Thứ ba 01/04/2025 16:46

Hồ trên trái đất "ngộp thở" vì thiếu oxy: cảnh báo hệ sinh thái suy thoái

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Nghiên cứu mới từ Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng suy giảm nồng độ oxy đáng báo động tại các hồ trên toàn cầu. Hiện tượng này không chỉ đe dọa trực tiếp đến sự sống của các hệ sinh thái dưới nước mà còn kéo theo hàng loạt hậu quả nghiêm trọng đối với an ninh lương thực và kinh tế của nhiều khu vực.
suy giảm nồng độ oxy đáng báo động tại các hồ trên toàn cầu. Hiện tượng này không chỉ đe dọa trực tiếp đến sự sống của các hệ sinh thái dưới nước. Ảnh minh họa
Sự suy giảm nồng độ oxy đáng báo động tại các hồ trên toàn cầu đe dọa trực tiếp đến sự sống của các hệ sinh thái dưới nước. Ảnh minh họa

Xu hướng suy giảm nồng độ oxy cũng được quan sát thấy trên khắp các sông suối và đại dương. Nhưng một số hồ đang mất oxy nhanh hơn gấp 9 lần so với đại dương. Cụ thể, từ năm 1980 đến năm 2017 là nồng độ oxy giảm 5,5% ở vùng nước mặt và 18,6% ở vùng nước sâu.

Tốc độ suy giảm oxy đáng lo ngại do nắng nóng

Nhà địa lý Yibo Zhang của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS) và các đồng nghiệp đã sử dụng hình ảnh vệ tinh cùng với dữ liệu địa lý và khí hậu để tái tạo các sự kiện dẫn đến tình trạng mất oxy trên diện rộng. Hơn 80% trong số 15.535 hồ mà họ kiểm tra hiện đã cạn kiệt nồng độ oxy.

Từ năm 2003 đến năm 2023, 85% trong số các hồ này đã trải qua sự gia tăng ổn định về số ngày nắng nóng mỗi năm. Thời gian trung bình của các đợt nắng nóng trên các hồ toàn cầu là 15 ngày mỗi năm. Nhiệt độ cao hơn làm giảm khả năng hòa tan oxy trong nước.

Zhang và nhóm nghiên cứu tính toán rằng các đợt nắng nóng đã góp phần gây ra 7,7% lượng oxy bị mất, thông qua những biến động nhanh chóng và đáng kể về độ hòa tan của oxy trong nước...

Số ngày nắng nóng đã tăng trên cả 6 châu lục trong hai thập niên qua, với tốc độ tăng lần lượt là 1,2 ngày/năm ở châu Phi, 0,7 ngày/năm ở châu Á, 0,6 ngày/năm ở châu Âu, 0,5 ngày/năm ở Bắc Mỹ, 1,4 ngày/năm ở châu Đại Dương và 0,6 ngày/năm ở Nam Mỹ. Khi tần suất và cường độ tác động của các đợt nắng nóng tăng lên, tác động trong tương lai của các đợt nắng nóng đối với tình trạng khử oxy của hồ có thể tăng cường, đặc biệt là ở Bắc Mỹ và châu Âu.

Các nhà nghiên cứu cho rằng 10% khác là do tảo nở hoa ngày càng nghiêm trọng. Những hiện tượng này cũng đang trở nên trầm trọng hơn do khí hậu ấm lên, cũng như chất dinh dưỡng ngày càng tăng nhờ nguồn phân bón dư thừa và phân gia súc xâm nhập vào hệ thống thoát nước. Tuy nhiên, theo nghiên cứu, nhiệt độ tăng trong thời gian dài là nguyên nhân chính gây ra tình trạng khử oxy của hồ.

Các nhà nghiên cứu ước tính rằng tình trạng ấm lên hiện nay là tác nhân của 55% lượng oxy trong hồ giảm. Nhóm nghiên cứu cảnh báo rằng nếu xu hướng này tiếp tục theo các kịch bản khí hậu xấu nhất, lượng oxy trong hồ trên Trái đất có thể giảm tới 9% vào cuối thế kỷ 21.

Tác hại của việc suy giảm oxy trong nước

Các hồ tự nhiên và nhân tạo chiếm khoảng 5 triệu km2 bề mặt đất liền của Trái đất. Chúng thường là nơi sinh sống của những sinh vật độc đáo. Sự suy giảm oxy hòa tan làm gián đoạn nghiêm trọng các hệ sinh thái này, tạo ra các “vùng chết” quá ngột ngạt khiến động vật hoang dã không thể chịu đựng được. Những đợt mưa lớn gây ra cái chết hàng loạt cho động vật hoang dã ở các tuyến đường thủy trên khắp thế giời, đang xuất hiện ngày càng nhiều.

Nghiên cứu dự đoán rằng các hồ chịu áp lực chủ yếu sẽ nằm ở các vùng nhiệt đới. Có từ 238 hồ đến 279 hồ trong số 15.535 hồ trong tập nghiên cứu được dự đoán sẽ đối mặt tình trạng căng thẳng trong tương lai. Các dự đoán về hồ Victoria - hồ lớn nhất châu Phi theo diện tích cho thấy nó phải trải qua một giai đoạn kéo dài với mức oxy thấp. Không có gì là không thể khi biến đổi khí hậu đã xóa sổ hồ lớn thứ tư trên Trái đất: biển Aral.

Nồng độ oxy trong nước giảm dẫn đến hậu quả đáng ngại: giảm cố định nitơ, tăng phát thải N2O (một loại khí nhà kính mạnh), hạn chế khả năng thích nghi của môi trường sống và năng suất của các sinh vật cần oxy cũng như gây ra tác động tiêu cực đến an ninh lương thực, sinh kế của nhiều người dân và cả nền kinh tế các khu vực ven biển.

Đồng tác giả Zhang Yunlin đến từ Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc cho biết: "Nồng độ oxy suy giảm có thể dẫn đến tuyệt chủng các loài, giết chết các sinh vật dưới nước và sự sụp đổ của ngành đánh bắt cá".

Ngoài nhu cầu cấp thiết trong việc giảm thiểu tình trạng nóng lên toàn cầu, việc giảm chất thải nông nghiệp trôi vào hệ thống sông ngòi sẽ giúp bảo tồn lượng oxy có sẵn. Theo nhà sinh thái học của CAS Shi Kun: "Trồng thảm thực vật ngập nước và bảo vệ vùng đất ngập nước cũng có thể giúp khôi phục hệ sinh thái hồ".

Nghiên cứu này nhấn mạnh sự cấp thiết của việc hành động ngay lập tức để bảo vệ các hồ trên Trái Đất, như giảm thiểu tình trạng nóng lên toàn cầu, giảm chất thải nông nghiệp đổ vào hệ thống sông ngòi, trồng thảm thực vật ngập nước và bảo vệ vùng đất ngập nước để phục hồi hệ sinh thái hồ… nhằm duy trì sự cân bằng của hệ sinh thái và bảo đảm an ninh lương thực cho tương lai.

Leo núi Phú Sĩ: du khách phải trả phí và những quy định mới từ mùa Hè năm 2025
Chỉ 7 quốc gia đáp ứng tiêu chuẩn không khí sạch của WHO: báo động ô nhiễm toàn cầu
Mây Hạ
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động