Phòng ngừa tội phạm ở “thị trường” hẹn hò online
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐối tượng lừa đảo Phạm Văn Dũng tại cơ quan Công an. Ảnh: CQCA |
Những “con mồi tiềm năng” bị sập bẫy
Trong vài năm gần đây, lừa đảo hẹn hò trực tuyến đã gia tăng mạnh tại Việt Nam với hàng ngàn nạn nhân. Những kẻ lừa đảo thường sử dụng tài khoản giả, danh tính ảo để kết nối với nạn nhân qua các ứng dụng hẹn hò hoặc mạng xã hội. Sau khi tạo dựng niềm tin, chúng bắt đầu đưa ra các yêu cầu tiền bạc với những lý do hợp lý như khó khăn tài chính, viện phí, hoặc chi phí di chuyển.
Mới đây, CA quận Long Biên, Hà Nội đã tạm giữ đối tượng Phạm Văn Dũng, SN 1981, trú tại phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo tài liệu điều tra, Phạm Văn Dũng mặc dù đã có vợ và 3 con nhưng vẫn lên mạng, qua ứng dụng hẹn hò để làm quen với phụ nữ nhẹ dạ cả tin. Để thực hiện màn lừa đảo của mình, Dũng tự xưng là Nguyễn Hà Sơn, cán bộ CA, thực tế đối tượng không có nghề nghiệp gì. Qua ứng dụng hẹn hò, Dũng tiếp cận, làm quen với chị M, SN 1974, trú tại huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Sau vài ngày hẹn hò, qua lại nhà chị M và tạo được lòng tin của chị M, Dũng bắt đầu giở chiêu bài của mình. Dũng dựng lên màn kịch đang đi “thi hành nhiệm vụ” thì đồng đội bị thương nặng, phải đi cấp cứu rồi qua đời. Để có tiền tổ chức mai táng cho đồng nghiệp, Dũng bảo chị M chuyển cho 100 triệu đồng. Tin lời người tình, chị M lo lắng và chuyển tiền cho Dũng. Thấy “con mồi” sập bẫy, Dũng tiếp tục hẹn đến nhà, dùng thủ đoạn gian dối lừa đảo chiếm đoạt tiền của chị M, yêu cầu chị chuyển tiếp cho 30 triệu đồng. Nhận thấy mình bị lừa, ngày 2/10, chị M đã đến CA phường Đức Giang, quận Long Biên trình báo. Lực lượng CA đã bắt quả tang Phạm Văn Dũng khi đang nhận 30 triệu đồng của chị M.
Thực tế, lừa tiền, lừa tình là những mục đích hướng đến của nhiều đối tượng sử dụng ứng dụng hẹn hò để lừa đảo chiếm đoạt tiền hoặc lôi kéo, dụ dỗ đầu tư tài chính. Thậm chí, đối tượng còn cho nạn nhân vào tài khoản của đối tượng để nạn nhân nhìn thấy lợi nhuận, sau đó tự đề nghị cùng tham gia đầu tư. Điển hình, vào tháng 3/2024, CATP Hà Nội tiếp nhận đơn của chị T, trình báo bị chiếm đoạt 5,4 tỷ đồng. Chị T cho biết, có tham gia ứng dụng hẹn hò Tinder và quen một người đàn ông giới thiệu là bác sĩ của một bệnh viện lớn tại Singapore. Sau khi tạo niềm tin với chị T, người này mời chị tham gia chơi tiền ảo. Do tin tưởng người tình, chỉ trong vòng 5 ngày, chị T đã chuyển cho các đối tượng 5,4 tỷ đồng.
Ảnh minh họa. |
Biện pháp phòng tránh
Để bảo vệ bản thân và tránh trở thành nạn nhân của lừa đảo hẹn hò trực tuyến, thiếu tá Phí Văn Thanh, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an cho rằng, người dân cần nâng cao cảnh giác và thực hiện các biện pháp phòng tránh.
“Nếu bạn cảm thấy không chắc chắn về mối quan hệ trực tuyến của mình, hãy tìm sự giúp đỡ từ gia đình và bạn bè. Họ có thể đưa ra những lời khuyên khách quan và giúp bạn nhìn nhận tình huống một cách sáng suốt hơn. Đôi khi, sự tư vấn từ người ngoài có thể giúp bạn tránh được những quyết định sai lầm. Và một cách hữu hiệu để trang bị cho bản thân kiến thức cần thiết trong việc phòng tránh lừa đảo hẹn hò trực tuyến là tham gia vào các khóa học về an ninh mạng. Nhiều tổ chức và cơ sở giáo dục hiện nay đã tổ chức các buổi đào tạo hoặc hội thảo nhằm nâng cao nhận thức của người dân về các vấn đề an ninh mạng, bao gồm lừa đảo trực tuyến” - thiếu tá Phí Văn Thanh phân tích.
Khi biết chính xác mình bị lừa đảo, thiếu tá Phí Văn Thanh đưa ra lời khuyên, người dân cần lưu giữ tất cả các bằng chứng liên quan như: tin nhắn và email giữa bạn và đối tượng; hình ảnh hoặc video được gửi từ đối phương; thông tin tài khoản ngân hàng hoặc giao dịch mà bạn đã thực hiện. Những bằng chứng này sẽ rất hữu ích khi bạn báo cáo vụ việc với cơ quan chức năng.
“Một trong những điều quan trọng nhất là ngay lập tức ngừng liên lạc với kẻ lừa đảo. Dù bạn có muốn tìm hiểu thêm hay không, việc tiếp tục trò chuyện có thể dẫn đến việc bạn bị lừa thêm hoặc có thể bị đe dọa. Nếu bạn đã gửi tiền hoặc có dấu hiệu bị lừa đảo, hãy thông báo ngay với cơ quan chức năng. Họ có thể hỗ trợ bạn trong việc điều tra và có thể giúp bạn thu hồi một phần tiền nếu có thể” - thiếu tá Phí Văn Thanh nói.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, trên thực tế, hình thức lừa đảo thông qua các ứng dụng hẹn hò hoặc hẹn hò qua mạng không mới và có dấu hiệu gia tăng trong thời gian vừa qua khi xu hướng tìm kiếm bạn bè trên mạng ngày càng được nhiều người quan tâm.
Mặc dù, mỗi đối tượng sẽ có những mánh khóe riêng để thực hiện hành vi của mình, nhưng mục đích cuối cùng đều nhằm chiếm đoạt tài sản của nạn nhân. Nhiều nạn nhân vì xấu hổ, sợ lộ thông tin danh tính mà không dám tố cáo. Điều này khiến cho các đối tượng lừa đảo càng dễ dàng thực hiện hành vi mà không bị phát hiện, xử lý. Theo luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên, hiện chưa có quy định nào để kiểm soát chặt chẽ các app, ứng dụng hẹn hò. Vì vậy, đây vẫn là nơi được các đối tượng xấu tận dụng để thực hiện các hành vi phạm tội. Theo quy định của pháp luật, tùy từng trường hợp cụ thể sẽ phải xét trên bản chất, mức độ và hậu quả của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 2 - 5 triệu đồng, đối với tổ chức thì mức phạt tiền gấp đôi.
Thậm chí, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015. Người vi phạm có thể bị xử phạt tù thấp nhất là 6 tháng, cao nhất là 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Chiêu trò lừa đảo thông qua cách thức mời xem phim online và bình chọn được trả phí |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại