Thứ bảy 20/04/2024 19:01
Nâng cao hiệu quả quản lý chất thải y tế:

Kỳ 2: Hà Nội ưu tiên xử lý rác thải Covid-19 ngay trong ngày

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngay từ khi xuất hiện ca bệnh Covid-19, UBND Thành phố Hà Nội và các sở, ngành chức năng đã kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn xử lý rác thải liên quan đến dịch bệnh này. Khi dịch bùng phát với số ca nhiễm lớn, các đơn vị trên địa bàn đã nỗ lực xử lý rác thải y tế liên quan Covid-19 với khối lượng gấp nhiều lần thông thường.
Kỳ 2: Hà Nội ưu tiên xử lý rác thải Covid-19 ngay trong ngày
Thời điểm Hà Nội bùng phát dịch Covid-19, lực lượng thu gom, xử lý rác đã phải tăng công suất làm việc cả ngày lẫn đêm để không tồn đọng rác có nguy cơ lây nhiễm (ảnh V.H)

Nỗ lực xử lý rác thải lây nhiễm với công suất tăng gấp 5 lần

Là đơn vị đầu tiên và là một trong hai đơn vị chính tại Hà Nội chịu trách nhiệm thu gom rác thải y tế phát sinh từ dịch Covid-19 trên địa bàn, trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại Hà Nội, Cty Cổ phần vật tư thiết bị môi trường 13 (URENCO 13)-trực thuộc Cty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) đã tăng công suất thu gom, xử lý chất thải lây nhiễm để kịp thời tiêu huỷ, không để tồn đọng.

Ông Tống Việt Dũng, Phó giám đốc Công ty cho biết: Ngay từ thời điểm ngày 7/3/2020 khi bệnh nhân Covid-19 đầu tiên (bệnh nhân số 17) xuất hiện thì Hà Nội đã đặt ra vấn đề thu gom rác thải liên quan đến dịch bệnh này.

Công ty đã Bộ TN&MT, Sở TN&MT hướng dẫn quy trình xử lý như với chất thải lây nhiễm. Sau khi có hướng dẫn, Cty đã xây dựng quy trình thu gom, xử lý cơ bản như với chất thải lây nhiễm nhưng chặt chẽ hơn: Rác được phun xịt khử khuẩn khi thu gom và bàn giao cho tổ xử lý; 100% công nhân thu gom, lái xe, phụ xe và công nhân trong nhà máy đều mặc bảo hộ dùng 1 lần; vệ sinh thân thể, chân tay rồi mới về nhà... Trong quá trình thu gom rác ấy, không có công nhân nào bị nhiễm Covid-19.

Trong thời điểm Hà Nội bùng phát dịch với số ca nhiễm tăng cao, đội ngũ công nhân viên của công ty đã nỗ lực làm việc để tăng công suất. "Bình thường Cty thu gom rác thải y tế có nguy cơ lây nhiễm là 500kg đến 1 tấn/ngày nhưng cao điểm thu gom rác thải y tế có nguy cơ lây nhiễm phát sinh trong dịch Covid-19 lên tới 5 tấn/ngày-gấp 5 lần", ông Tống Việt Dũng nói.

Lúc đó, với năng lực xử lý có hạn, Cty đã báo cáo Tổng Cty về năng lực thiết bị và đề xuất tăng từ vận hành 2 ca lên 3 ca để phát huy tối đa năng lực thiết bị. Khi đã tăng cường công suất vẫn không đủ năng lực xử lý nên Cty đã có sự phối hợp với các đơn vị khác để tiếp tục chia sẻ khối lượng công việc và không để tồn đọng rác thải có nguy cơ lây nhiễm từ dịch Covid-19.

Kỳ 2: Hà Nội ưu tiên xử lý rác thải Covid-19 ngay trong ngày
Ông Tống Việt Dũng, Phó giám đốc Công ty URENCO 13: Vướng mắc hiện nay là chưa có quy định về giá xử lý rác thải Covid-19 nên khiến đơn vị gặp khó khăn trong hoạt động

Còn nhiều tồn tại cần khắc phục

Tuy nhiên, theo Phó giám đốc URENCO 13, trong lĩnh vực xử lý rác thải y tế liên quan đến dịch Covid-19 hiện nay vẫn còn một số vướng mắc. Đó là do đây là lĩnh vực mới nên chưa có quy định về giá. Bộ TN&MT đã có quy định nhưng quá trình đàm phán ký kết hợp đồng có vướng mắc là chưa có đơn giá được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

"Với đơn vị y tế công lập thì phải thực hiện đấu thầu nhưng vì chưa có đơn giá xử lý rác thải Covid-19 nên quá trình ký kết mới được chủ đầu tư tạm ứng phần nhỏ hoặc thanh toán cũng không đủ 100% theo giá trị hợp đồng gây khó khăn vì Cty phải bỏ chi phí ra trước để vận hành xử lý...", ông Dũng giãi bày.

Đối với việc thu gom rác thải liên quan đến Covid-19 tại cộng đồng, ông Lê Văn Chư, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm chia sẻ: Thời điểm Hà Nội thực hiện các khu cách ly tại chỗ thì UBND phường đã tuyên truyền, vận động người dân mua các loại túi đựng rác thải y tế có nguy cơ lây nhiễm, rác sinh hoạt... và phân loại theo đúng quy định. Phường bố đội tình nguyện với quần áo bảo hộ, trang thiết bị bảo hộ vận chuyển ra ngoài đảm bảo an toàn để công ty môi trường đến thu gom.

Nhưng có điều khó khăn là khi dịch bùng phát tại cộng đồng, người dân tự mua kit test về xét nghiệm thì việc quản lý chất thải có nguy cơ lây nhiễm phụ thuộc phần lớn vào ý thức của mỗi người dân. "Phường cũng tuyên truyền bằng nhiều hình thức như trên hệ thống loa truyền thanh cũng như các tổ tuyên truyền tích cực đi khắp các ngõ ngách nhưng điều này phụ thuộc phần nhiều vào ý thức của người dân...", Phó Chủ tịch UBND phường Phú Đô nói.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề quản lý rác thải liên quan đến Covid-19 tại cộng đồng, PGS-TS. Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng-Bộ Y tế bày tỏ: Đây là vấn đề khó vì quy định thì đã có rồi, hướng dẫn của Bộ Y tế, của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống dịch và của TP Hà Nội cũng đã có rồi. Việc tuyên truyền thông tin được phổ biến rộng rãi trên phương tiện truyền thông. Tuy nhiên để thực hiện thì ý thức của từng người dân, từng gia đình vô cùng quan trọng. Các cơ quan chuyên môn đã hướng dẫn người dân khi mua kit test về dùng xong bỏ chất thải xét nghiệm đó vào túi rác thải lây nhiễm theo quy định rồi mang đến địa điểm như trạm y tế, khu y tế để xử lý nhưng thực tế người dân chưa thực hiện tốt.

Bên cạnh đó, hiện nay chưa có nhiều kit test thực hiện việc hướng dẫn quy trình xử lý chất thải trên bao bì. Thậm chí có kit test còn có tiếng nước ngoài, có hình vẽ chứ không có tiếng Việt. Vì thế, PGS. Nguyễn Huy Nga cho rằng, cần bổ sung quy định trên kit test đó phải có hướng dẫn người dân xử lý chất thải sau khi lấy mẫu xét nghiệm.

Thông tư của Bộ TN&MT cũng như Nghị định của Chính phủ nên quy định khi bán sản phẩm có chứa chất gây nguy hại cần có hướng dẫn xử lý chất thải đó như thế nào?; Trên nhãn hàng phải kiểm tra xem người bán đã có hướng dẫn xử lý trên nhãn hàng hay chưa?...

Để đảm bảo người dân thực hiện đúng quy định phân loại, xử lý chất thải y tế liên quan đến Covid-19 tại cộng đồng thì trách nhiệm thuộc về nhà sản xuất, của chính quyền cơ sở, của cá nhân. Nhà sản xuất nếu đưa ra sản phẩm có hướng dẫn sử dụng hoặc sản phẩm đấy có quy định trên sản phẩm là đã hết trách nhiệm, Người sử dụng phải sử dụng theo hướng dẫn của họ. Và tiếp đó là trách nhiệm của thanh tra giám sát môi trường của y tế, cảnh sát môi trường. Khi phát hiện vi phạm thì phải có chế tài xử phạt. Nhưng trước hết phải truyền thông, hướng dẫn cụ thể cho người dân biết.

Còn nữa

Hà Nội: Phân loại triệt để các loại chất thải tại khu cách ly tập trung, cách ly tại nhà
Vấn đề xử lý chất thải y tế vẫn còn chưa được quan tâm đúng mực
Quản lý chặt chất thải y tế để phòng, chống dịch COVID-19
Kế hoạch ứng phó sự cố môi trường do chất thải y tế
Vân Hà
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động