Kỳ 2: Tiền mất tật mang vì chữa bệnh bằng truyền miệng, Facebook
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênMột bệnh nhân bị lở loét toàn thân do tự ý mua thuốc điều trị Ảnh: BV Trung ương Thái Nguyên |
Tiền mất tật mang vì chữa bệnh bằng google, facebook
Con gái hơn 1 tuổi bị tiêu chảy dài ngày, sau khi dùng các phương pháp dân gian không được, chị P.Y (Hoài Đức) lên mạng đăng tải thông tin xin ý kiến các bà mẹ cách chữa bệnh cho con.
Để có nhiều thông tin hơn, chị Y còn gửi thông tin vào các hội nhóm mẹ bỉm sữa trên toàn quốc để hỏi. Người thì bảo nên uống nước điện giải, người lại hướng dẫn cách vò ngọn ổi, nấu cháo cà rốt cho con ăn... Có người còn nhiệt tình hơn, chụp từng loại thuốc đứa con 4 tuổi của họ đã từng dùng để chị Y dễ tìm mua.
Nghe theo những hướng dẫn từ mọi người trên facebook, chị Y cũng tích cực tự chữa cho con. Tuy nhiên, thay vì thuyên giảm thì đứa con gái nhỏ của chị ngày càng mệt lả đi, chị vội đưa con đến BV để bác sĩ thăm khám. Đến nơi, chị Y đã bị các bác sĩ mắng cho té tát vì cái gan chữa bệnh bằng kinh nghiệm của người khác, khiến bệnh của con nặng thêm. “Cũng may sau đó khi được chữa trị đúng thầy, đúng thuốc, con tôi đã mạnh khỏe trở lại. Nếu không chắc tôi ân hận cả đời”, chị Y nói.
Trước đó, BV Bạch Mai tiếp nhận một bệnh nhân nữ 42 tuổi đến cầu cứu bác sĩ khi đã bị hoại tử chân trái sau, viêm mô tế bào trên nền hội chứng Cushing do thuốc viêm khớp dạng thấp.
Bệnh nhân sau khi đi khám chuyên khoa được chẩn đoán viêm mô tế bào/ viêm khớp dạng thấp đã tự tìm hiểu trên mạng, tự ý thay đổi liều corticoid và kháng sinh bác sĩ đã kê, kết hợp đắp thêm nhiều loại lá hái trên rừng. Hậu quả, bệnh nhân phải quay lại BV trong tình trạng chân hoại tử.
Theo các bác sĩ ở BV Bạch Mai, đây chỉ là một trong hàng nghìn trường hợp bệnh nhân gánh hậu quả vì tự chữa bệnh bằng cách vào mạng tìm thông tin điều trị. Tình trạng này đang ngày càng phổ biến, nhất là với các bà mẹ trẻ tự điều trị cho con.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai chia sẻ: Trong quá trình công tác, ông đã từng chứng kiến nhiều trường hợp đau lòng, chỉ vì quá tin vào "bác sĩ Google" mà bố mẹ khiến bệnh tình của con nặng thêm, đến khi vào viện đã biến chứng nặng.
Đưa ra một ví dụ khá đơn giản, trẻ mới 2 tháng tuổi bị ho nhưng mẹ đã lên mạng hỏi uống thuốc gì và áp dụng cho trẻ uống mà không biết rằng, tình trạng của trẻ 2 tháng tuổi diễn biến rất nhanh, buổi sáng cháu còn rất bình thường nhưng sang chiều đã nặng, biến chứng viêm phổi.
“Chưa kể tình trạng, nhiều người cho con dùng thuốc vô tội vạ. Hôm nay dùng thuốc này không khỏi, mai vào mạng thấy thuốc khác lại thử, trong khi thuốc là mặt hàng đặc biệt, chỉ có bác sĩ và dược sĩ mới có thể tư vấn và cung cấp thuốc. Tuy nhiên, ở mức độ nhất định, dược sĩ cũng chỉ được tư vấn cho bệnh nhân nhóm thuốc không cần đơn thuốc. Còn các thuốc kê đơn thì bắt buộc phải có đơn do bác sĩ kê đủ liều lượng, đủ thời gian...”, PGS.TS Dũng lo lắng.
Mất mạng vì chữa theo… “kinh nghiệm”
BV K tiếp nhận một nữ bệnh nhân là bà N.T.C (Sơn Tây, Hà Nội). Trước đó, bà C đã được chẩn đoán là ung thư vú giai đoạn 2. Dù bác sĩ đã khuyên ung thư vú giai đoạn 2 nếu tuân thủ phác đồ điều trị thì tỷ lệ khỏi bệnh rất cao nhưng bà C nhất quyết không nghe, dù người nhà, bác sĩ đã động viên, phân tích rất nhiều.
“Bất ngờ nhất là cô ấy đã nghe theo lời đồn thổi, dùng thuốc lá để đắp vào phần ngực có khối u và uống lá đu đủ để chữa ung thư. Trong suốt 6 tháng, vết thương không thuyên giảm mà có dấu hiểu mưng mủ, khối u như sắp vỡ, bệnh chuyển sang giai đoạn muộn và nguy cơ tử vong rất cao”, một bác sĩ BV K chia sẻ.
Thực tế, đây không phải là trường hợp đầu tiên phải chịu hậu quả do uống lá cây chữa bệnh ung thư. Trước đó, tại BV K Trung ương cũng đã có một trường hợp bệnh nhi nguy kịch vì bỏ điều trị tây y về dùng lá cây chữa bệnh.
Đó là trường hợp một cháu bé đã được gia đình đưa đến BV điều trị, nhưng sau đó đột ngột xin về nhà, lý do xin về để chữa bệnh bằng thuốc nam của thầy lang.
Sau hai tháng uống thuốc nam, cháu bé được gia đình đưa lên BV K khám trong tình trạng sức khỏe suy kiệt, chỉ còn da bọc xương, thở khó. Sau khi khám bệnh, BS Hương cho biết khối u của cháu bé đã phình to chiếm hết ổ bụng, vượt quá đầu dò siêu âm, không đo được kích thước, tiên lượng tử vong gần.
Hoặc như mới đây, một bệnh nhi đã tử vong tại BV do cách chữa bệnh theo “kinh nghiệm” của người nhà. Theo đó, tháng 6/2023, các bác sĩ Khoa Điều trị tích cực Nội của BV Nhi Trung ương đã tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhi nam 10 tuổi bị nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng, ngộ độc thuốc do người nhà tự ý cho trẻ dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc và cho trẻ đi chữa mẹo bằng cách rạch dao lam trên người để đào thải máu độc ra khỏi cơ thể.
Theo TS.BS Hoàng Kim Lâm, Khoa Điều trị tích cực Nội, BV Nhi Trung ương, trước đó, cách vào viện 8 ngày, trẻ ở nhà xuất hiện ho, sốt, chân tay lạnh, khó thở, mệt. Gia đình đã ra chợ mua một cây thuốc khô (không rõ nguồn gốc) về cắt nhỏ sắc cho trẻ uống, đồng thời cho trẻ đi chữa mẹo bằng cách dùng dao lam rạch từng chấm nhỏ trên người để chữa bệnh.
Thấy tình trạng của trẻ không thuyên giảm, gia đình mới cho đi BV tuyến huyện, sau đó đến BV tuyến tỉnh điều trị. Tại đây, trẻ có các biểu hiện: sốt, mệt, da vàng sạm, củng mạc mắt vàng, phù 2 mí mắt, bụng trướng, suy gan - thận, suy hô hấp, vô niệu.
Trẻ tiếp tục được chuyển đến BV Nhi Trung ương điều trị trong tình trạng bóp bóng qua nội khí quản. Tại BV Nhi Trung ương, trẻ được chẩn đoán: nhiễm khuẩn huyết, suy chức năng đa cơ quan.
Trẻ được điều trị tích cực, hỗ trợ hô hấp, chống sốc, kháng sinh phổ rộng, lọc máu liên tục, chăm sóc tích cực. Mặc dù đã được các bác sĩ nỗ lực cấp cứu nhưng trẻ không đáp ứng điều trị và tử vong sau 1 ngày nằm viện.
(Còn nữa)
Kỳ 1: Cứ ốm là nhờ "cư dân mạng"... bắt bệnh? |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại