Kỳ 2: “Dự án” Country House và những mập mờ
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên Phụ lục hợp đồng góp vốn về ô đất (khoanh đỏ) bà T sẽ nhận được. |
Theo phản ánh của bà N.H.T (trú tại phường Quang Trung, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội ), đầu năm 2011, ông Nguyễn Thành Nam, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Archi (Công ty Archi) có giới thiệu với bà về Dự án Biệt thự sinh thái nghỉ dưỡng Country House tại xóm Muỗi, xã Yên Bài, huyện Ba Vì, Hà Nội.
Qua các tài liệu ông Nam cung cấp là những bản photo về dự án, chính sách góp vốn, phối cảnh và ứng dụng thực tế những ngôi biệt thự phân lô, ông Nam cần huy động vốn hợp tác kinh doanh. Theo tiến độ thì năm 2012 sẽ bàn giao nhà và sổ đỏ.
Tin tưởng, ngày 1-3-2011, tại Văn phòng Công ty cổ phần đầu tư du lịch Hồ Sông Đà (Công ty Hồ Sông Đà), bà T đã ký hợp đồng số 050103/2011/HĐHT-CH hợp tác kinh doanh với ông Nguyễn Thành Nam, Tổng Giám đốc Công ty Archi.
Theo Hợp đồng hợp tác kinh doanh, bà T và ông Nam thống nhất hợp tác với nhau cùng đầu tư triển khai dư án biệt thự sinh thái nghỉ dưỡng Country House tại xóm Muỗi, xã Yên Bài, huyện Ba Vì, Hà Nội. Với nguồn vốn góp khoảng hơn 2 tỷ đồng (trong đó, tiền đất tạm tính là 940 triệu đồng, tiền biệt thự xây thô trên lô đất và hạ tầng là hơn 1,1 tỷ đồng) bà T sẽ nhận được 1 lô đất biệt thự và tài sản trên đất.
Phiếu thu chị T nộp tiền được kế toán công ty Hồ Sông Đà đóng đấu |
Hợp đồng hợp tác kinh doanh này được ký với tư cách cá nhân ông Nguyễn Thành Nam và bà T nên cùng ngày 1-3-2011, Công ty Hồ Sông Đà đã làm một hợp đồng bảo lãnh cho ông Nam với bà T, hợp đồng bảo lãnh do ông Nguyễn Văn Hanh, Chủ tịch HĐQT công ty Hồ Sông Đà ký và đóng dấu. Hợp đồng này bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của ông Nam phát sinh từ việc giao kết, thực hiện hợp đồng với bà T. Nếu ông Nam không thực hiện nghĩa vụ tài chính thì công ty này sẽ đứng ra thay thế.
Trong năm 2011, theo tiến độ hợp đồng, bà T đã nộp 2 lần tiền gần 1 tỷ đồng, lần 1 cá nhân ông Nam ký biên nhận, lần 2 kế toán Công ty Hồ Sông Đà đã lập phiếu thu tiền mặt của Công ty Hồ Sông Đà tổng gần 1 tỷ đồng (bao gồm cả lần 1) và có chữ ký, đóng dấu của Chủ tịch HĐQT Công ty Hồ Sông Đà là ông Nguyễn Văn Hanh.
Không hiểu vì lý do gì, dự án này đã không được triển khai theo đúng tiến độ đề ra. Bà T thấy dự án không triển khai được nên đã liên hệ nhiều lần để gặp và yêu cầu ông Nam thanh lý hợp đồng. Tuy nhiên, việc đòi lại tiền của bà T không đơn giản và nhanh chóng như khi bà bỏ ra góp vốn.
Sau nhiều lần gọi điện, nhắn tin liên hệ nhưng không được hồi âm, đến ngày 18-9- 2017, hai bên mới đi đến thống nhất thanh lý hợp đồng, ông Nam sẽ trả số tiền bà T đã đầu tư gần 1 tỷ đồng. Thời điểm này ông Nam là Chủ tịch HĐQT Công ty Hồ Sông Đà và ký, đóng dấu Công ty Hồ Sông Đà vào biên bản thanh lý với cam kết sẽ thanh toán hết cho bà T theo tiến độ trong 10 tháng, mỗi tháng trả 100 triệu đồng, đến tháng 7-2018 thì hoàn tất.
Tuy nhiên, Công ty Hồ Sông Đà chỉ trả cho bà T được 440 triệu đồng thì không trả nữa, cũng không có lời hẹn đến thời điểm nào sẽ thanh toán nốt. Bà T lại tiếp tục hành trình mệt mỏi gọi điện, nhắn tin để liên hệ, đòi lại số tiền đã bỏ ra đầu tư.
Năm 2021, tại Công ty Hồ Sông Đà, bà T và ông Nam đã có hai buổi làm việc vào các ngày 13-5-2021và 24-5-2021, biên bản làm việc đều được ông Nam xác nhận số tiền còn nợ lại và sẽ trả ra sao, đồng thời biên bản được ký tên ông Nguyễn Thành Nam, đóng dấu Công ty Hồ Sông Đà.
Trao đổi với Pv PLXH, ông Nguyễn Xuân Chiến, Chủ tịch UBND xã Yên Bài, huyện Ba Vì cho biết, trên địa bàn xã không có dự án nào của Công ty cổ phần Hồ Sông Đà.
“Giờ tôi mới nghe tên Công ty cổ phần du lịch Hồ Sông Đà. Trên địa bàn không có dự án nào mang tên Country House được cấp phép. Những dự án này người ta tự đặt tên và tự gọi với nhau”, ông Chiến nói.
Luật sư Mai Thảo cho rằng, hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa bà T với ông Nam chính là một hình thức lách luật để huy động vốn, bán nhà trái phép. |
Phân tích về mặt pháp lý, Luật sư Mai Thảo, Phó giám đốc TAT Law firm cho biết, theo quy định của pháp luật, chủ đầu tư chỉ được phép huy động vốn để thực hiện dự án nhà ở khi đáp ứng các điều kiện nhất định như: bất động sản đủ điều kiện đưa vào hoạt động kinh doanh, có văn bản chấp thuận của Sở Xây dựng xin chấp thuận cho phép huy động vốn….
Nhằm ngăn chặn các hành vi huy động vốn, chiếm dụng vốn khi chưa đủ điều kiện, pháp luật đã có những quy định cụ thể nghiêm cấm chủ đầu tư dùng các giao dịch trá hình để huy động vốn trái phép như: sử dụng hình thức góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh hoặc các hình thức khác để phân chia nhà ở, để ưu tiên đăng ký, đặt cọc, hưởng quyền mua nhà ở hoặc để phân chia quyền sử dụng đất trong dự án. Tất cả hình thức huy động vốn trái phép đều không được pháp luật công nhận, chủ đầu tư sẽ bị xử phạt theo quy định và phải bồi thường thiệt hại cho người tham gia góp vốn. Mặc dù vậy, trong thực tế, không ít chủ đầu tư vẫn luôn tìm mọi cách để lách luật huy động vốn, bán nhà trước khi dự án được cấp phép.
Xem xét vụ việc trên, luật sư Mai Thảo cho rằng hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa bà T với ông Nam chính là một hình thức lách luật để huy động vốn, bán nhà trái phép. Mặc dù trên Hợp đồng thể hiện bà T hợp tác với cá nhân ông Nam mà không phải là Công ty cổ phần đầu tư du lịch Hồ Sông Đà, nhưng thực tế bản thân ông Nam không có dự án, cũng không được phép thực hiện dự án vì theo quy định của pháp luật: tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã.
(Còn nữa)
Bài 1: Cảnh giác với “hợp đồng góp vốn”, “hợp đồng hợp tác kinh doanh” Nhiều người dân do thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin đã đầu tư bất động sản với những lời giới thiệu hào nhoáng để ... |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại