Thứ hai 25/11/2024 22:12

Hiểu rõ giá trị pháp lý của vi bằng theo Nghị định 08/2020/NĐ-CP

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Vi bằng do Thừa phát lại lập ra chỉ ghi nhận những sự kiện, hành vi mà Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến; không chứng nhận hợp đồng, giao dịch liên quan đến nhà, đất…

Vụ việc lừa mua nhà

VKSND TP Hà Nội vừa ra cáo trạng truy tố bị can Phùng Đức Lợi, SN 1969, nguyên Phó Chủ tịch HĐND phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174, khoản 4, điểm a, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Cáo trạng nêu rõ, theo phương án giao đất năm 2000, UBND xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm (nay là UBND phường Mỹ Đình I, quận Nam Từ Liêm) đã giao thửa đất số 428 có diện tích 551 m2 và thửa đất số 443 có diện tích 763 m2 tại Đội 10 Tân Mỹ (nay là Tổ dân phố số 15 Tân Mỹ, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm) cho bà Lưu Thị Cố, SN 1946, trú tại phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm.

Hiểu rõ giá trị pháp lý của vi bằng theo Nghị định 08/2020/NĐ-CP
Cần hiểu rõ quy định về giá trị pháp lý của vi bằng

Năm 2007, do không có nhu cầu sử dụng, bà Cố đã chuyển nhượng lại toàn bộ diện tích hai thửa đất trên cho Phùng Đức Lợi (khi đó đang là Trưởng CA xã Mỹ Đình). Năm 2009, Lợi đã chuyển nhượng lại toàn bộ diện tích của hai thửa đất trên cho nhiều người, trong đó ông Nguyễn Văn Duy, SN 1955, trú tại phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm mua lại một mảnh đất thuộc thửa đất số 428.

Sau khi mua đất, năm 2012, ông Duy xây dựng căn nhà cấp 4 để cho thuê. Tháng 9-2017, gia đình ông Duy rao bán đất và căn nhà cấp 4 này có tổng diện tích 94 m2. Gia đình ông Duy nhờ Phùng Đức Lợi xem có khách mua giới thiệu hộ để bán đất và nhà cấp 4 trên.

Mặc dù, Phùng Đức Lợi không có quyền sở hữu, định đoạt đối với diện tích đất này nhưng để chiếm đoạt tài sản, Lợi đã có hành vi và thủ đoạn gian dối, mời Thừa phát lại lập Vi bằng số 378/2017/VB-TPLHĐ ngày 8-11-2017 ghi nhận sự kiện Lợi là chủ sở hữu của diện tích nhà, đất nêu trên với mục đích để bán.

Vi bằng số 378 có nêu: Nay lập văn bản này để xác nhận hiện ông Lợi đang quản lý, sử dụng diện tích thửa đất 94 m2 và toàn bộ tài sản gắn liên trên thửa đất nêu trên không có tranh chấp. Ông Lợi cam đoan các nội dung xác nhận như trên là đúng.

Tin tưởng vào Vi bằng số 378 này, anh Nguyễn Văn Trung, SN 1981, trú tại phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm quyết định mua nhà và đất nói trên. Để thực hiện việc mua bán, ngày 2-1-2018, Lợi mời Thừa phát lại cùng anh Trung đến để lập Vi bằng số 05/2018/VB-TPLHĐ xác nhận việc Phùng Đức Lợi bán nhà và đất trên cho anh Nguyễn Văn Trung với số tiền 950 triệu đồng.

Ngày 7-6-2018, khi anh Trung dọn đến căn nhà mua của Lợi để ở, ông Nguyễn Văn Duy mới phát hiện ra và làm đơn tố cáo vụ việc tới CQCA…

Cần hiểu rõ quy định về giá trị pháp lý của Vi bằng

Vụ việc trên là một ví dụ điển hình mua nhà đất qua thủ tục lập Vi bằng. Thực tế không ít người do không tìm hiểu kỹ nên đã nhầm lẫn về giá trị pháp lý giữa Vi bằng và hợp đồng mua bán nhà đất được công chứng hoặc chứng thực đúng quy định, dẫn đến bị mất tiền oan.

Điều 36 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định về giá trị pháp lý của Vi bằng như sau: Vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác. Vi bằng là nguồn chứng cứ để tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật và là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân .

Vi bằng chỉ có giá trị bằng chứng, là một chứng cứ công nhận có giao nhận tài sản chứ không phải là một thủ tục hành chính để đảm bảo giá trị tài sản. Văn phòng Thừa phát lại cũng chỉ ghi nhận lại hành vi trao đổi, giao dịch tài sản, giao nhận giấy tờ… chứ không chứng thực quan hệ giao dịch mua bán hay vay mượn tài sản. Vi bằng không có chức năng như công chứng, chứng thực.

Còn việc mua bán nhà đất hợp pháp phải được công chứng, chứng thực. Tại Điểm a khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013 quy định hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng, chứng thực, trừ khi kinh doanh BĐS.

Theo Công chứng viên Đào Duy An - Trưởng Văn phòng công chứng Đào Duy An, TP Hà Nội, một số điểm người dân cần chú ý khi nhận chuyển nhượng, mua bất động sản để tránh bị lừa đảo. Trước hết, nếu việc nhận chuyển nhượng,mua bất động sản từ cá nhân thì chỉ nên nhận chuyển nhượng, mua bất động sản đã có Giấy chứng nhận quyền sở hữu.

Đối với các dự án phân lô bán nền thì cần tìm hiểu dự án đó có tồn tại hay không, có được bán hay không, chủ đầu tư là chính thức hay giả danh... Người mua cần kiểm tra tính pháp lý của Giấy chứng nhận quyền sở hữu, thông tin về thửa đất như về quy hoạch, có tranh chấp hay không… tại UBND xã, phường, thị trấn, quận, huyện hoặc văn phòng đăng ký đất và nhà.

Công chứng viên Đào Duy An cho biết: “Không nhận chuyển nhượng, mua bất động sản bằng việc lập vi bằng, giấy viết tay, việc này phải lập thành hợp đồng và được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về đất đai. Trước khi quyết định nhận chuyển nhượng, mua bất động sản nào, người dân nên nhờ người có am hiểu về pháp luật đất đai, nhà ở để tư vấn”.
Bạch Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động