Thứ sáu 03/05/2024 00:04
Trăm đường khổ vì trẻ chưa được trở lại trường:

Kỳ 1: Bố mẹ “điêu đứng” vì con vẫn phải ở nhà do dịch

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Khó khăn lớn nhất của các gia đình có con nhỏ hiện nay có lẽ là việc trẻ chưa được đến trường, khiến bố mẹ gặp nhiều phen “điêu đứng”, dở khóc, dở cười.
Kỳ 1: Bố mẹ “điêu đứng” vì con vẫn phải ở nhà do dịch

Nhiều phụ huynh đi làm luôn trong tâm thế nhấp nhổm vì con ở nhà học online một mình

Chị Lê Thị Mận ở quận Hà Đông (Hà Nội) chia sẻ gia đình chị gặp rất nhiều khó khăn khi các trường mầm non đóng cửa do dịch. Nhà neo người, trong khi công việc của hai vợ chồng đều rất bận rộn nên nhiều hôm đi cơ sở, chị Mận phải mang con theo.

Trong khi chị làm việc với “bà” - nhân vật mà chị Mận phỏng vấn thì “ông” - chồng của nhân vật phải trông bé giúp chị. Vừa làm, vừa lo nên chị không thể tập trung xử lý tốt công việc, dẫn đến hiệu quả công việc không cao.

“Bé nhà tôi hơn 2 tuổi. Công việc của hai vợ chồng tôi đều bận rộn. Ông bà nội, ngoại ở xa không trông được nên hai vợ chồng phải tự thay nhau trông con. Nhưng mẹ trông là chính vì công việc của bố không được nghỉ nhiều, chỉ tranh thủ được ngày nào hay ngày đó. Khó khăn nhất là lúc công việc của tôi bắt buộc phải đi cơ sở, trong khi chồng không nghỉ được, buộc phải mang con đi gửi hàng xóm. Cháu còn bé nên việc gửi con cho hàng xóm tôi cũng không yên tâm. Vì hàng xóm họ không có chuyên môn trông trẻ như các cơ sở giáo dục nhưng tình thế bắt buộc nên phải chấp nhận. Nhiều khi hàng xóm bận không trông được, bố mẹ phải mang con đi làm cùng dẫn đến thiếu tập trung, hiệu quả công việc thấp, thu nhập cũng giảm đi đáng kể”, chị Mận chia sẻ.

Theo chị Mận, điều chị lo ngại nhất là bé đang ở độ tuổi tìm hiểu, khám phá và tiếp thu mọi thứ xung quanh nhưng lại không được đến trường do dịch. “Ở nhà, bố mẹ thì bận công việc, vừa làm vừa trông con nhiều khi phải để con chơi điện thoại, xem tivi thì mới có thời gian làm. Nhưng nếu tình trạng kéo dài thì ảnh hưởng đến tâm lý, sinh hoạt của con", chị Mận lo lắng.

Cũng giống như chị Mận, chị Nguyễn Thùy Dương ở Long Biên (Hà Nội) cũng phải cho con đi làm cùng, sau đó, cho con ngồi ngoài xe chờ để mẹ vào làm việc.

“Bé nhà tôi rất quấn mẹ. Mẹ đi đâu là bám đến cùng, gào khóc om sòm. Tôi định thuê người giúp việc ở nhà trông cháu nhưng không ăn thua vì cháu không chịu ở cùng ai ngoài mẹ. Thế là tôi đành phải chở cả con và người giúp việc đi làm theo. Trong khi tôi vào trong làm việc thì cháu ở ngoài xe. Vì biết được đi với mẹ nên cháu mới chịu ngồi yên trong xe”, chị Dương cho biết.

Sau những ngày nơm nớp lo sợ vì không thuê được người lớn trông con những ngày dịch dã, chị Hoàng Thị Hồng ở Long Biên (Hà Nội) phải gửi con về quê cho bà ngoại trông hộ.

Chị cho biết đợt hè vừa rồi, ngày nào phải đến cơ quan làm việc là chị phải thuê một học sinh lớp 11 gần nhà trông con vì không thuê được người lớn. Bé nhà chị gần 3 tuổi, rất hiếu động nên chị rất lo, chỉ sợ học sinh chị thuê “lơ là” một chút là con mình gặp chuyện.

“Cứ ngày nào tôi phải đến cơ quan làm việc là y như rằng hôm đó nhấp nhổm không thôi. Vừa làm, vừa lo lắng, cứ một lúc lại phải gọi điện về hỏi cháu ở nhà có vấn đề gì không? Cứ có cuộc gọi nào đột xuất ở nhà là người cứ bủn rủn, chỉ sợ con bị làm sao”, chị Hồng cho biết.

Thấy tình hình như này mãi sẽ không ổn nên chị Hồng quyết định cho con về quê gửi bà ngoại 3 tháng liền. Mới đây, chị về đón bé lên, chỉ mong các con sớm được trở lại trường học để yên tâm, tập trung cho công việc.

Anh Hoàng Văn Dũng ở Thanh Xuân (Hà Nội) chia sẻ hai vợ chồng anh phải phân chia nhau ở nhà để trông con. Năm học mới, bé lớn học lớp 2 học online ở nhà, còn bé út mới hơn 2 tuổi. Nhiều khi, cơ quan gọi việc đột xuất, anh phải địu bé út đi cùng, còn dặn bé lớn chịu khó ở nhà học một mình, có việc gì phải gọi điện ngay cho bố.

“Thời điểm có vụ học sinh học online một mình ở nhà chẳng may bị nổ điện thoại dẫn đến tử vong, tôi càng lo, lúc nào cũng dặn cháu nếu điện thoại bị hết pin cũng không được sạc mà xin cô nghỉ thời gian còn lại. Không có người lớn ở nhà, nhiều khi mạng chập chờn, các con không biết cách vào lại lớp, bài học vì thế cũng bị ảnh hưởng rất nhiều”, anh Dũng chia sẻ.

Nỗi lo của anh Đỗ Thành Nam ở Cầu Giấy (Hà Nội) nằm ở việc anh bố trí được thời gian ở nhà trông con nhưng lại không biết kèm con học kiểu gì cho hiệu quả vì bé thiếu tập trung.

Anh cho biết: “Năm nay con trai tôi vào lớp 1. Trước đó, cháu chỉ thuộc mặt chữ cái, ít viết nên khi học online ở nhà, dù xem video cô gửi với xem trên truyền hình, trên mạng nhưng tôi vẫn không thể hướng dẫn cháu tốt được. Bản thân mình không có kỹ năng sư phạm, lại thiếu kiên nhẫn trong việc dạy con. Nếu ở trường, các cô rèn luyện các con từng nét chữ, sai cô sửa từng chút một thì ở nhà, thực sự bố chịu thua. Cả bố và con đều áp lực”.

Có lẽ, thời điểm này, câu trả lời của câu hỏi “Bao giờ trẻ được trở lại trường?” đang được trông chờ nhiều nhất, bởi việc trẻ ở nhà, trong khi bố mẹ đang trở lại guồng quay công việc kéo theo vô vàn khó khăn, đặc biệt là khi không có ai trông con. Nhiều cơ quan có thể tạo điều kiện cho người lao động làm việc tại nhà.

Tuy nhiên cũng không ít cơ quan, đặc thù công việc đòi hỏi người lao động phải đến cơ quan làm việc trực tiếp và điều này khiến nhiều người phải suy nghĩ đến việc phải nghỉ việc vì không đáp ứng được yêu cầu của công việc.

(Còn nữa)

Duy Linh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động