Hơn 1.500 bị hại xin cho cựu Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCác bị cáo tại tòa. Ảnh: N.N |
Nhiều bị hại xin cho bị cáo
Trả lời Hội đồng xét xử (HĐXX) của Tòa án Nhân dân (TAND) TP Hà Nội, một bị hại cho hay, bà cùng hai con gái có mua trái phiếu của Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Bà Hường cho hay, các bị cáo thành khẩn khai báo, nhận ra hành vi vi phạm.
Theo bà, bị cáo Đỗ Anh Dũng, cựu Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh và con trai Đỗ Hoàng Việt, Phó Tổng Giám đốc (TGĐ) Tập đoàn Tân Hoàng Minh, đã nộp tiền để khắc phục 100% cho bị hại. Trong số hơn 1.500 bị hại (tính đến ngày 20/3), bà cùng hai con gái có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bố con ông Dũng và các bị cáo trong vụ án. Bị hại này mong tòa khoan hồng để các bị cáo sớm trở về cộng đồng, làm ăn.
Một bị hại khác, đề nghị HĐXX ghi nhận việc Tập đoàn Tân Hoàng Minh chủ động khắc phục. Bị hại yêu cầu tòa ghi nhận Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã khắc phục 100%, mong muốn các bị cáo có mức án nhẹ để họ sớm quay lại sản xuất kinh doanh. Luật sư đại diện cho một số bị hại có hỏi bị cáo Đỗ Anh Dũng về việc khắc phục. Trong đó, có ý kiến bị hại về việc đòi trả lãi. Bị cáo Dũng cho hay, có nghe rất sâu sắc lời của các nhà đầu tư, cũng là bị hại. Có lúc, bị cáo xúc động, rơi nước mắt.
"Nhưng đây là phiên tòa hình sự, theo pháp luật, những khoản tiền lãi liên quan đến thời điểm trước khi tôi bị bắt, tôi xin chịu trách nhiệm" - bị cáo nói và cho hay, từ thời điểm bị bắt, bản thân sẽ tuân theo quyết định của HĐXX.
Trả lời HĐXX, bị cáo Đỗ Hoàng Việt, con trai ông Dũng, khai, giữ chức Phó TGĐ phụ trách Trung tâm Tài chính - Kế toán thuộc Cty Tân Hoàng Minh. Năm 2021, dịch Covid - 19 xảy ra, Cty gặp khó khăn về huy động vốn, có nhiều khoản nợ đến hạn nhưng không vay tiếp được nên mới lên phương án phát hành trái phiếu để huy động vốn của người dân.
Theo cáo buộc, các bị cáo không sử dụng pháp nhân Tân Hoàng Minh mà chọn các Cty: Ngôi Sao Việt, Soleil, Cung điện mùa đông – 3 Cty trực thuộc Tân Hoàng Minh để ngụy tạo các hoạt động kinh tế không có thật thông qua các hợp đồng khống; liên hệ với một số Cty kiểm toán để làm đẹp báo cáo tài chính sao cho đủ điều kiện phát hành trái phiếu.
“Chủ trương huy động vốn từ Chủ tịch Đỗ Anh Dũng” - Việt khai và thừa nhận cáo trạng truy tố là đúng, bản thân bị cáo đã chỉ đạo cấp dưới lựa chọn Cty phát hành trái phiếu, liên hệ Cty kiểm toán…
Theo Việt, các phòng, ban chuyên môn thực hiện việc ký hợp đồng “giả cách” chuyển nhượng trái phiếu, chạy dòng tiền khống để Tân Hoàng Minh trở thành trái chủ sơ cấp để bán trái phiếu, huy động vốn. Sau khi tạo dựng hồ sơ, Việt báo cáo Chủ tịch để làm tiếp với các đơn vị liên quan để phát hành trái phiếu.
“Khi mua các gói trái phiếu, Tân Hoàng Minh có đủ tiền để trả hết các trái phiếu đó không?” - chủ tọa hỏi. Việt đáp: “Với các nguồn lực thì bị cáo nghĩ là đủ”. Sau đó, Việt thừa nhận gói trái phiếu Tân Hoàng Minh bán ra cho các nhà đầu tư chưa đủ về mặt giá trị.
Lý giải cho hành vi của mình và các bị cáo khác, theo Việt, thời điểm đó không nhận thức được việc mình đang làm gây hậu quả. Sau đó, Việt nói, đến nay gia đình bị cáo đã khắc phục toàn bộ thiệt hại của vụ án hơn 8.643 tỷ đồng.
Bị cáo Lê Thị Mai, Phó GĐ thường trực Ban Nguồn vốn, Trung tâm Tài chính - Kế toán, khai, lời của Việt và một số bị cáo khác là đúng. Bị cáo Mai thừa nhận, truy tố của Viện kiểm sát Nhân dân là đúng, bản thân không bị oan. “Bị cáo biết hồ sơ phát hành là tạo dựng nhưng không biết hậu quả hành vi nghiêm trọng đến vậy” - lời bị cáo Mai.
Trong khi đó, bị cáo Đỗ Anh Dũng cho rằng, chủ trương phát hành trái phiếu là từ mình, giao cho Việt thực hiện. Lý giải về việc làm trên, bị cáo Dũng nói, năm 2021, nhu cầu vốn của Tân Hoàng Minh ngày càng nhiều hơn do quy mô các dự án ngày càng lớn hơn. Do đó, bị cáo bảo Việt tìm kênh huy động vốn khác ngoài ngân hàng.
“Trước khi phát hành trái phiếu, tôi cũng biết có nhiều DN đã phát hành trái phiếu khoảng 1 triệu tỷ đồng. Phát hành trái phiếu thời điểm đó là kênh có hiệu quả” - bị cáo Dũng trả lời tòa.
Khi được hỏi về việc truy tố của VKSND, bị cáo nói mình tôn trọng cáo trạng, kết luận điều tra và lập luận, ngay từ khi phát hành trái phiếu, thâm tâm chưa bao giờ có ý nghĩ chiếm đoạt tiền của người mua; chỉ nghĩ là huy động vốn phục vụ cho sản xuất, kinh doanh. “Đến nay, tôi đã khắc phục được toàn bộ. 8.644 tỷ đồng đã được nộp cho Nhà nước trả cho các bị hại” - bị cáo Dũng cho biết, đã nộp thừa hơn 1 tỷ đồng.
Còn bị cáo Trần Hồng Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, người đại diện pháp luật của Cty Soleil, trình bày rằng, Tân Hoàng Minh mua toàn bộ lô trái phiếu do Cty Soleil phát hành, dòng tiền mua trái phiếu thì bị cáo không biết. Bản thân gia đình bị cáo cũng có người mua trái phiếu, con trai và con dâu của bị cáo mua hơn 1 tỷ đồng trái phiếu Tân Hoàng Minh, cháu bị cáo mua hơn 1,2 tỷ đồng.
Theo cáo buộc, bị cáo Sơn đã thực hiện chỉ đạo của bị cáo Đỗ Anh Dũng, ký hợp thức báo cáo tài chính, biên bản họp, nghị quyết của Cty Soleil về chủ trương phát hành trái phiếu; hợp đồng hợp tác đầu tư các lô đất tại Dự án Khu phức hợp Hoàng Hải tại Phú Quốc để làm hồ sơ phương án phát hành 3 gói trái phiếu, giúp sức cho Đỗ Anh Dũng chiếm đoạt số tiền 1.891 tỷ đồng của bị hại.
"Tôi tôn trọng kết luận điều tra, cáo trạng" - bị cáo Dũng trả lời HĐXX và cho hay, bản thân ngay từ khi phát hành trái phiếu, trong thâm tâm chưa bao giờ nghĩ chiếm đoạt, mà chỉ là huy động để có tiền kinh doanh đầu tư, thanh toán hợp đồng. Trước lời khai đó, chủ tọa hỏi: "Việc huy động có đúng pháp luật?". "Tại thời điểm đó, nhận thức về phát hành trái phiếu của tôi chưa đầy đủ" - bị cáo Dũng trình bày. Theo bị cáo, ngay từ khi bị tạm giữ, bắt tạm giam, thực tế ở trong trại, bị cáo đã nhận thức được hành vi của mình. Từ đó, bị cáo tích cực và đề nghị được khắc phục. |
Xét xử vụ án sai phạm tại Công ty Tân Hoàng Minh: các bị cáo khai lý do phát hành trái phiếu | |
Chủ tịch Tân Hoàng Minh có trả lãi mua trái phiếu cho bị hại hay không? | |
Đã khắc phục hậu quả triệt để! |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại