Thứ năm 25/04/2024 11:29
Vì sao khách hàng không “mặn mà” với tài sản thi hành án

Kỳ 5: Do chủ tài sản chây ỳ, chậm trễ bàn giao tài sản cho người trúng đấu giá

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Một trong những lý do khiến khách hàng không “mặn mà” với tài sản thi hành án là việc chủ tài sản chây ỳ, chậm trễ bàn giao tài sản cho người trúng đấu giá. Nhiều khách hàng đã bỏ ra nhiều tỷ đồng mua tài sản nhưng phải ngao ngán chờ đợi cả năm trời nhưng vẫn chưa được bàn giao tài sản.

Chủ tài sản chậm trễ bàn giao…

Trong khi loạt bài “Vì sao khách hàng không “mặn mà” với tài sản thi hành án” được đăng tải, PL&XH đã nhận được nhiều thông tin, tài liệu phản ánh của bạn đọc về lĩnh vực bán đấu giá tài sản THADS. Nhiều bạn đọc cho rằng, việc tiếp cận thông tin đấu giá đã khó, mua được hồ sơ của các tổ chức đấu giá còn khó hơn. Và việc để tham gia được phiên đấu giá mà không bị một thế lực nào đó đe dọa, thao túng và trúng đấu giá tài sản mà mình mong muốn là việc không hề đơn giản. Song, những giai đoạn trên chưa hề hấn gì so với việc bị chủ tài sản tìm đủ mọi lý do để chây ỳ, chậm trễ bàn giao tài sản cho người trúng đấu giá.

Tài sản trong ngõ 12 phố Đào Tuấn mà anh Hoàng Ngọc Anh trúng đấu giá hơn 400 ngày vẫn chưa được Chi cục THADS quận Ba Đình bàn giao
Tài sản trong ngõ 12 phố Đào Tuấn mà anh Hoàng Ngọc Anh trúng đấu giá hơn 400 ngày vẫn chưa được Chi cục THADS quận Ba Đình bàn giao

Là người có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực đầu tư bất động sản, từng tham gia rất nhiều cuộc đấu giá tài sản và cũng mua được nhiều tài sản thi hành án, anh Hoàng Ngọc Anh, ở thị xã Sơn Tây, Hà Nội đánh giá, loạt bài của PL&XH đã chỉ ra được nhiều góc khuất, những khó khăn vướng mắc thực tế đang diễn ra trong hoạt động bán đấu giá tài sản thi hành án. Sở dĩ xảy ra tình trạng đó là do có sự móc nối mật thiết giữa chủ tài sản và đơn vị tổ chức đấu giá; và để có “việc làm” lâu dài buộc tổ chức đấu giá phải “nghe lời” chủ tài sản nói chung và Chấp hành viên được giao nhiệm vụ nói riêng.

Nhà đầu tư này chia sẻ, trong nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực mua tài sản thi hành án, vướng mắc nhất là việc chủ tài sản chậm trễ bàn giao tài sản khiến anh phải “ngậm đắng nuốt cay” khi bỏ ra nhiều tỷ đồng mà không được nhận tài sản đúng theo thời gian luật định. Cụ thể, tháng 4-2020, anh Hoàng Ngọc Anh trúng đấu giá tài sản tại số 70, ngõ 12 phố Đào Tấn, phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội với số tiền hơn 7,1 tỷ đồng. Anh Hoàng Ngọc Anh đã nộp tiền và thực hiện đầy đủ thủ tục theo luật định. Song, đã hơn 400 ngày trôi qua, đến thời điểm hiện tại, chủ tài sản là Chi Cục THADS quận Ba Đình vẫn chưa bàn giao tài sản cho anh.

Đáng chú ý, nhiều lý do Chi Cục THADS quận Ba Đình đưa ra để kéo dài thời gian bàn giao tài sản không rơi vào những sự kiện bất khả kháng theo quy định của pháp luật. Vụ việc khéo dài khiến anh Hoàng Ngọc Anh phải gửi đơn khiếu nại, cầu cứu, thậm chí có thể phải khởi kiện ra tòa để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp của người trúng đấu giá ngay tình. Việc chậm trễ, kéo dài thời gian bàn giao tài sản còn diễn ra tại nhiều Chi cục THADS trên địa bàn TP Hà Nội, trong đó có Chi Cục THADS huyện Chương Mỹ cũng rơi vào trường hợp tương tự như của anh Hoàng Ngọc Anh. PL&XH sẽ phân tích chi tiết các vụ việc cụ thể trong các bài sau.

Trả lời câu hỏi, Luật THADS, Luật Đấu giá tài sản và các Nghị định của Chính phủ quy định về thời gian bàn giao tài sản cho người trúng đấu giá như thế nào(?), luật sư Đinh Thị Nguyên, Cty Luật Hilap cho biết, theo quy định tại khoản 3 Điều 27,Nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 18-7-2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS và khoản 12 Điều 1, Nghị định số 33/2021/NĐ-CP ngày 17-3-2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS: “Trong thời hạn không quá 30 ngày, trường hợp khó khăn, phức tạp thì không quá 60 ngày, kể từ ngày người mua được tài sản nộp đủ tiền, cơ quan THADS phải tổ chức việc giao tài sản cho người mua được tài sản, trừ trường hợp có sự kiện bất khả kháng”.

Như vậy, nếu không rơi vào trường hợp có sự kiện bất khả kháng thì cơ quan THADS phải bàn giao tài sản cho người trúng đấu giá trước 60 ngày kể từ ngày người trúng đấu giá nộp đủ tiền. Khi một người mua tài sản đấu giá thì giữa người đó và Chấp hành viên được cơ quan THADS phân công, ủy quyền tổ chức việc đấu giá sẽ phát sinh quan hệ dân sự thông qua Hợp đồng mua bán tài sản. Nếu chậm trễ bàn giao tài sản cho người trúng đấu giá thì quyền lợi của họ sẽ không được đảm bảo.

Chấp hành viên sẽ phải bồi thường nếu có lỗi

Mặt khác, Luật THADS và Luật Đấu giá tài sản hiện hành đã đưa ra các quy định bảo vệ “tuyệt đối” quyền của người mua tài sản và người trúng đấu giá ngay tình. Điều 7, Luật Đấu giá tài sản quy định: “Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm bảo đảm việc thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của… người mua được tài sản đấu giá ngay tình; Trường hợp có người thứ ba tranh chấp về quyền sở hữu đối với tài sản đấu giá thì quyền sở hữu vẫn thuộc về người mua được tài sản ngay tình”.

Còn Điều 103 Luật THADS quy định: “Người mua được tài sản bán đấu giá, người nhận tài để thi hành án được bảo vệ quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản đó; Trường hợp người mua được tài sản bán đấu giá đã nộp đủ tiền mua tài sản bán đấu giá nhưng bản án, quyết định bị kháng nghị, sửa đổi hoặc bị hủy thì cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục giao tài sản, kể cả thực hiện việc cưỡng chế thi hành án để giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá, trừ trường hợp kết quả bán đấu giá bị hủy theo quy định của pháp luật hoặc đương sự có thỏa thuận khác; Việc cưỡng chế giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá, người nhận tài sản để thi hành án thực hiện theo quy định tại các Điều 114, 115, 116 và 117 của Luật này…”.

Luật sư Đinh Thị Nguyên cho biết, Chấp hành viên có trách nhiệm cưỡng chế giao tài sản cho người mua được tài sản đấu giá theo quy định tại các Điều 114,115,116 và 117 Luật THADS năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014. Chủ tài sản có trách nhiệm phối hợp giao tài sản cho người mua được tài sản đấu giá và đền bù những thiệt hại phát sinh (nếu có). Trong trường hợp Chấp hành viên có lỗi gây nên việc chậm bàn giao tài sản gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người trúng đấu giá, chấp hành viên có thể bị xử lý kỷ luật theo Luật Cán bộ công chức sửa đổi năm 2019; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định tại Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017.

Kỳ 4: Do một số chủ tài sản chưa làm hết trách nhiệm? Kỳ 4: Do một số chủ tài sản chưa làm hết trách nhiệm?
Kỳ 3: Các trường hợp được hoãn, hủy phiên đấu giá Kỳ 3: Các trường hợp được hoãn, hủy phiên đấu giá
Kỳ 2: Cản trở, không bán hồ sơ sẽ bị hủy kết quả đấu giá Kỳ 2: Cản trở, không bán hồ sơ sẽ bị hủy kết quả đấu giá
Kỳ 1: Khách hàng không được làm “thượng đế” Kỳ 1: Khách hàng không được làm “thượng đế”
Thái An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động