh các quy chuẩn kỹ thuật về xử lý chất thải y tế phù hợp thực tiễn; chỉ đạo thực hiện kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trong xử lý chất thải y tế.
Và Bộ KH&CN được giao nhiệm vụ tiếp tục chỉ đạo việc nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường trong xử lý chất thải y tế.
Dưới góc độ chuyên gia, TS. Nguyễn Huy Nga cho rằng: Hành lang pháp lý về xử lý chất thải y tế hiện nay tương đối đầy đủ, tuy nhiên việc tổ chức thực hiện như thế nào lại chưa có hướng dẫn cụ thể, chế tài xử phạt chưa nghiêm minh; chưa có phối hợp liên ngành xử lý các cơ sở y tế nhỏ lẻ-mới có kiểm tra liên ngành tại các bệnh viện lớn. Cùng đó là trách nhiệm của chính quyền sở tại, phải lên kế hoạch kiểm tra. Và cơ quan quản lý địa phương phải thực hiện.
Trong quy định về xử lý chất thải y tế hiện có bất cập như phải xử lý bằng tiệt trùng, tiệt khuẩn thành chất thải thông thường, không còn mầm bệnh nhưng có hướng xử lý cụ thể. Ví dụ nếu đã sử dụng Cloramin B xử lý rồi mang đi đốt thì tạo dioxin trong không khí còn nguy hiểm hơn. Như vậy là bất hợp lý.
Bên cạnh đó, quá trình thực hiện chủ yếu cơ quan Nhà nước quản lý việc thực thi phải tăng cường trong hoạt động chứ các quy định, thông tư, luật đã tương đối đầy đủ. Nhưng theo TS. Nguyễn Huy Nga, khó khăn hiện nay là việc kiểm tra giám sát không đủ nhân lực vì hiện chưa có thanh tra vệ sinh môi trường.
"Môi trường quản lý môi trường, y tế quản lý y tế nhưng vấn đề liên quan đến sức khoẻ môi trường không ai quản lý. Các nước thì mỗi phường có 1 thanh tra sức khoẻ môi trường chịu trách nhiệm tất cả các vấn đề về môi trường sức khoẻ nhưng ở Việt Nam hiện chưa có khái niệm, chưa có ngành nghề đào tạo, chưa có mã ngành đào tạo, chưa có mã nghề thanh tra sức khoẻ môi trường. Như ở Nhật Bản có mấy chục nghìn thanh tra vệ sinh trực thuộc Bộ Y tế chuyên đi thanh tra vấn đề này. Đó là lỗ hổng trong hệ thống quản lý. Theo tôi Việt Nam cần có đội ngũ được đào tạo về vấn đề sức khoẻ môi trường"-TS, Nguyễn Huy Nga đề cập.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại