Hà Nội: Chú trọng nâng cao hiểu biết pháp luật cho đồng bào DTTS
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHội nghị tuyên truyền, PBGDPL về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ tại xã Yên Trung, huyện Thạch Thất. Ảnh: Văn Biên |
Theo thống kê, TP Hà Nội hiện có khoảng 107.847 người dân tộc thiểu số, thuộc 50/53 thành phần DTTS sinh sống ở tất cả 30/30 quận, huyện, thị xã và chiếm 1,3% dân số của Hà Nội. Trong đó, đồng bào cư trú tập trung theo cộng đồng tại 153 thôn, thuộc 14 xã của 5 huyện Ba Vì, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất, với trên 55.000 người.
Ông Nguyễn Phúc Hải, Phó trưởng Ban Dân tộc TP Hà Nội cho biết, cùng với việc tham mưu giúp UBND TP thực hiện tốt công tác dân tộc và chính sách dân tộc, một trong nhiều nhiệm vụ được Ban Dân tộc coi trọng là công tác tuyên truyền chính sách, PBGDPL đến đồng bào. Trong những năm qua, Ban Dân tộc đã tích cực phối hợp với các ngành liên quan đổi mới công tác PBGDPL thông qua nhiều hình thức, như: Cấp phát tài liệu, tờ gấp; hội nghị tập huấn; phát huy vai trò của đội ngũ người có uy tín, cán bộ dân tộc địa phương trong công tác tuyên truyền; lồng ghép cùng các chương trình, đề án khác...
Nội dung tuyên truyền được chuyển tải một cách đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ để bà con tiếp cận một cách dễ dàng. Trong đó, tập trung vào các vấn đề bà con quan tâm; Các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc đang triển khai trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô; An toàn giao thông; Xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; Vận động đồng bào xóa bỏ các tập tục lạc hậu...
Theo ông Nguyễn Phúc Hải, có đi thực tế cơ sở mới biết công tác tuyên truyền, PBGDPL cho đồng bào dân tộc là vô cùng cần thiết. “Bởi nhân tố quyết định đến sự phát triển, đi lên ở vùng đồng bào dân tộc là người dân nên người dân phải nắm được chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Qua đó, góp phần bảo đảm sự ổn định về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn”, ông Nguyễn Phúc Hải nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nguyễn Phúc Hải, nhưng làm cách nào để những văn bản pháp luật vốn khô cứng, khó nhớ đi vào cuộc sống của đồng bào là điều mà Ban Dân tộc TP Hà Nội luôn trăn trở. Vì vậy, trước khi tổ chức Hội nghị, Ban Dân tộc đã khảo sát nhu cầu tại địa phương, tập trung vào các vấn đề mà địa phương quan tâm trên cơ sở đó xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai. Bên cạnh đó, Ban Dân tộc luôn coi trọng việc đổi mới phương pháp tuyên truyền, với đối tượng nào có cách làm đó để đồng bào dễ hiểu, dễ nhớ và tiếp nhận.
Mới đây, tại các xã dân tộc, miền núi của Thủ đô, Ban Dân tộc TP Hà Nội đã tổ chức 10 Hội nghị tuyên truyền, PBGDPL về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ cho gần 3.000 lượt đại biểu tham dự là các đồng chí Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, Trưởng Ban công tác mặt trận, Chi hội Trưởng Chi hội Phụ nữ, Bí thư Chi đoàn Thanh niên, người có uy tín, tuyên truyền viên và người dân.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được báo cáo viên truyền đạt về Luật Bình đẳng giới và văn hóa ứng xử trong gia đình, xã hội. Những thông tin, kiến thức được tiếp thu tại hội nghị giúp các đại biểu nâng cao nhận thức pháp luật, chấp hành tốt hơn chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương.
Phó trưởng Ban Dân tộc Hà Nội Nguyễn Phúc Hải cho biết, các Hội nghị tuyên truyền, PBGDPL đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận với pháp luật, về quyền lợi và nghĩa vụ của công dân, hiểu rõ thêm về quyền lợi và nghĩa vụ của mình đối với Đảng, Nhà nước, nâng cao nhận thức và ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật. Từ đó dần hình thành ý thức tự giác chấp hành pháp luật, góp phần tích cực vào sự phát triển của địa phương.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại