Thứ ba 30/04/2024 18:54
Cả nước chung tay với cuộc chiến phòng, chống đại dịch Covid-19:

Kỳ 2: Hà Nội đang chống dịch trong tâm thế bĩnh tĩnh và chủ động

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Làm việc với Sở Chỉ huy phòng chống dịch TP Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Hà Nội đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 nhưng vẫn trong tâm thế bình tĩnh và chủ động…”. Những ngày này, Hà Nội đang tập trung tất cả các nguồn lực nhằm bảo vệ sức khỏe nhân dân trước đại dịch Covid-19.

Biết lắng nghe dân

Ngày 10-8, cả nước có tới 8.390 ca mắc Covid-19, riêng Hà Nội có 60 ca. những con số trên cho thấy, giai đoạn cam go này nếu như việc tiêm vắc- xin để tạo ra miến dịch cộng đồng còn khó khăn thì cách tốt nhất vẫn là tuân thủ giãn cách xã hội.

Ngay trong chuyến công tác tại 6 tỉnh phía nam Sông Hậu, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 đã có những đánh giá cụ thể. Chẳng hạn với tình hình TP.HCM và toàn bộ 19 tỉnh, thành phía Nam buộc phải giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nếu không tình hình bây giờ rất phức tạp. “Nguyên nhân chính khiến số ca bệnh chưa giảm, một số nơi còn tăng là các tỉnh, huyện, thậm chí xã dù rất cố gắng, thực tế có chỗ chưa thực sự giãn cách người với người, nhà với nhà”, Phó thủ tướng nói.

Thực hiện giãn cách lần hai, người dân Hà Nội vẫn tuân thủ nghiêm chỉ đạo của Chính phủ và TP 	Ảnh: Quang Huy
Thực hiện giãn cách lần hai, người dân Hà Nội vẫn tuân thủ nghiêm chỉ đạo của Chính phủ và TP. Ảnh: Quang Huy

Đánh giá về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Hà Nội, chuyên gia kinh tế Hoàng Mạnh Thắng nhấn mạnh, Hà Nội đang chống dịch bằng tất cả nguồn lực và sức mạnh của mình. Mục tiêu hàng đầu là bảo vệ được sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Điều này thể hiện trong hàng loạt công bố về các ca nhiễm Covid-19 hàng ngày trong cả nước. Ở những báo cáo này cho thấy, một thủ đô tập trung mật đô dân số lớn thứ hai của cả nước nhưng số ca nhiễm vẫn trong vòng khống chế. Cho dù thế, Hà Nội vẫn không hề chủ quan vì rõ ràng nguy cơ bùng phát dịch bệnh có thể đến bất cứ lúc nào.

Bàn về câu chuyện giấy đi đường, ông Thắng cho rằng, mọi biện pháp được áp dụng lúc này đều vì người dân. Qua đó cho thấy, lãnh đạo TP đã có những điều chỉnh kịp thời, hợp lòng người và phù hợp với công tác phòng chống dịch bệnh. Điều này chứng minh, Hà Nội đang thể hiện là chính quyền biết lắng nghe các phản biện để đưa ra phương án giải quyết thích hợp nhất. Trong giai đoạn giãn cách này mọi người nên lấy sự an toàn sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng lên hàng đầu.

Ông Thắng phân tích tiếp: “Ngay trong Nghị quyết phòng, chống dịch Covid-19 mới đây của Chính phủ cũng nhấn mạnh: “thực hiện giãn cách xã hội phải được triển khai thực chất, nghiêm ngặt, mạnh mẽ, quyết liệt, chặt chẽ ngay từ đầu… Tất cả các địa phương chỉ đạo thực hiện nghiêm phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người," phát hiện, xử lý ngay người đến từ vùng có dịch hoặc đến từ địa bàn khác theo quy định của địa phương mà không khai báo, người rời khỏi địa phương đang giãn cách xã hội mà không được phép của cấp có thẩm quyền theo quy định.

Căn cứ tình hình và yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, chủ động áp dụng linh hoạt các biện pháp cần thiết như hạn chế một số phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định, tại một số khu vực, địa bàn nhất định trên nguyên tắc "ai ở đâu thì ở đó;" dứt khoát không để người dân tự phát rời khỏi địa bàn đang có dịch làm lây lan sang các địa bàn, địa phương khác…”.

Không bị động trong chống dịch

Chuyên gia kinh tế Vũ Thu Hà đưa ra quan điểm, hãy nhìn nhận câu chuyện kịp thời điều chỉnh giấy đi đường của lãnh đạo TP bằng sự tích cực, đồng thời cần ghi nhận sâu hơn nữa những cố gắng của lãnh đạo TP, các cấp ngành và người dân trong cuộc chiến với dịch bệnh. Nỗ lực gần đây nhất của TP là ngày 6-8 đưa vào vận hành một bệnh viện - trung tâm thu dung tại Đền Lừ (quận Hoàng Mai) với quy mô 1.000 giường để điều trị cho những người mắc Covid-19 thể nhẹ và sẽ được bổ sung khoảng 5.000 giường nữa. Ngoài ra, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo trong thời gian ngắn nhất TP phải chuẩn bị 30.000 giường để thu dung các trường hợp F0 thể nhẹ.

Sau đó hai ngày, ngày 8-8, Chủ tịch UBND TP, Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 của Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Phương án số 182/PA-UBND đáp ứng 8.000 giường để điều trị cho bệnh nhân Covid-19 ở mức độ vừa, nặng và nguy kịch trong tình huống có 40.000 người bệnh Covid-19 tại TP. Phương án này nhằm để các bệnh viện có đủ điều kiện sẵn sàng thu dung, điều trị cho người bệnh; đồng thời sử dụng nguồn lực hợp lý, an toàn, tiết kiệm và hiệu quả trong công tác thu dung, điều trị Covid-19 trên địa bàn TP.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng, đánh giá: “Trong thời gian giãn cách xã hội vừa qua, Hà Nội đã làm rất nghiêm, quyết liệt, truy vết nhanh, khống chế được ổ dịch khi phát hiện được ca F0 đầu tiên, thực hiện phong tỏa hiệu quả.

Hà Nội cũng đã làm tốt biện pháp bảo vệ "vùng xanh", tạo ra tổ tự quản bảo vệ xóm nhỏ, ngõ nhỏ. Việc Hà Nội quyết định tiếp tục giãn cách thêm 15 ngày nữa là đúng đắn và cần thiết để khoanh vùng, cách ly, xử lý ổ dịch; củng cố, nâng cao năng lực của ngành y tế, giữ thế chủ động một cách toàn diện trong công tác phòng, chống dịch".

Ngay trong những ngày đầu tháng 8, làm việc với Sở Chỉ huy phòng chống dịch TP Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Hà Nội đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 nhưng vẫn trong tâm thế bình tĩnh và chủ động, vì vậy những gì cần thiết thì phải làm ngay, chuẩn bị ngay. Chúng ta phấn đấu không để tình hình dịch bệnh diễn biến như ở TP.HCM và một số tỉnh nhưng cũng phải chuẩn bị cho tình huống xấu hơn để không bị động”.

Cùng với những nỗ lực cao nhất nhằm đảm bảo sức khỏe Nhân dân, Hà Nội cũng đang có nhiều biện pháp thích hợp ổn định cuộc sống người dân, không để người lao động tự do bị thiếu ăn do ảnh hưởng của đại dịch.

Liên quan đến công tác xét nghiệm COVID-19, lãnh đạo TP Hà Nội đề nghị Sở Y tế xây dựng kế hoạch phân bổ máy xét nghiệm PCR đảm bảo an toàn, hiệu quả, đúng mục đích; bổ sung cán bộ (sinh viên các trường đại học, cao đẳng y trên địa bàn và mạng lưới y tế học đường) hỗ trợ, tổ chức đào tạo nhân lực về lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển; tham mưu, báo cáo UBND TP đề nghị Bộ Quốc phòng chỉ đạo các bệnh viện trực thuộc trên địa bàn (BV 108, BV 103, Học viện Quân y, Trung tâm nhiệt đới Việt Nga và các đơn vị quân đội có phòng xét nghiệm RT-PCR) phối hợp hỗ trợ năng lực xét nghiệm. Tổ chức kịp thời việc mua sinh phẩm, hóa chất và vật tư tiêu hao phục vụ hoạt động phòng chống dịch.

(Còn nữa)

Kỳ 1: Người dân bỏ đi đâu khi những chiến sĩ áo trắng đang đi vào tâm dịch? Kỳ 1: Người dân bỏ đi đâu khi những chiến sĩ áo trắng đang đi vào tâm dịch?

Thị xã Sơn Tây, Hà Nội, ngày 1-8, một ngày khó quên đối với các y, bác sĩ, nhân viên… BV Quân y 105. Những ...

Gia Bảo
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động