Thứ sáu 19/04/2024 08:37
Vì sao khách hàng không “mặn mà” với tài sản thi hành án

Kỳ 1: Khách hàng không được làm “thượng đế”

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Mặc dù Luật Đấu giá tài sản và Bộ Luật hình sự đã đưa ra nhiều quy định chặt chẽ để ngăn chặn tình trạng tiêu cực trong lĩnh vực đấu giá tài sản. Song, không ít chủ tài sản và đơn vị tổ chức đấu giá vẫn bất chấp quy định, cản trở, gây khó khăn cho những người có nhu cầu không thể tiếp cận để mua được tài sản thi hành án.

Phát triển theo hướng chuyên nghiệp

Ngày 17-11-2016, Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 2 thông qua Luật Đấu giá tài sản, Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2017. Luật Đấu giá tài sản năm 2016 được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý ổn định, thống nhất, lâu dài cho sự phát triển hoạt động đấu giá tài sản theo hướng chuyên nghiệp hóa; từng bước củng cố và nâng cao chất lượng đội ngũ đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, tạo lập môi trường giao dịch công khai, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đấu giá của các cá nhân, tổ chức; đồng thời tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đấu giá tài sản.

Nhằm ngăn chặn hành vi gian dối, tiêu cực, vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản, BLHS năm 2015 có hiệu lực thi hành từ 1-1-2018 đã chính thức đưa ra điều luật để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một số hành vi vi phạm trọng lĩnh vực bán đấu giá tài sản.

Có thể thấy, Điều 218, BLHS năm 2015 quy định về tội “Vi phạm các quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản” là tội phạm có lỗi cố ý, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu có tài sản bán đấu giá, xâm phạm đến quyền lợi bình đẳng trong hoạt động đấu giá của những người tham gia đấu giá.

Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản ra đời nhằm góp phần đảm báo tính công khai, minh bạch của hoạt động đấu giá tài sản
Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản ra đời nhằm góp phần đảm báo tính công khai, minh bạch của hoạt động đấu giá tài sản

Sau nhiều năm Luật Đấu giá tài sản 2016 và BLHS năm 2015 có hiệu lực thi hành với những quy định chi tiết và chặt chẽ, hoạt động bán đấu giá tài sản đã từng bước phát triển, có những đóng góp quan trọng trong công tác thi hành pháp luật, đặc biệt là công tác thi hành án dân sự; chất lượng hoạt động đấu giá ngày càng được nâng cao, giá trị tài sản bán được cao hơn nhiều so với giá khởi điểm, thu ngân sách Nhà nước thông qua hoạt động đấu giá đạt hiệu quả cao.

Song, bên cạnh những mặt tích cực trên, vẫn còn không ít đơn vị tổ chức đấu giá tài sản vẫn có dấu hiệu bất chấp pháp luật, vi phạm các điều nghiêm cấm đã được quy định rõ ràng trong Luật Đấu giá tài sản năm 2016 để thực hiện những hành vi như: Không bán hồ sơ hoặc gây khó khăn cho khách hàng có nhu cầu mua hồ sơ và xem tài sản; “quân xanh, quân đỏ”, thông đồng dìm giá trong các phiên đấu giá dẫn đến giá trị tài sản bán được chỉ chênh so với giá khởi điểm chút ít… Nhiều đơn vị tổ chức bán đấu giá tài sản còn tùy tiện, tìm đủ mọi lý do để tạm hoãn, dừng hoặc huỷ phiên đấu giá, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của những người liên quan.

Để khắc phục các tiêu cực trong đấu giá tài sản, đáp ứng yêu cầu phát triển hoạt động hành nghề đấu giá, tiếp cận với xu thế xử lý tài sản công trên thế giời, Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp đã tham mưu lãnh đạo Bộ Tư pháp xây dựng và đưa Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản, sử dụng từ ngày 10-4-2020 để góp phần đảm báo tính công khai, minh bạch của hoạt động đấu giá tài sản. Ngoài việc niêm yết việc đấu giá tài sản theo quy định thì tổ chức đấu giá tài sản phải thông báo công khai ít nhất hai lần trên báo in hoặc báo hình của trung ương hoặc tỉnh, TP trực thuộc Trung ương nơi có tài sản đấu giá và Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản.

Công tác quản lý trong đấu giá tài sản

Đề cập đến công tác quản lý Nhà nước trong đấu giá tài sản, Cục Bổ trợ tư pháp đã từng đưa ra đánh giá, địa phương nào có sự quản lý, giám sát chặt trẽ của người có tài sản, sự vào cuộc, xử lý quyết liệt, kịp thời của cơ quan quản lý Nhà nước thì tình trạng thông đồng, dìm giá, gây thất thoát tài sản Nhà nước được hạn chế tối đa. Một số tổ chức đấu giá tài sản vẫn còn tình trạng vi phạm trình tự, thủ tục dẫn đến bị hủy kết quả đấu giá; còn tình trạng “bao che”, “thông đồng, dìm giá”, “quân xanh, quân đỏ” giữa người tham gia đấu giá, người có tài sản, tổ chức đấu giá tài sản.

Không chỉ bị một số đơn vị tổ chức đấu giá cản trở, gây khó khăn cho người tham gia đấu giá trong việc đăng ký tham gia đấu giá, tham gia cuộc đấu giá mà hiện nay còn xuất hiện tình trạng chậm bàn giao tài sản cho người mua được tài sản, nhiều trường hợp người mua được tài sản đấu giá ngay tình phải chịu rủi ro, quyền lợi hợp pháp bị ảnh hưởng do không nhận được tài sản trúng đấu giá dẫn đến tâm lý e ngại khi tham gia đấu giá, tài sản đấu giá được bán nhiều lần không thành, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức, Nhà nước.

Trong nhiều năm theo dõi, đưa tin về mảng thi hành án dân sự và bán đấu giá tài sản, PV cũng chứng kiến không ít DN tổ chức bán đấu giá tài sản đưa ra nhiều chiêu trò trốn tránh bán hồ sơ đấu giá theo quy định nhằm hạn chế người tham gia đấu giá tài sản, nhiều phiên đấu giá bị hoãn, hủy tùy tiện, trái quy định biến những người có nhu cầu mua tài sản thi hành án không được làm “thượng đế” như một số lĩnh vực mua bán hàng hóa khác. Không những vậy, thời gian gần đây, nhiều khách hàng tỏ vẻ không “mặn mà” với tài sản thi hành án còn do việc gây khó khăn, chậm trễ bàn giao tài sản của chủ tài sản đối với những người đã mua được tài sản.

Những hành vi vi phạm Luật Đấu giá tài sản, cản trở, gây khó khăn, trốn tránh không bán hồ sơ; tạm dừng, hủy hoãn phiên đấu giá một cách tùy tiện của đơn vị tổ chức bán đấu giá; việc chậm trễ bàn giao tài sản cho người mua được tài sản sẽ bị xử lý như thế nào? PL&XH sẽ truyền tải tới bạn đọc trong các bài báo sau dưới góc nhìn của các chuyên gia pháp lý.

Tại Hà Nội, trước đó, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành kế hoạch thực hiện các dự án đấu giá thời kì 2021 - 2023. Trong ba năm từ 2021 - 2023, Hà Nội dự kiến sẽ đấu giá 1.484 dự án, tổng diện tích đấu giá hơn 1.084 ha.

Cụ thể năm 2021, Hà Nội có kế hoạch đấu giá 446 dự án với tổng diện tích hơn 177 ha; tổng số tiền dự kiến trúng đấu giá hơn 23.673 tỷ đồng. Trong 446 dự án kể trên, có 214 dự án quy mô diện tích trên 5.000 m2; 232 dự án dưới 5.000 m2.

Năm 2022 sẽ đấu giá 507 dự án; tổng diện tích 422,07 ha; tổng số tiền trúng đấu giá dự kiến 38.123,05 tỷ đồng. Năm 2023, kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất 531 dự án; tổng diện tích 485,46 ha; tổng số tiền trúng đấu giá dự kiến 42.206,39 tỷ đồng.

Theo kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất năm 2021, đáng chú ý có các huyện sau: Đông Anh sẽ đấu giá 78 dự án, Phú Xuyên 66 dự án, Ba Vì 28 dự án, Gia Lâm 45 dự án, Mê Linh 25 dự án, Ứng Hòa 19 dự án, Thường Tín 20 dự án, Chương Mỹ 19 dự án, Quốc Oai 12 dự án...

(Còn nữa)

Thái An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động