Hà Nội: Nhiều tấm gương đồng bào dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBà Hoàng Thị Tâm, dân tộc Tày, ở phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy – tấm gương điển hình đồng bào DTTS làm kinh tế giỏi. |
Theo số liệu báo cáo, TP Hà Nội có khoảng 9 triệu người, người dân tộc thiểu số trên địa bàn TP có khoảng 108 nghìn người, thuộc 50/53 thành phần DTTS sinh sống đan xen cùng người Kinh ở 30/30 quận, huyện, thị xã, chiếm 1,3% dân số. Trong số đó, đồng bào DTTS của Thành phố chủ yếu là dân tộc Mường và dân tộc Dao cư trú tập trung theo cộng đồng tại 119 thôn, thuộc 14 xã của 05 huyện là: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức và Chương Mỹ với trên 55.000 người, chiếm 51% người DTTS toàn TP.
Trong những năm qua, từ sự quan tâm của TP Hà Nội, với việc thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc, chính sách dân tộc, cùng sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, đã xuất hiện nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi, họ là những tấm gương năng động, dám nghĩ dám làm, có quy mô sản xuất lớn, tạo việc làm cho nhiều lao động tăng thu nhập và giúp đỡ các hộ nghèo, khó khăn về vốn, giống, kỹ thuật và vật tư...
Những việc làm cụ thể, thiết thực đó của các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số đã cùng với các gia đình người Kinh ở địa phương làm thay đổi diện mạo làng, xóm, khu dân cư, tổ dân phố, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân, góp phần xây dựng nếp sống văn minh, lành mạnh, hướng tới sự phát triển của mỗi gia đình và của Thủ đô.
Hộ gia đình bà Hoàng Thị Tâm, dân tộc Tày, ở phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy. Cả hai vợ chồng bà sau thời gian hơn 30 năm công tác trong quân đội, về nghỉ hưu, bà đã quyết định thành lập công ty sản xuất quần áo thời trang và đồng phục học sinh.
Bước đầu còn bỡ ngỡ gặp nhiều khó khăn và thất bại trong kinh doanh. Nhưng được sự động viên của chồng con và bạn bè, bà đã quyết tâm và vượt qua được thách thức. Sau 10 năm lăn lộn với thương trường, công ty của bà đã ổn định, sản xuất kinh doanh theo hướng bền vững, hiệu quả và từng bước phát triển, bảo đảm công ăn việc làm ổn định cho 20 công nhân với mức thu nhập hàng tháng 6-7 triệu đồng.
Kinh tế khá giả cộng với bản tính nhân hậu, thương người, nhiều năm qua bà đã có những nghĩa cử cao đẹp. Năm 2012, bà đã vận động các chị em trong tổ dân phố thành lập “Câu lạc bộ tình thương”. Khi mới thành lập, CLB chỉ có 5 chị em tham gia và mức đóng góp là 100.000 đồng/người/tháng; đến nay CLB đã có trên 40 người tham gia. Gần chục năm qua, CLB đã chi cho hoạt động thiện nguyện với số tiền hàng trăm triệu đồng và hàng nghìn kg gạo, mỳ tôm, đường sữa, dầu ăn, bột ngột... cho bệnh nhân nghèo, bệnh nhân nhi, trẻ em cơ đơn tại Bệnh viện K, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, Bệnh viện Thanh Nhàn, chùa Linh Sơn....
Năm 2021, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, CLB đã mua hàng trăm kg gạo, muối, mỳ tôm, đường, sữa với số tiền hơn 30 triệu đồng để ủng hộ cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, gia đình bà đã tặng 17 triệu đồng và 65 chiếc áo len cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn; ủng hộ hơn 1 tấn gạo cho cây ATM gạo của Quận Cầu Giấy để hỗ trợ gạo miễn phí cho các gia đình khó khăn.
Ông Hoàng Ánh Đông, dân tộc Tày, ở xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, là Giám đốc Cty TNHH cơ khí xây dựng và thương mại Cổ Loa. Với sự năng động sáng tạo, mạnh dạn ứng dụng khoa học-kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất đã góp phần nâng cao năng suất lao động. Đem lại doanh thu trên 20 tỷ đồng/năm. Hiện nay công ty tạo việc làm cho 20 lao động với thu nhập bình quân 10.000.000/người/tháng. Ngoài công việc sản xuất kinh doanh, gia đình ông còn tích cực đóng góp vào các quỹ vì người nghèo, quỹ khuyến học, quỹ đền ơn đáp nghĩa…của thôn và xã với số tiền 30 đến 50 triệu đồng/năm.
Ông Bùi Văn Chung, dân tộc Mường, thôn Gò Đình Muôn, xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì là một nhân tố tích cực trong phong trào làm kinh tế giỏi. Gia đình ông chuyên sản xuất vật liệt xây dựng, thu nhập bình quân của gia đình đạt 250.000.000 đồng/người/năm. Tạo công ăn việc làm cho 07 lao động.
Anh Nguyễn Viết Đăng, dân tộc Mường, thôn Đồng Ké, xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ. Là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác mặt trận thôn, vừa tham gia công tác xã hội, vừa phát triển kinh tế. Anh đã ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào chăn nuôi lợn nái ngoại trên sàn giống CP, mang lại hiệu quả kinh tế cao; nhận thầu khoán 2,5ha diện tích đất công xình lầy cải tạo thành hồ nuôi trồng thủy sản và nuôi lợn hướng nạc; nâng cao thu nhập gia đình. Ngoài ra, anh Đăng còn thường xuyên phổ biến kinh nghiệm cho người dân trong thôn cùng làm, giúp đỡ bằng tiền mặt, hiện vật cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn để phát triển kinh tế.
Anh Lê Văn Tiến, dân tộc Mường, thôn Thanh Hà, xã An Phú, huyện Mỹ Đức, cũng là một trong những điển hình tiêu biểu về làm kinh tế giỏi. Nhìn thấy lợi thế của vùng đất, anh đã áp dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến trong mô hình kinh tế trang trại, mở rộng diện tích sản xuất, thực hiện đa canh, kết hợp trồng rừng với chăn nuôi bò, dê, lợn, gà, vịt... Đem lại thu nhập bình quân 100 triệu đồng/người/năm, tạo việc làm cho 10-12 lao động, có thu nhập ổn định. Ngoài ra, anh Tiến còn giúp đỡ, hướng dẫn nhiều người trong thôn cùng phát triển kinh tế, chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp sang giống cây trồng cho thu nhập cao. Nhiều gia đình trong thôn đã mạnh dạn vay vốn làm ăn. Diện tích đất hoang hóa được thu hẹp, làng xóm dần khang trang. Có gia đình mỗi năm thu nhập từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng.
Có thể khẳng định, từ sự quan tâm của TP Hà Nội, từ các phong trào phát triển kinh tế, cùng với sự đoàn kết, nỗ lực của các gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng xuất hiện nhiều hộ sản xuất, kinh doanh giỏi. Năm 2021, vùng dân tộc, miền núi Thủ đô đã có hơn 5.000 hộ nông dân đạt sản xuất kinh doanh giỏi, góp phần xây dựng Thủ đô văn minh, giầu đẹp.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại