Thứ năm 31/10/2024 16:53

Khung tội danh đối với “cô đồng” online lừa đảo 28 tỷ đồng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hiện nay không ít các cá nhân đã lợi dụng mạng xã hội để tổ chức hoạt động bói toán nhằm thu lợi bất chính, gây hoang mang lo lắng cho người dân và thực chất đây là hoạt động mê tín dị đoan.
Đối tượng Phan Thị Thu Trang đã thao túng tâm lý người xem bói, để lừa họ chuyển tiền cúng giải hạn, giải bùa, trục vong...  Ảnh: CQCA
Đối tượng Phan Thị Thu Trang đã thao túng tâm lý người xem bói, để lừa họ chuyển tiền cúng giải hạn, giải bùa, trục vong... Ảnh: CQCA

Thao túng tâm lý để lừa đảo

Mới đây, Công an quận 5, TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối tượng Phan Thị Thu Trang, SN 1990, trú tại quận 5, TP Hồ Chí Minh, về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo CA, từ tháng 10 đến khi bị bắt giữ, Trang sử dụng các tài khoản mạng facebook như: “Phan Thu Trang”, “Phong Thủy Tâm Linh - Phan Thu Trang”… để tiếp cận, làm quen với những người có nhu cầu xem bói. Khi có người liên hệ, Trang đã xem bói và tạo dựng, bịa đặt ra những câu chuyện tâm linh, thao túng tâm lý của khách hàng khiến họ lo sợ. Từ đó, Trang dụ dỗ nạn nhân chuyển tiền để giúp họ cúng giải hạn, giải bùa, trục vong… Khi chiếm đoạt tiền của nạn nhân, Trang dùng để tiêu xài, giải quyết nợ nần cá nhân.

Công an cho rằng, bằng thủ đoạn trên, Trang đã lừa của nhiều nạn nhân với tổng số tiền hơn 28 tỷ đồng. CQCA đề nghị, ai là nạn nhân bị Phan Thị Thu Trang lừa đảo, chiếm đoạt tiền thì liên hệ Đội Cảnh sát hình sự, CA quận 5 (số 359 đường Trần Hưng Đạo, phường 10, quận 5,) hoặc thông qua số điện thoại 0993.354.852 gặp điều tra viên Lê Thành Trung để tố giác, phục vụ công tác mở rộng điều tra, xử lý đối tượng.

Đối diện khung hình phạt cao nhất?

Luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đông Á, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, việc khởi tố và bắt tạm giam bị can mới chỉ thuộc giai đoạn đầu của các hoạt động tố tụng nhằm giải quyết vụ án. Do đó, nội dung vụ án, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý hoặc quyền lợi của những người có liên quan như thế nào sẽ còn phụ thuộc vào kết quả điều tra, truy tố và xét xử của vụ án.

Luật sư Nguyên cho rằng, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Theo đó, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các Điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây sẽ bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; tái phạm nguy hiểm; lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; dùng thủ đoạn xảo quyệt; phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm: chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; lợi dụng thiên tai, dịch bệnh. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

Như vậy, theo luật sư Đinh Thị Nguyên, tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” có thể bị xử phạt tù thấp nhất là 6 tháng, cao nhất là 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Trong vụ án này, nếu chứng minh là có tội và số tiền chiếm đoạt lên tới hơn 28 tỷ đồng thì đối tượng Phan Thị Thu Trung có thể phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội danh này.

“Nhiều người do quá tin vào bói toán nên đã rơi vào mê tín dị đoan, bị lôi kéo và lợi dụng, vừa bị mất tiền, vừa bị lệch lạc trong nhận thức (ỷ lại vào việc cúng bái, số phận, vận may hoặc nảy sinh tâm lý hoang mang, lo lắng không có căn cứ)” - luật sư Nguyên khẳng định và cho rằng, các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường công tác quản lý, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm cũng như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, để có thể hạn chế và dần xóa bỏ vấn nạn mê tín dị đoan và những biến tướng tiêu cực của chúng, bảo vệ những giá trị tốt đẹp của các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.

Nghi phạm đối diện nhiều tội danh?
Phòng ngừa tội phạm ở “thị trường” hẹn hò online
Kỳ 1: Nguy cơ bủa vây từ các thông tin xấu, độc
Thái An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động