Kỳ 1: 80% dân số khu vực nông thôn đã được sử dụng nước sạch
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTính đến hết tháng 9-2021, đã có 252/414 xã được tiếp cận nguồn nước sạch từ việc đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung và xây dựng mạng cấp nước từ hệ thống cấp nước tập trung của TP |
Luật Thủ đô là văn bản pháp lý đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa lịch sử to lớn đối với sự phát triển của Hà Nội, được thông qua ngày 21-11-2012, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XIII, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2013, với các cơ chế đặc thù đã góp phần tích cực xây dựng và phát triển Thủ đô.
Hơn 8 năm qua, kể từ khi có hiệu lực, Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết đã tạo cơ sở pháp lý ban đầu, góp phần huy động các nguồn lực phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và hoạt động đối ngoại trên địa bàn Thủ đô.
Khi quy hoạch Thủ đô, các nhà nghiên cứu, nhà quản lý đã xác định xây dựng Hà Nội hướng đến là đô thị xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại trong tương lai. Luật Thủ đô đã có riêng một Điều quy định về phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật Thủ đô.
Cụ thể, Điều 17 Luật Thủ đô quy định: Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị của Thủ đô được xây dựng, phát triển đồng bộ, hiện đại, bảo đảm định hướng lâu dài và kết nối Thủ đô với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong Vùng Thủ đô và cả nước.
Nhà nước ưu tiên đầu tư và có chính sách huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng, phát triển, bảo trì, bảo dưỡng các công trình hạ tầng kỹ thuật có quy mô lớn, quan trọng trên địa bàn Thủ đô.
UBND TP Hà Nội thực hiện đầu tư theo phân cấp; tổ chức việc đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống cấp, thoát nước, hệ thống xử lý nước thải, hệ thống quản lý và xử lý chất thải rắn, hệ thống cung cấp năng lượng và chiếu sáng đô thị, hệ thống thông tin liên lạc và kết cấu hạ tầng kỹ thuật khác trên địa bàn Thủ đô.
Điều đó cho thấy, trong chiến lược phát triển Thủ đô, lĩnh vực phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật rất được quan tâm phát triển. Nhờ đó, trong những năm qua, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị của Thủ đô được xây dựng, phát triển đồng bộ, hiện đại.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, giai đoạn trước 2015, do nguồn thiếu nên tỷ lệ người dân đô thị được cấp nước sạch chỉ đạt khoảng 96% (tương đương 1.080.000 hộ) và tỷ lệ nước thất thoát, thất thu nước sạch khoảng 25% nêu vào thời gian cao điểm mùa hè thường xảy ra mất nước cục bộ kéo dài.
Trong khi đó khu vực nông thôn được cấp nước từ 119 công trình nước sạch nông thôn được đầu tư từ nhiều nguồn vốn khác nhau (nguồn xã hội hóa; nguồn ngân sách TP; ngân sách huyện, xã; nguồn vốn từ các chương trình 134, 135; chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, vốn vay ngân hàng thế giới, vốn xã hội hóa...), trong đó có 98 công trình được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách và 21 công trình từ nguồn xã hội hóa, có 87 trạm đang hoạt động với tổng công suất khoảng 70.000m3/ngđ, 32 trạm cấp nước không hoạt động do công trình đã đầu tư dở dang nhưng không đủ điều kiện đưa vào hoạt động hoặc đã đưa vào hoạt động nhưng đến nay xuống cấp dừng hoạt động …
Những công trình nước sạch nông thôn hoạt động kém hiệu quả, tỷ lệ thất thoát lớn, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch năm 2016 là khoảng 37,2% (với 1.612.000 người, tương đương 403.000 hộ), còn lại 63,8% (với 2.719.000 người, tương đương 679.750 hộ) sử dụng nước hợp vệ sinh từ nguồn giếng khoan, giếng đào và nước mưa…
Với sự quan tâm, đầu tư của TP Hà Nội, từ năm 2016 đến nay đã có 05 dự án cấp nguồn hoàn thành nâng tổng công suất nguồn cấp nước từ các nhà máy nước tập trung trên địa bàn TP Hà Nội hiện nay đạt khoảng 1.520.000m3/ngđ, tăng 623.000m3/ngđ so với 2016 (897.000m3/ngđ).
Với tổng công suất các nguồn cấp hiện nay đã cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho 100% Nhân dân khu vực đô thị và mở rộng cấp nước cho khu vực nông thôn, đã nâng tỷ lệ người dân nông thôn tiếp cận nguồn nước sạch năm 2017 là 49,4%, năm 2018 là 55,5%, năm 2019 là 75% và đến năm 2020 là khoảng 78%, tính đến tháng 9-2021 là khoảng 80%.
(Còn nữa)
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại