Thứ ba 30/04/2024 20:26
Cả nước chung tay với cuộc chiến phòng, chống đại dịch Covid-19

Kỳ 1: Những chiến sĩ áo trắng đang đi vào tâm dịch?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Thị xã Sơn Tây, Hà Nội, ngày 1-8, một ngày khó quên đối với các y, bác sĩ, nhân viên… BV Quân y 105. Những chiếc xe ca nhà binh xếp hàng ngay ngắn, chỉ ít phút nữa thôi hơn 100 CBNVCS sĩ của BV sẽ hành quân vào phía Nam, chung tay cùng cả nước đẩy lùi đại dịch. Những giọt nước mắt của người ở lại, dặn dò, động viên đồng đội lên đường nhớ phải biết giữ gìn sức khỏe, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Cất cao đôi cánh mềm

Các CBNVCS của BV 105 là nòng cốt chính cho BV dã chiến truyền nhiễm số 5D trực thuộc Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng) triển khai xây dựng tại ký túc xá ĐHQG TP HCM, TP Dĩ An (tỉnh Bình Dương).

Bốn ngày sau, ngày 4-8, con phố Tràng Thi lại in đậm hình ảnh của 300 chiến sĩ áo trắng BV Việt Đức lên đường chi viện cho miền Nam yêu dấu. Trước đó, cộng đồng mạng không khỏi xúc động khi xem những dòng tin trên tài khoản xã hội của PGS-TS Lê Tư Hoàng, Chủ tịch Công đoàn BV Việt Đức. Ở đó, là những dòng tin đầy trách nhiệm, đầy nhân văn của các đoàn viên BV giành nhau đi đợt 1: "Em đăng ký ạ", "Cho em đi trước chị ơi", "Cho em đi trước đi ạ"... Trong đó, ấn tượng là tin nhắn của cặp vợ chồng bác sĩ thắc mắc với nhau để giành suất đi chống dịch. 300 người đi đợt này những có tới 500 người đăng ký.

Đoàn xe của các CBNVCS Quân y viện 105 hướng về miền Nam thân yêu, lên đường phòng, chống dịch bệnh
Đoàn xe của các CBNVCS Quân y viện 105 hướng về miền Nam thân yêu, lên đường phòng, chống dịch bệnh

Trong ngày 4-8 ấy, cặp vợ chồng tranh nhau suất Nam tiến ấy đều có mặt và là thành viên của đoàn công tác. Anh là bác sĩ Phạm Đình Phương (Khoa phục hồi chức năng), còn chị là Phạm Thị Mỹ Hạnh (Trung tâm gây mê hồi sức). Lúc này, con của anh chị mới 17 tháng tuổi nhưng lãnh đạo BV vẫn chọn cả hai vợ chồng vì có hậu phương vững chắc chăm sóc cho bé.

Chỉ bốn ngày đầu tháng 8 đã có gần 3.000 nhân viên y tế của các BV Trung ương lên đường chi viện cho TP HCM và các tỉnh, TP phía Nam.

Những chiến sĩ áo trắng ấy luôn đẹp như loài bồ câu cất cao đôi cánh mềm, như mây ấm theo làn gió tung bay khắp trời và là những người con đất Việt làm đẹp thêm trang sử hào hùng nghìn xưa tiếp lời cha ông. Có lẽ khi viết ca khúc: “Tự nguyện”, nhạc sĩ Trương Quốc Khánh không ngờ rằng lời bài hát không chỉ có ý nghĩa trong những ngày cả nước chung tay giệt giặc Mỹ mà luôn đúng, luôn mới với những người con sẵn sàng xả thân vì quê hương, đất nước trong bất cứ thời điểm, hoàn cảnh nào.

Đừng để sự cống hiến của họ thành vô ích!

Trong khi từng đoàn y, bác sĩ… bất chấp hiểm nguy, xa quê hương, người thân lao vào tâm dịch thì TP HCM và nhiều tỉnh, thành phía Nam, hàng ngàn người dân đã bất chấp chỉ thị của Chính phủ lũ lượt kéo nhau về quê. Không ít gia đình vì chạy dịch để tồn tại đã đánh đổi hiểm nguy cả vợ, chồng, con cái trên những chiếc xe máy cũ, yếu, mệt mỏi lần hồi từng cung đường hàng trăm, thậm chí gần 2.000 cây số.

Đã có những tai nạn thương tâm cướp đi sinh mạng người chồng, chưa kể yếu tố lây lan dịch bệnh luôn thường trực tới người dân, địa phương nơi họ đi qua.

Chính phủ và lãnh đạo các địa phương đã nhìn nhận thấy điều này và có điều chỉnh hợp lý để người dân không tự ý rời khỏi nơi mình ở. TP HCM sau 18g từng con đường không còn tấp nập người qua lại.

Bài toán lương thực ổn định cuộc sống người dân được tính toán phù hợp hơn. Ngay lúc này, các địa phương cũng cần công bố rõ số điện thoại để người dân liên hệ mỗi khi cần giúp đỡ về lương thực.

TP HCM những ngày này đang ghi nhận những phận đời đáng thương đến nhói lòng. Trong khi Hà Ngọc Trường (SN 1993), bệnh nhân F0 đang điều trị ở BV dã chiến Củ Chi, TP HCM thì bốn người thân khác trong gia đình cũng bị dương tính với Covd-19. Nặng nhất là mẹ anh đang phải điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới TP HCM.

Còn nhiều lắm những gia đình trong năm ngày đã mất tới 3 người thân vì Covid-19.

Có những gia đình con nằm viện còn hài cốt của mẹ cũng phải nhờ người khác đưa đi hỏa táng giúp. Tất cả đều liên quan đến Covid-19. Chiếc gường đắt giá luôn là gường bệnh.

Trong khi các bác sĩ và nhiều lực lượng phòng chống dịch khác đến với các địa phương có dịch, nhận về mình sự hiểm nguy thì người dân lại bỏ đi đâu? Đừng để sự cống hiến của họ thành vô ích!

Trong khi lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cấp ngày đêm họp bàn tìm ra giải pháp bảo đảm sự an toàn cho người dân, DN... Ở ngoài kia vẫn còn hàng vạn chiến sĩ có mặt nơi BV, chốt trực, chấp nhận xa gia đình vì cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh thì cách tốt nhất để mỗi người dân tự giúp mình, người thân và cộng đồng là hãy ở nhà và chỉ ra đường khi thực sự cần thiết.

(Còn nữa)

Gia Bảo
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động