Thứ năm 28/03/2024 17:05
"Thổi phồng" về công dụng chữa bệnh của các "thầy lang" bốc thuốc

Kỳ 1: Mất tiền rước họa vào thân từ bài thuốc gia truyền “nhà tôi ba đời”

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Lợi dụng niềm tin của nhiều người vào các bài thuốc y học cổ truyền, nhiều cá nhân, đơn vị đã liên tục quảng cáo thổi phồng về công dụng chữa bệnh của các bài thuốc không rõ nguồn gốc, thành phần, thậm chí không được cấp phép. Và hậu quả là người bệnh đã “dính bẫy”: Mất tiền rước thêm họa vào thân!

Mua thuốc bằng niềm tin mù quáng

Gia đình có con nhỏ thường xuyên lên mạng vào kênh Youtube để xem các chương trình giải trí, chị T, (Hà Nội) phát bực vì cứ khoảng 10-15 phút lại thấy nổi lên âm thanh quảng cáo: “Nhà tôi 3 đời chữa tiểu đường…”; “ai bị mất ngủ hãy gọi cho tôi theo số…”; “bà con ai có vấn đề về xương khớp, hãy gọi cho tôi. Tôi cam kết chữa khỏi 100%”…

Hễ thấy quảng cáo nổi lên chị lại bắt con chuyển sang kênh khác. Nhưng được một lúc những âm thanh này lại tiếp tục vang lên, nhiều đến mức cậu con trai 9 tuổi của chị thuộc làu làu.

Chuyện chưa có gì nghiêm trọng nếu chỉ dừng ở đó. Một hôm, mẹ chồng chị ở quê đến nhà chơi, khi cháu đang xem ti vi có quảng cáo một bài thuốc chữa trị sỏi thận, tiểu đường liền chuyển chương trình khác thì bà đòi xem. Lấy giấy, bút ra ghi số điện thoại bà nhấc máy đặt mua hẳn 10 thang.

Hai hôm sau “thuốc” được chuyển đến nhà, chị T, bất ngờ vì các loại thuốc được bọc trong gói giấy kèm theo đơn thuốc rất chung chung về các loại thức ăn phải kiêng mà không hề có thành phần, tá dược.

Tương tự là trường hợp bà B.T.H, 63 tuổi ở Trực Ninh, Nam Định bị xơ gan do virus Viêm gan B và được về nhà điều trị do bệnh tình còn nhẹ. Về nhà, nghe mọi người xung quanh mách rằng có một nhà thuốc gia truyền ở Hoà Bình chuyên chữa gan và dạ dầy rất tốt, nhiều người tận miền Nam cũng lặn lội đến tận nơi để mua thuốc điều trị.

Kỳ 1: Mất tiền rước họa vào thân từ bài thuốc gia truyền “nhà tôi ba đời”
Bệnh nhân B.T.H, nhập viện sau 1 năm sử dụng thuốc Nam gia truyền ở Hòa Bình

Cất công lên Hòa Bình lấy thuốc suốt 1 năm ròng rã, gia đình bà H, chi phí mỗi tháng 900.000 đồng gồm tiền thuốc 60.000 đồng/thang, mỗi tháng uống 15 thang. Tiền của, công sức lặn lội đi lại vất vả, tốn kém, tưởng rằng có thể “mua” lại được sức khỏe cho bà, tuy nhiên, sau 1 năm bà H. rơi vào tình trạng mệt mỏi, ăn kém, bụng chướng và phù 2 chân phải nhập viện. Lúc này, gia đình bà H, mới biết rằng thuốc Nam không thể chữa được bệnh viêm gan B.

Suy đa tạng, nguy cơ ngừng tim sau khi dùng thuốc

Công dụng của những bài thuốc Nam ở các cơ sở chính thống, gia truyền từ xưa được Bộ Y tế cấp phép không thể phủ nhận. Tuy nhiên, hiện nay người tiêu dùng tùy tiện sử dụng các sản phẩm của các cơ sở không được cấp phép, thuốc không rõ nguồn gốc, trôi nổi, quảng cáo tràn lan trên mạng dẫn đến những hậu quả khôn lường.

Nói về trường hợp bệnh nhân B.T.H, gặp phải biến chứng sau khi sử dụng thuốc Nam, BS. Nguyễn Thị Thu Huyền, khoa Viêm Gan, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết: Bệnh nhân B.T.H, nhập viện trong tình trạng mệt mỏi ăn kém, bụng chướng tăng dần, phù 2 chân rõ. Bệnh nhân này có tiền sử viêm Gan B, phát hiện nhiều năm nhưng điều trị thuốc kháng virus không đều, bỏ thuốc 1 năm nay.

Bệnh nhân được chẩn đoán có viêm gan mạn tính tiến triển và xơ gan cổ chướng, giai đoạn cuối, mất bù. Do bệnh nhân bỏ thuốc và dùng thuốc dùng thuốc Nam nên hậu quả gây ra là bị xơ gan mất bù. Loại thuốc Nam bà H. dùng gây nên tình trạng nhiễm độc gan, đẩy xơ gan tiến triển nhanh hơn. Trên nền bỏ điều trị thuốc kháng virus, vì thế virus sẽ bùng phát sẽ khiến bệnh nhân bị bệnh nặng hơn. “Bệnh nhân uống thuốc lá, không có tên gì đặc biệt nên chúng tôi cũng không xác định được mẫu”, BS. Huyền nói.

Trường hợp khác là một người đàn ông 63 tuổi ở Sóc Sơn, Hà Nội mắc bệnh tiểu đường, huyết áp đã 20 năm phải nhập viện tại khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương do sử dụng thuốc Nam không rõ nguồn gốc, thành phần.

Kỳ 1: Mất tiền rước họa vào thân từ bài thuốc gia truyền “nhà tôi ba đời”
Loại thuốc bột bệnh nhân tiểu đường sử dụng có chứa phenformin-thuốc điều trị tiểu đường đã bị cấm từ lâu khiến bệnh nhân nguy kịch

BS. Nguyễn Viết Nam, khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương thông tin: Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tụt huyết áp, suy đa tạng, tổn thương gan, thận. Tình trạng bệnh nhân rất nguy kịch, chỉ chậm ít phút là có thể không cứu được, vô cùng nguy hiểm. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân còn gặp nguy kịch khi máu chuyển sang tình trạng toan chuyển hóa, kích thích rất nặng, mạch rời rạc, nguy cơ ngừng tim. Được biết, bệnh nhân tự mua thuốc tiểu đường dạng viên bột về nhà uống dù không hề biết thành phần của thuốc.

“Khai thác tiền sử thì được biết bệnh nhân sử dụng thuốc Nam để điều trị tiểu đường. Từ mẫu thuốc bệnh nhân đã uống, chúng tôi đã gửi sang Viện Pháp y thì kết quả một loại thuốc là paracetamol, một loại là phenformin-thuốc điều trị tiểu đường đã bị cấm từ lâu. Thông thường ngộ độc do phenformin sẽ gây tỷ lệ tử vong rất cao, từ 50%-60% trở lên. Thuốc này ngoài gây tụt đường huyết còn gây tác dụng phụ toan lactic, suy thận rất nặng”, BS. Nam chia sẻ.

Đây không phải là lần đầu tiên các cơ sở điều trị ghi nhận bệnh nhân bị tai biến sau khi sử dụng các loại thuốc Nam không rõ nguồn gốc, không rõ thành phần. Tuy nhiên, vì sao trong suốt thời gian dài vấn nạn này vẫn tiếp diễn?.

Thông tin tiếp theo sẽ được gửi đến bạn đọc ở kỳ 2: “Bắt mạch” tìm nguyên nhân và “kê đơn chẩn trị”.

Phong Châu
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động