Kỳ cuối: Đừng mang tính mạng bản thân ra đánh bạc
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênViệc hỏi han về bệnh tật trên Facebook hay Google tuy tiện lợi, nhanh chóng nhưng không thể thay thế sự chẩn đoán và chỉ định của bác sĩ. Ảnh: Minh Nhật |
Máy móc để phục vụ cho ngành y tế
Tham gia nhiều diễn đàn từ khi mới có bầu đến khi sinh con, nhưng khi con chưa đầy 3 tháng tuổi, chị Lê Hoài Phương (Đống Đa) đã thoát hầu hết các nhóm chị đã theo dõi. Lý giải về điều này, chị cho biết, ban đầu do cần tìm hiểu những thông tin về thai kỳ cũng như nuôi con trẻ của những người đi trước. Tuy nhiên càng về sau chị càng thấy các thông tin chị nhận được trên facebook hữu ích thì ít mà nhảm nhí thì nhiều. Đôi khi, những lời chỉ dẫn theo kiểu “bé nhà em” khiến nhiều người như chị thậm chí rơi vào tình cảnh hoang mang, rối trí…
Đáng nói hơn, chị nhận thấy có vẻ như với nhiều người trên facebook, mọi thứ, mọi căn bệnh của con trẻ mạng xã hội đều có thể giúp giải quyết được, và thậm chí là hơn hẳn những cơ sở y tế đang có thật tồn tại ngoài kia.
“Bằng cách nào đó, các hội nhóm phụ nữ trên mạng xã hội và những lời khuyên nhủ bàn tán của cộng đồng chị em đã làm các chị đánh mất đi sự nhạy cảm và tình yêu đầy bản năng của một người mẹ dành cho con mình. Các chị em có thể đã tự trấn an rằng, việc đứa trẻ bé xíu còn tu ti kia đang khóc chưa có gì nguy cấp. Trong những lúc đó, các chị thay vì đưa ngay con đến cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ thăm khám thì lại chụp ảnh và đăng đàn hỏi, rồi chờ đợi phản hồi. Trong khi đó, những đứa trẻ dù đang đau ốm cũng phải chờ đợi theo … Chưa kể, sau khi có ý kiến khuyên nhủ hoặc hàng chục bài thuốc dân gian được những nickname mạng xã hội xa lạ nửa thật nửa ảo chia sẻ, nhiều người còn biến con mình thành "chuột bạch". Nhiều thành tựu của ngành y tế đã bị lòng tin mù quáng của những người mẹ xóa mờ đi như thế...”, chị Phương bộc bạch.
Theo chị Phương, không phải tự nhiên người ta phát minh ra những máy móc để phục vụ cho ngành y tế, từ xét nghiệm, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính... cũng không phải tự nhiên mà ngành y tuyển đầu vào với mức điểm cao ngất ngưởng mà lại học 6 năm mới tốt nghiệp và cần thêm 3 năm đào tạo nữa mới có thể trở thành bác sĩ chuyên khoa. “Cơ thể con người là một "kiệt tác", đến bác sĩ với sự trợ giúp của máy móc hiện đại kia đôi khi còn chuẩn đoán nhầm, vậy thì chẳng có lý do gì để các chị tin tuyệt đối vào những ý kiến góp ý, những bài thuốc truyền miệng dân gian (mà độ đúng sai còn đang phải bàn cãi) để tự tin áp dụng chúng lên chính con mình”, chị Phương nói.
Có thể làm hại sức khỏe của bản thân
Về việc nhiều người tự điều trị, chữa bệnh hoặc bỏ điều trị vì nghe theo “bác sĩ mạng”, giới chuyên khoa đã ra rất nhiều cảnh báo. Theo đó, nhiều bệnh có cùng triệu chứng giống nhau, nên rất khó có thể tự chẩn đoán cho mình. Ví dụ: đau bụng, sốt, đau đầu… là dấu hiệu chung của nhiều loại bệnh khác nhau. Chính vì thế, khi một người tiếp nhận nhiều thông tin trái chiều, sai lệch có thể bị hoang tưởng, hoảng loạn, dẫn đến khai báo các triệu chứng lầm tưởng cho bác sĩ; hoặc ngược lại, tự đánh giá thấp các triệu chứng nguy hiểm.
Vì các triệu chứng thường không đặc hiệu, bác sĩ sẽ phải dựa trên tập hợp nhiều triệu chứng khi thăm khám cho bạn để thu hẹp phạm vi chẩn đoán. Dựa trên các xét nghiệm cận lâm sàng, các phương pháp kĩ thuật chụp chiếu tiên tiến để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh của người bệnh và chỉ định phương pháp điều trị.
Việc các hội nhóm trên Facebook hay các mạng xã hội khác cũng phát triển rầm rộ, thu hút các thành viên cũng là đương nhiên, bởi với mục đích tìm kiếm “đồng bệnh tương liên”. Tuy nhiên, các thành viên trong các hội nhóm mang tính chất “y khoa” này chia sẻ các thông tin, loại thuốc, bài thuốc truyền miệng không được kiểm chứng, thiếu cơ sở khoa học.
Từ đó dẫn đến nhiều hệ lụy như suy gan, suy thận do tự ý dùng thuốc hay dùng thuốc, thực phẩm chức năng trôi nổi, núp bóng Đông y. Chẳng hạn như trào lưu “chống vắc xin”, họ thổi bùng thông tin các trường hợp tử vong do sốc vì phản ứng dị ứng để kêu gọi tẩy chay vắc xin, bất chấp lợi ích to lớn của vắc xin trong việc phòng bệnh và bảo vệ không chỉ cá nhân mà còn cả cộng đồng, đẩy lùi và thanh toán nhiều dịch bệnh.
Một trường hợp khác nữa là các “hội bác sĩ online”, họ tư vấn cho bệnh nhân ung thư không nên tuân thủ hóa trị, xạ trị theo chỉ định, mà sử dụng các bài thuốc dược liệu dân gian, kết hợp phương pháp ăn uống thực dưỡng để chữa tất cả các loại ung thư. Những trào lưu đó khiến không ít người nghe theo. Thực tế, không hiếm các bệnh nhân ung thư trở nặng khi nghe theo phương pháp không căn cứ này. Đơn cử mới đây, BV K cơ sở Tân Triều đã tiếp nhận T.T.Y, (64 tuổi, trú tại xã Hoằng Hợp, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) có tổn thương sùi lớn chiếm toàn bộ vùng môi, miệng, khối u có chảy máu, mủ, hình thái gây mất thẩm mỹ. Qua thăm khám và kết quả chụp chiếu, các bác sĩ đã chỉ định cho bệnh nhân nhập viện với chẩn đoán: ung thư môi dưới T4N2M0...
TS.BS Ngô Xuân Quý, Trưởng Khoa Ngoại đầu cổ cho biết: "Chúng tôi cho rằng đây là điều đáng tiếc bởi nếu như bệnh nhân không theo chế độ thực dưỡng mà đi khám sớm hơn, tìm tới y học hiện đại và kết hợp các phương pháp thì việc điều trị sẽ đơn giản hơn rất nhiều...”. Thực dưỡng chữa ung thư là phương pháp không có cơ sở, không được kiểm chứng, có thể làm bệnh phát triển nhanh chóng, không thể kiểm soát. Hoặc xu hướng giải độc cơ thể bằng các loại thuốc hoặc phương pháp truyền miệng, dẫn đến nhiều người phải nhập viện, tổn hại nghiêm trọng các cơ quan nội tạng.
Vậy nên, việc thói quen hỏi bệnh và tuân theo những lời chỉ dẫn của các “bác sĩ” trên Facebook, Google, có thể khiến bệnh nhân gặp những phiền phức không đáng có. Thứ nhất, do có quá nhiều những lời chỉ dẫn sẽ khiến bệnh nhân bối rối vì những ý kiến trái chiều. Thứ hai, việc người bình luận đưa ra nhiều những dấu hiệu tương tự mà người thân của họ đã gặp sẽ khiến người quan tâm chẩn đoán sai bệnh tật của mình hay người thân...
Kỳ 1: Cứ ốm là nhờ "cư dân mạng"... bắt bệnh? | |
Kỳ 2: Tiền mất tật mang vì chữa bệnh bằng truyền miệng, Facebook |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại