Thứ sáu 29/03/2024 05:17
Vì sao khách hàng không “mặn mà” với tài sản thi hành án

Kỳ 2: Cản trở, không bán hồ sơ sẽ bị hủy kết quả đấu giá

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Luật Đấu giá tài sản nghiêm cấm tổ chức đấu giá cản trở, gây khó khăn cho người tham gia đấu giá trong việc đăng ký tham gia đấu giá, tham gia cuộc đấu giá. Vậy, theo quy định của pháp luật, hành vi cản trở, không bán hồ sơ cho người tham gia đấu giá sẽ bị xử lý như thế nào?

Còn nhiều chiêu trò

Thông thường, nhà sản xuất và DN kinh doanh buôn bán sản phẩm sẽ đưa ra các chiến lược kinh doanh, quảng bá thương hiệu, sản phẩm với mong muốn mang lại kết nối tốt nhất giữa DN với khách hàng và bán được sản phẩm với giá tốt nhất. Song, trái ngược với quy luật trên, nhiều tổ chức bán đấu giá tài sản, đặc biệt là tài sản thi hành án lại đưa ra nhiều chiêu trò như không thông báo, niêm yết công khai theo quy định của Luật Đấu giá tài sản; trốn tránh không bán hồ sơ đấu giá tài sản, gây cản trở, khó khăn cho người muốn mua tài sản để thực hiện mục đích “đạo diễn” cuộc đấu giá theo mong muốn.

Cty Đấu giá hợp danh Trường Sơn tại căn hộ A12, lô BT4, KĐT mới Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội nhiều lần bị tố không bán hồ sơ đấu giá tài sản
Cty Đấu giá hợp danh Trường Sơn tại căn hộ A12, lô BT4, KĐT mới Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội nhiều lần bị tố không bán hồ sơ đấu giá tài sản

Luận bàn về hành vi cản trở, không bán hồ sơ đấu giá tài sản cho người có nhu cầu mua tài sản của đơn vị tổ chức bán đấu giá tài sản sẽ bị xử lý như thế nào, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, khi tổ chức đấu giá tài sản thực hiện không đúng quy định về bán hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá thì chủ tài sản có quyền huỷ bỏ hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản và có thể hủy kết quả đấu giá. Và có thể xử lý hình sự nếu CQCA xác định tổ chức đấu giá tài sản có hành vi thông đồng, móc nối với người tham gia đấu giá để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá nhằm mục đích trục lợi.

Luật sư Nguyễn Hồng Thái viện dẫn, Điều 6, Luật Đấu giá tài sản năm 2016 quy định về nguyên tắc đấu giá tài sản là phải tuân thủ quy định của pháp luật và bảo đảm tính độc lập, trung thực, công khai, minh bạch, công bằng, khách quan. Khoản 2 Điều 38 của Luật này quy định: “Tổ chức đấu giá tài sản bán hồ sơ tham gia đấu giá, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá trong giờ hành chính, liên tục kể từ ngày niêm yết việc đấu giá tài sản cho đến trước ngày mở cuộc đấu giá 02 ngày”. Điểm c khoản 2 Điều 9, Luật Đấu giá tài sản còn đưa ra quy định: “Nghiêm cấm tổ chức đấu giá tài sản thực hiện hành vi cản trở, gây khó khăn cho người tham gia đấu giá trong việc đăng ký tham gia đấu giá, tham gia cuộc đấu giá”.

Còn khoản 6 Điều 33, Luật Đấu giá tài sản năm 2016 quy định, người có tài sản đấu giá có quyền hủy bỏ hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản khi tổ chức đấu giá tài sản có một trong các hành vi: không thực hiện việc niêm yếu đấu giá tài sản; không thông báo công khai việc đấu giá tài sản; thực hiện không đúng quy định về bán hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá, tổ chức đăng ký tham gia đấu giá; cản trở, hạn chế người tham gia đấu giá đăng ký tham gia đấu giá. Nếu hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản bị hủy thì kết quả đấu giá tài sản cũng sẽ bị hủy theo quy định tại khoản 3 Điều 72 của Luật này.

Nếu xác định đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản có hành vi cản trở, không bán hồ sơ đấu giá để thông đồng, dìm giá hoặc nâng giá trong hoạt động bán đấu giá tài sản nhằm thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên có thể bị phạt tù đến 5 năm theo quy định tại Điều 218, BLHS năm 2015 về tội “Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản”. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm cộng việc nhất định từ 1 đến 5 năm.

Nếu xác định hành vi thông đồng dìm giá hoặc nâng giá trong hoạt động đấu giá mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì đấu giá viên sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 82/2020/NĐ-CP ngày 17-5-2020 của Chính phủ bằng hình thức tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề đấu giá từ 9 tháng đến 1 năm; buộc tổ chức đấu giá tài sản thực hiện các thủ tục để đề nghị hủy kết quả đấu giá…; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Cần ngăn chặn, xử lý các hành vi trên

Để ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm trên của các tổ chức đấu giá tài sản, luật sư Nguyễn Hồng Thái đưa ra hướng dẫn, khi phát hiện tổ chức đấu giá tài sản không niêm yếu công khai, không bán hồ sơ theo quy định thì khách hàng, người tham gia đấu giá cần thu thập dữ liệu, chứng cứ bằng cách quay video, lập vi bằng… đồng thời phản ánh tới chủ tài sản và các đơn vị liên quan. Sau đó làm đơn tố cáo hành vi không bán hồ sơ đấu giá của tổ chức đấu giá tài sản tới Sở Tư pháp của tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, nơi tổ chức đấu giá đặt trụ sở hoặc chi nhánh.

Không chỉ việc gây khó khăn, cản trở, không bán hồ sơ cho người có nhu cầu mua tài sản, mà thời gian gần đây, nhiều người đủ điều kiện tham gia đấu giá tỏ ra rất thất vọng khi một số chủ tài sản thường là các Chi cục THADS và một số đơn vị đấu giá tài sản đột ngột ra thông báo hoãn, hủy cuộc đấu giá tài sản chỉ trước thời điểm dự kiến tổ chức phiên đấu giá vài giờ. Việc dừng, hủy phiên đấu giá không đúng quy định sẽ bị xử lý ra sao, PL&XH sẽ thông tin trong bài sau.

Kỳ 1: Khách hàng không được làm “thượng đế” Kỳ 1: Khách hàng không được làm “thượng đế”
Thái An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động