Thứ năm 28/03/2024 20:23

Hà Nội: Xóa bỏ khoảng cách về giới trong đồng bào dân tộc thiểu số

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn cho biết, TP Hà Nội sẽ duy trì triển khai thực hiện các mô hình can thiệp, trợ giúp trẻ em, phụ nữ bị bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình bình đẳng giới tại các địa phương để kịp thời có những giải pháp chỉ đạo, xử lý những tồn tại, hạn chế, vi phạm ngay từ cơ sở…
Hội nghị tuyên truyền, PBGDPL về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ tại xã Yên Trung, huyện Thạch Thất.(Ảnh: Văn Biên)
Hội nghị tuyên truyền, PBGDPL về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ tại xã Yên Trung, huyện Thạch Thất. (Ảnh: Văn Biên)

Hà Nội luôn đặc biệt quan tâm đến bình đẳng giới trong đồng bào vùng DTTS

Theo thống kê của Ban Dân tộc TP Hà Nội, Hà Nội hiện có khoảng 107.847 người DTTS, thuộc 50/53 thành phần DTTS sinh sống ở tất cả 30/30 quận, huyện, thị xã và chiếm 1,3% dân số của Hà Nội. Trong đó, đồng bào cư trú tập trung theo cộng đồng tại 153 thôn, thuộc 14 xã của 5 huyện Ba Vì, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất, với trên 55.000 người.

Ngày 28/11/2017, tại Quyết định số 1898/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Quyết định Phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2015”. Với mục tiêu tổng quát: “Tạo sự chuyển biến tích cực trong thực hiện bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ ở vùng dân tộc thiểu số, góp phần thúc đẩy thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược quốc gia bình đẳng giới”.

Ngay sau khi Quyết định số 1898/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 20/KH-UBND để thực hiện Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2019 - 2025”. Từ năm 2019 đến nay, TP Hà Nội đã bố trí 2,36 tỷ đồng để thực hiện Kế hoạch số 20/KH-UBND.

Theo Kế hoạch số 20/KH-UBND, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, 80% số hộ gia đình vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được tiếp cận thông tin về giới và pháp luật về bình đẳng giới; 100% học sinh các trường, lớp bán trú và dân tộc nội trú được tuyên truyền kỹ năng sống về giới và bình đẳng giới; 100% cán bộ làm công tác dân tộc tại các địa phương được phổ biến pháp luật về bình đẳng giới…

Đáng chú ý, trên cơ sở nguồn vốn TP phân bổ, 5 huyện tập trung đông đồng bào DTTS sinh sống đã tổ chức 94 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức; 78 chương trình truyền thông dưới nhiều hình thức, cùng 28 buổi tư vấn pháp luật về bình đẳng giới cho hàng chục nghìn cán bộ làm công tác dân tộc và đông đảo đồng bào vùng DTTS.

Tiếp đó, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 257/KH-UBND về triển khai dự án “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số và miền núi” thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Mục tiêu của dự án là nhằm nâng cao nhận thức, hỗ trợ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em; góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi của Thủ đô Hà Nội.

Với kế hoạch này, Hà Nội bố trí khoảng 9,5 tỷ đồng để tổ chức triển khai 5 nhóm đề án, nhiệm vụ, giải pháp, gồm: Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới; tuyên truyền nâng cao nhận thức bình đẳng giới và kiến thức pháp luật cho phụ nữ vùng DTTS; xây dựng nhà tạm lánh, địa chỉ tin cậy; đào tạo bồi dưỡng cán bộ nữ và tổ chức dạy nghề cho phụ nữ vùng DTTS.

Theo đánh giá của Ban Dân tộc TP Hà Nội, ngoài một số vụ việc liên quan đến bạo lực gia đình, các chỉ tiêu về chăm sóc, bảo vệ trẻ em và bình đẳng giới của TP đều đạt và vượt. Công tác hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới và phòng, chống mua bán người được quan tâm, thực hiện có hiệu quả. Các mục tiêu bình đẳng giới trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn Thủ đô cơ bản hoàn thành.

Tiếp tục tuyên truyền, PBGDPL về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn: “Với một loạt các giải pháp được TP Hà Nội đưa ra và đang thực hiện, khoảng cách về bình đẳng giới trong vùng DTTS Thủ đô ngày càng được thu hẹp”.(ảnh: Văn Biên)
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn cho biết: “Với một loạt các giải pháp được TP Hà Nội đưa ra và đang thực hiện, khoảng cách về bình đẳng giới trong vùng DTTS Thủ đô ngày càng được thu hẹp”. (Ảnh: Văn Biên)

Ông Nguyễn Phúc Hải, Phó Trưởng Ban Dân tộc TP Hà Nội cho biết, năm qua, tại các xã dân tộc, miền núi của Thủ đô, Ban Dân tộc TP Hà Nội đã tổ chức 10 Hội nghị tuyên truyền, PBGDPL về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ cho gần 3.000 lượt đại biểu tham dự là các đồng chí Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, Trưởng Ban công tác mặt trận, Chi hội Trưởng Chi hội Phụ nữ, Bí thư Chi đoàn Thanh niên, người có uy tín, tuyên truyền viên và người dân.

“Tại hội nghị, các đại biểu đã được báo cáo viên truyền đạt về Luật Bình đẳng giới và văn hóa ứng xử trong gia đình, xã hội. Những thông tin, kiến thức được tiếp thu tại hội nghị giúp các đại biểu nâng cao nhận thức pháp luật, chấp hành tốt hơn chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương”, ông Nguyễn Phúc Hải nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Phúc Hải, thời gian tới, Ban Dân tộc TP Hà Nội sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, góp phần xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu về giới trong gia đình và cộng đồng, cùng những tập tục văn hóa có hại.

“Ban Dân tộc TP Hà Nội cũng sẽ tăng cường tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nhằm trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng. Đây được xem là đội ngũ đóng vai trò thực thi quan trọng đối với mục tiêu bình đẳng giới trong vùng đồng bào DTTS”, Phó Trưởng Ban Dân tộc TP Hà Nội Nguyễn Phúc Hải cho hay.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn cho biết, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 20/KH-UBND, cụ thể hóa Quyết định số 1898/QĐ-TTg, thì một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2022 - 2025 là tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và Hà Nội về công tác bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến các địa bàn còn phức tạp thuộc vùng DTTS và miền núi của Thủ đô.

“TP Hà Nội sẽ duy trì triển khai thực hiện các mô hình can thiệp, trợ giúp trẻ em, phụ nữ bị bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình bình đẳng giới tại các địa phương để kịp thời có những giải pháp chỉ đạo, xử lý những tồn tại, hạn chế, vi phạm ngay từ cơ sở”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.

Phấn đấu đến năm 2025 có 100% xã vùng đồng bào DTTS và miền núi về đích nông thôn mới Phấn đấu đến năm 2025 có 100% xã vùng đồng bào DTTS và miền núi về đích nông thôn mới
Những tấm gương tiêu biểu đồng bào DTTS làm kinh tế giỏi Những tấm gương tiêu biểu đồng bào DTTS làm kinh tế giỏi
Có nên chủ động nói về giới tính cho con trẻ? Có nên chủ động nói về giới tính cho con trẻ?
Hà Nội: Nhiều tấm gương đồng bào dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi Hà Nội: Nhiều tấm gương đồng bào dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi
Hà Nội: Chú trọng nâng cao hiểu biết pháp luật cho đồng bào DTTS Hà Nội: Chú trọng nâng cao hiểu biết pháp luật cho đồng bào DTTS
Minh Phong
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động