Thứ bảy 20/04/2024 21:32

Bản lĩnh bác sỹ trẻ với thử thách trong tâm dịch

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Những ngày này, khi cuộc sống bình thường đang dần trở lại, nhịp độ công việc của nhân viên y tế tuyến cơ sở đã giãn hơn. Họ có dịp nghỉ ngơi, trò chuyện và hồi tưởng lại quãng thời gian chống dịch dài đằng đẵng với khối lượng công việc "ngốn" 200% sức lực. Chính họ cũng không thể hiểu được vì sao mình đã vượt qua.
Bản lĩnh bác sỹ trẻ với thử thách trong tâm dịch
BS. Hiếu quan niệm: Với đồng nghiệp không phân biệt cấp trên, cấp dưới mà mọi người cùng chia sẻ để tháo gỡ khó khăn vì công việc chung (ảnh P.C)

Lạ lẫm với những điều vốn là quen thuộc

Có mặt tại Trạm Y tế phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội-nơi đã từng là "điểm nóng" của Hà Nội về tính phức tạp của dịch Covid-19, tôi được chứng kiến không khí làm việc thật bình yên. Những hình ảnh này thời điểm trước khi có dịch Covid-19 vốn quen thuộc, bình thường nhưng sau một thời gian cuốn theo "cơn bão" Covid-19 thì nó lại trở nên lạ lẫm đến bất ngờ.

Không còn hình ảnh nhân viên y tế với bộ đồ bảo hộ thoăn thoắt lấy mẫu xét nghiệm cho người dân, phía dưới là những hàng ghế xếp dài, tràn cả ra cổng; Cũng không còn những cuộc điện thoại liên tục dồn dập gọi đến "cháy" đường dây nóng hay những chồng giấy tờ xếp cao ngang mặt... Thay vào đó, các nhân viên y tế ở đây đã được làm việc với cường độ giảm hơn, thong thả hơn những ngày cao điểm chống dịch.

Nhớ lại những ngày khốc liệt đã qua, BS. Nguyễn Văn Hiếu, sinh năm 1986, Phó trạm trưởng Trạm Y tế phường Phú Đô vẫn không thể lý giải được động lực nào mà mình và những cán bộ nhân viên tại trạm đã vượt qua được. "Thời điểm ấy chúng tôi làm việc với 200% sức lực, công việc cứ thế nối tiếp nhau dồn dập suốt ngày đêm. Mọi người dù mệt nhưng vẫn cứ động viên nhau phải bám trụ bởi mình mà bỏ thì ai sẽ là người làm. Thế rồi dịch cũng dần giảm đi, số ca mắc giảm, công việc giãn dần cường độ. Mọi người giờ nghĩ lại vẫn không hiểu sao mình có thể vượt qua".

Bắt đầu từ tháng 10-2021, BS. Hiếu đang giữ chức Phó trạm trưởng Trạm Y tế phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm) được điều động về làm Phó trạm trưởng, phụ trách Trạm Y tế phường Phú Đô. Với chuyên ngành là bác sỹ nội khoa, nay lại tiếp nhận nhiệm vụ quản lý với phạm vi rộng hơn, nhất là trong thời điểm thực hiệm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 được đặt lên hàng đầu, BS. Hiếu không tránh khỏi những băn khoăn.

Sự thử thách đến với "người mới" không lâu sau khi anh về nhận nhiệm vụ. Đầu tháng 11-2021, phường Phú Đô bắt đầu nổ ra các ổ dịch với tính chất vô cùng phức tạp, mức độ lây lan nhanh chóng. Rất nhanh sau đó, Phú Đô trở thành "điểm nóng" không chỉ của quận Nam Từ Liêm mà của cả TP Hà Nội về dịch Covid-19. Số ca mắc tăng nhanh, phường đã thực hiện phong toả các ổ dịch, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp liên quan. Khi các ổ dịch tiếp tục xuất hiện không rõ nguồnn lây thì phường thực hiện xét nghiệm trên diện rộng cho toàn bộ người dân. Trước tình huống ấy, toàn bộ các lực lượng trên địa bàn phường được huy động vào cuộc để chống dịch. Tuy nhiên, lực lượng y tế vẫn là đầu tàu chống dịch.

Bản lĩnh bác sỹ trẻ với thử thách trong tâm dịch
Cũng có lúc mệt mỏi nhưng BS. Hiếu nghĩ rằng y tế là đầu tàu chống dịch nên không thể buông bỏ (ảnh P.C)

Làm việc bằng 200% sức lực

Với vai trò là "đầu tàu của đầu tàu" chống dịch, BS. Nguyễn Văn Hiếu đã cùng anh em ăn, ở tại trạm trong những ngày Phú Đô là tâm dịch. "Lúc ấy dịch bùng phát, công việc nhiều làm không xuể. Mọi người đều lăn vào làm, không phân biệt là sếp hay nhân viên. Buổi sáng thì triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân với 1-2 nghìn mũi tiêm/ngày. Tối về lại chuyển bệnh nhân đi cơ sở thu dung, điều trị. Giai đoạn ấy F0 chuyển viện đa phần toàn chuyển ban đêm, lúc1-2g sáng. Sau đó lại lấy mẫu cho các trường hợp F1 và những người liên quan, công việc kết thúc lúc 4-5 giờ sáng. Hôm sau anh em lại vẫn đi làm bình thường. Công việc thì nhiều, quá tải nhưng anh em cũng động viên nhau cố gắng, cùng hỗ trợ nhau, có gì góp ý với nhau để điều chỉnh cho phù hợp", BS. Hiếu chia sẻ.

Cứ như vậy, suốt hơn một tháng mọi người cùng ăn ở, sinh hoạt tại trạm không về nhà để giải quyết công việc được thông suốt và cũng tránh lây nhiễm cho gia đình. Công việc nhiều, mọi người làm việc quên ăn, bỏ bữa là điều bình thường.

"Lúc đó trong suy nghĩ, tư tưởng mọi người cũng kêu chán xong lại động viên nhau là nếu mình nghỉ thì ai làm nên lại cố gắng. Mọi người dù mệt mỏi, căng thẳng nhưng vẫn làm vì trách nhiệm với công việc, vì cái tâm", BS. Hiếu nói.

Bản thân BS. Hiếu cũng không ít lần mệt mỏi, áp lực muốn nghỉ nhưng với vai trò là người đứng đầu anh nghĩ: "Mình phải làm vì anh em, mình nghỉ và mọi người cũng nghỉ thì ai làm. Y tế là đầu tàu chống dịch không thể buông bỏ, mình bỏ thì dân biết làm gì". Xốc lại tinh thần, BS. Hiếu đã động viên mọi người cố gắng lên, chắc chỉ vài tuần thôi dịch sẽ qua. Cứ như vậy mọi người nỗ lực thực hiện công việc và đã đưa tình hình dịch ở Phú Đô vào trạng thái được kiểm soát.

Nhưng làn sóng trước vừa qua, làn sóng sau lại đến, dịch ở Phú Đô tạm lắng thì khắp các địa bàn của Hà Nội bùng phát ca mắc do thực hiện nới lỏng các hoạt động dịch vụ. Thời điểm Hà Nội lên "đỉnh dịch" thì số ca mắc trên địa bàn phường Phú Đô cũng lên tới 5-700 trường hợp mỗi ngày. Chưa kịp nghỉ ngơi, nhân viên y tế lại tiếp tục chống chọi với đợt sóng mới.

BS. Hiếu nhớ lại: Cứ nghĩ rằng khi dịch ở Phú Đô tạm lắng thì anh em được nghỉ ngơi, không ngờ lại kéo dài đến thế. Công việc nhiều, nhân viên cũng trở thành F0 nhưng không thể nghỉ. Ai ở nhà thì làm online, ai khoẻ hơn một chút thì đến trạm làm việc bình thường. Mỗi ngày tiếp nhận mấy trăm cuộc điện thoại gọi đến và hướng dẫn người bệnh các quy trình, thủ tục cũng khiến anh em rối bời và mệt nhoài nhưng vẫn phải cố vì mình nghĩ không làm thì đồng nghiệp không thể làm hết được.

Công việc quá tải, mọi người mệt mỏi nên cáu gắt, khó chịu. BS. Hiếu đã động viên anh em đây là khó khăn chung nên cùng chia sẻ để gỡ rối. "Bản thân mình là F0 cũng vẫn làm việc để chia sẻ với anh em. Người mệt mỏi, sốt đùng đùng nhưng có triệu chứng gì chúng tôi điều trị triệu chứng ấy, sau 4-5 ngày công việc cuốn đi rồi quên luôn cái mệt. Đến giờ nhịp độ công việc đã giãn hơn, mọi người vẫn không hiểu sao mà mình lại có động lực vượt qua quãng thời gian dài làm việc ở mức trên 200% sức lực như vậy. Giờ quay nhìn lại tôi không nghĩ mình và mọi người có thể vượt qua được giai đoạn ấy", BS. Hiếu nhớ lại.

Điều BS. Hiếu đúc rút ra sau 5 tháng nhận nhiệm vụ mới chính là tinh thần hoà đồng, học hỏi trong công việc. Tạm quên đi vai trò sếp/nhân viên, BS. Hiếu đã luôn lắng nghe, chia sẻ những khó khăn với đồng nghiệp để cùng tháo gỡ trên tinh thần tất cả vì công việc chung. "Trải qua bao khó khăn vất vả anh em ở trạm vẫn đoàn kết, hỗ trợ nhau trong công việc nên tôi nghĩ dù khó khăn đến mấy thì mọi người cùng đoàn kết hỗ trợ nhau sẽ vượt qua được".
Phong Châu
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động