Thứ sáu 22/11/2024 22:32
Chữa bệnh theo “bác sĩ” mạng

Kỳ 1: Cứ ốm là nhờ "cư dân mạng"... bắt bệnh?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ốm, sốt, đau bụng… hoặc có triệu chứng bất thường về sức khỏe, thay vì đến các cơ sở y tế, nhiều người lại chọn cách nghe theo lời “người quen” mách bảo hoặc tham khảo các cách chữa bệnh kì dị trên facebook. Khỏi bệnh chẳng thấy, nhưng ghi nhận trong thời gian qua, có rất nhiều bệnh nhân đã phải nhập viện trong tình trạng nguy cấp bởi làm theo cách chữa bệnh từ… facebook.
Thay vì tìm đến lời khuyên của bác sĩ, nhiều người lại chọn cách hỏi các “bác sĩ” mạng.            Ảnh: MXH Facebook
Thay vì tìm đến lời khuyên của bác sĩ, nhiều người lại chọn cách hỏi các “bác sĩ” mạng. Ảnh: MXH Facebook

Gi gỉ gì gi… thứ cũng facebook

Bị động thai, mặc dù đã đến phòng khám để thăm khám và được bác sĩ cho thuốc, nhưng chị N.T.L (Đống Đa, Hà Nội) vẫn thấy chưa thỏa đáng. Vừa về đến nhà, thay vì nghỉ ngơi và uống thuốc theo chỉ dẫn, chị L lại đưa kết quả khám cùng với đơn thuốc bác sĩ kê lên nhóm các phụ nữ đang mang thai trên facebook. Chị thắc mắc: “Em có hiện tượng động thai, đi khám bác sĩ có kê thuốc Duphaston. Nhưng khi em tra google thì có thông tin thuốc đó chống chỉ định với phụ nữ có thai. Vậy em có nên uống hay không?”.

Câu hỏi của chị L vừa đăng lên đã có rất nhiều những bình luận, “chỉ bảo” cho chị L nên làm gì với tình trạng động thai của mình. Bên cạnh đó cũng không thiếu những bình luận khuyên chị không theo thuốc bác sĩ kê mà quay sang uống củ gai, hoặc theo những bài thuốc dân gian.

Điều đáng nói là những tư vấn đó hoàn toàn không thông qua một bác sĩ hay thầy thuốc chuyên khoa nào, đa phần đều chỉ là nghe nói, truyền miệng hoặc “theo kinh nghiệm”. Hiếm hoi lắm mới có những bình luận thẳng thắn, rằng “sao lúc khám không hỏi luôn bác sĩ”, hoặc “thường với những đơn thuốc của bác sĩ đã kê ra cho phụ nữ mang thai đều có những căn cứ khoa học”. Thế nhưng vẫn không làm cho chị L an tâm.

Câu chuyện tiếp tục được chị L mang đi các diễn đàn khác. Và rồi đủ các lời khuyên, chỉ dẫn từ dân gian đến “kinh nghiệm bản thân” gửi đến cho chị L, đủ các cách từ Đông Tây kim cổ. Không biết câu chuyện cùng những lời khuyên bảo, chỉ dẫn từ những người không quen trên facebook có khiến chị L tìm được “chân ái” cho mình hay không, nhưng chỉ riêng việc chọn lựa cách nào để theo có lẽ cũng đủ để khiến chị L phải đau đầu. Và dĩ nhiên, đơn thuốc chị đã mất công đi khám về vẫn để nguyên, không được dùng đến.

Tương tự như chị L, chị N.K.D, có thai 35 tuần tuổi, tự đi siêu âm và kết quả siêu âm cho biết chỉ số ối 15-16cm. Dù bác sĩ siêu âm yêu cầu về hỏi ý kiến bác sĩ điều trị, nhưng chị đã tự tìm đến “bác sĩ” facebook. Sau khi đọc hàng loạt thông tin trên mạng, chị N.K.D “biết” mình bị dư ối.

Với những cảnh báo từ “bác sĩ” facebook, chị đâm hoang mang và rơi vào trạng thái mất ngủ liên tục. Tiếp tục những ngày sau đó, chị lại tự tra cứu Internet tìm phương pháp điều trị để giảm lượng ối mà không hỏi đến ý kiến bác sĩ chuyên môn.

1001 các cách chữa bệnh… từ bác sĩ facebook

Khác với việc hỏi thuốc của chị N.T.L hay chị N.K.D, chị K.N.T (Hà Đông, Hà Nội) thay bằng việc đưa con đến bệnh viện cho các bác sĩ thăm khám lại lo lắng lên nhóm các bà mẹ bỉm sữa của mình hỏi: “Con em đã sốt 2, 3 ngày hôm nay. Lúc sốt cao nhất lên tới 39, 40 độ kèm ho, hay nôn trớ.

Em đã hỗ trợ con hạ sốt, các mẹ cho hỏi em phải làm sao”. Mặc dù không biết tình trạng bé ra sao, càng không rõ về thể trạng bé, nhưng rất nhiều người đã nhanh tay bình luận và chỉ dẫn chị T cho uống thuốc này, thuốc kia. Đa phần các thuốc mà các bà mẹ tư vấn chị T là theo phương thuốc của con mình, bất chấp và cũng chẳng quan tâm đến độ tuổi cũng như tình trạng cụ thể của con chị T ra sao.

Tương tự như trường hợp trên, có người mẹ trẻ con đau mắt do không muốn tra thuốc như chỉ dẫn của bác sĩ, người mẹ này cũng lên mạng xã hội hỏi “kinh nghiệm” các bà mẹ đi trước. Và thay bằng những lời khuyên đưa bé đến bệnh viện, cũng có đến 1001 cách điều trị. Trong đó không thiếu các cách điều trị “kinh dị” như nhỏ sữa mẹ vào… mắt bé.

Cũng có trường hợp các mẹ đã đi khám chuyên khoa, nhưng vẫn không tuân thủ. Theo đó, chị P.H.N (Thái Nguyên) thắc mắc: Các mẹ cho mình hỏi, bé nhà mình bị viêm Amidan mủ, sốt. Bác sĩ kê kháng sinh rất nặng nên không muốn cho con uống. Theo các mẹ thì nên làm thế nào ạ?”. Và để “hỗ trợ” chị N chữa bệnh cho bé, nhiều người khuyên chị cho bé uống tía tô, húng chanh để trị bệnh. “Độc” hơn, còn có người khuyên chị nên cho bé súc miệng nước lá bàng hoặc nước tiểu của mình.

Điều đáng nói, nếu như có một người thắc mắc tại sao con bị bệnh không đến bệnh viện, đi gặp bác sĩ mà lại lên facebook hỏi thì ngay lập tức nhận được sự chê trách, thậm chí những lời lẽ rất nặng nề về chuyện khuyên khi có bệnh thì nên… đến bệnh viện.

Không chỉ các bà, các chị, đến cả những “đấng” mày râu cũng có nhiều người với các “bác sĩ” facebook có một niềm tin…bất diệt. Lướt web mỗi ngày, anh N.T.T (Thanh Xuân, Hà Nội) đọc thấy bài thuốc dân gian từ một trang mạng nọ. Bài thuốc này khuyên rằng, khi khuôn mặt xuất hiện các vết tàn nhang hoặc nốt ruồi làm giảm đi sự tự tin của quý ông, không nên đến bệnh viện mà chỉ cần dùng tỏi hoặc gừng giã nát rồi bôi lên đó.

Anh T hí hoáy làm theo bằng cách dùng tỏi bôi lên nốt ruồi rồi lấy băng keo cá nhân dán qua mũi. Sáng hôm sau, anh liền tá hỏa khi lớp da xung quanh cánh mũi cao của anh bị hoại tử, từng lớp da bị bong tróc nham nhở.

Chưa thấy nốt ruồi bị mờ đi như lời rao trên mạng mà cánh mũi bị biến dạng. Vẻ đẹp trai chưa thấy đâu mà thấy da mặt xấu đi dữ dội.

Không hiếm những trường hợp để lại hậu quả khi tin vào các “bác sĩ” facebook. Chị P.N (Hà Nội) đã chia sẻ: “Cô em dâu tôi đã từng suýt hại con vì tội tin vào các “bác sĩ” quốc dân trên facebook. Cháu bé bị thủy đậu, thay bằng đưa cháu đi thăm khám ở phòng khám, bệnh viện, cô em lại lên facebook để hỏi mọi người.

Và sau đó là một loạt các “phương pháp” chữa bệnh được cô em tôi thực hiện, hết bôi thuốc lá đến kiêng nước, kiêng gió… Đến khi bệnh tình của cháu nghiêm trọng quá thì cả nhà mới tá hỏa đưa đến bệnh viện. Lúc này mới vỡ lẽ, con bị nặng thế do không giữ vệ sinh, chậm thêm chút nữa có nguy cơ bị nhiễm trùng. Hóa ra những lời tư vấn, chỉ dẫn với phương thuốc trên mạng đều sai bét”.

(Còn nữa)

Cảnh báo mạo danh bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để lừa đảo, trục lợi
Mạo danh bác sĩ, nhân viên y tế để bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Cẩn thận tiền mất tật mang!
Minh Nhật
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động