Hy hữu ca phẫu thuật tán sỏi cho người đàn ông có tới 4 quả thận
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênẢnh minh họa: internet |
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau dữ dội vùng thắt lưng, bụng chướng, tiểu buốt, tiểu ra máu. Sau khi thăm khám và thực hiện các cận lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị sỏi niệu quản phải 1/3 dưới kích thước 9x7mm và có 4 quả thận, 2 niệu quản riêng biệt đều cắm xuống bàng quang.
Theo khai thác bệnh án, do tính chất công việc, người bệnh thường xuyên phải uống rượu bia, dẫn đến các triệu chứng đau quặn từng cơn, thậm chí tiểu ra máu. Tuy nhiên, người bệnh đã tự mua thuốc điều trị tại nhà. Gần đây, các triệu chứng đau do sỏi thận ngày càng tăng và dữ dội hơn, người bệnh đã đến Bệnh viện E để thăm khám và điều trị.
Bệnh nhân chia sẻ, anh đã biết mình có 4 quả thận từ 7 năm trước, khi con gái anh được chẩn đoán có 3 quả thận và 2 bàng quang. Khi đó, các bác sĩ khuyên mọi người trong gia đình tầm soát hệ tiết niệu và phát hiện anh có 4 quả thận. Đây là dị tật bẩm sinh hiếm gặp do mầm niệu quản bên trái phát triển bất thường trong quá trình bào thai hình thành.
Rất may cho bệnh nhân là 4 quả thận và 2 niệu quản riêng biệt đều cắm đúng vị trí bàng quang nên loại trừ được nhiều biến chứng nguy hiểm khác trong cơ thể.
Do có nhiều thận hơn bình thường, bị sỏi thận và tự điều trị khá lâu nên bệnh nhân bị viêm, phù nề ở vị trí lỗ niệu quản. Bên cạnh đó, người bệnh có tới 4 lỗ niệu quản, 2 lỗ niệu quản phải và 2 lỗ niệu quản trái. Trong đó, lỗ niệu quản phải của đơn vị thận dưới đổ gần cổ bàng quang, lỗ niệu quản trái của đơn vị thận trái viêm phù nề nhiều, gây khó khăn cho các bác sĩ khi tìm lỗ niệu quản để tiếp cận trực tiếp viên sỏi.
Do đó, các bác sĩ đã lựa chọn phương án can thiệp bằng phương pháp nội soi ngược dòng tán sỏi niệu quản - sỏi thận bằng laser.
Đây là phương pháp có những ưu điểm vượt trội như: ít xâm lấn, bảo vệ chức năng thận. Bệnh nhân sẽ cảm thấy ít đau đớn, phục hồi nhanh và không để lại sẹo sau phẫu thuật. Các bác sĩ đã đặt 3 ống niệu quản 2 bên giúp làm giảm nguy cơ tắc nghẽn niệu quản, giảm biến chứng rò nước tiểu và hẹp niệu quản sau phẫu thuật.
Sau mổ, các bác sĩ lấy mẫu bệnh sỏi để tiến hành giải phẫu, nhằm đưa ra phương án điều trị tiếp theo cho bệnh nhân.
TS.BS Nguyễn Đình Liên - Trưởng Khoa Phẫu thuật thận tiết niệu & Nam học, Bệnh viện E khuyến cáo: bệnh nhân sau khi mổ cần có chế độ ăn uống hợp lý, tái khám theo đúng thời gian chỉ định của bác sĩ để kiểm soát khả năng tái phát sỏi trong tương lai. Cụ thể, người bệnh sau khi mổ cần chế độ ăn dễ tiêu hóa, nên ăn nhiều rau củ quả trái cây tươi, uống nhiều nước và tuyệt đối không sử dụng rượu bia, đồ uống có cồn. Tuân thủ hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ; không nên nằm quá nhiều, đi lại nhẹ nhàng, không nâng, kéo, vận động mạnh trong thời gian phục hồi.
TS.BS Liên cũng giải thích thêm về mức độ nguy hiểm đối với người bệnh có nhiều quả thận hơn so với người bình thường. Sỏi thận có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm, nhiễm trùng đường tiểu, tắc đường tiểu, suy thận cấp, suy thận mãn tính và nguy hiểm hơn là vỡ thận.
Vì vậy, việc kịp thời nhận ra các bất thường trong cơ thể góp phần hỗ trợ rất lớn trong chẩn đoán và điều trị cho người bệnh. Khi xuất hiện các triệu chứng bất thường như đau xuất hiện ở thắt lưng lan ra trước xuống bụng dưới, vùng bẹn bìu và mặt trong đùi, cơn đau thường xuất hiện đột ngột sau chơi thể thao hoặc lao động nặng; sốt và ớn lạnh; buồn nôn hoặc nôn; rối loạn đi tiểu… người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Tán sỏi thận nội soi qua da cho trẻ 27 tháng tuổi bằng đường hầm siêu nhỏ | |
Nữ bệnh nhân thoát khỏi căn bệnh khó nói sau ca phẫu thuật nội soi thành công |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại