Hà Nội: Nhân rộng mô hình theo chuỗi nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênThời gian qua, các mô hình liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội được đẩy mạnh. Mô hình này đã thực sự mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho doanh nghiệp, người sản xuất, mà người tiêu dùng cũng được hưởng lợi thông qua việc được tiếp cận các nông sản an toàn với giá cả cạnh tranh. |
Hiện nay, toàn TP Hà Nội có 145 chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp đang hoạt động. Trong đó có 52 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc từ sản phẩm chăn nuôi, 93 chuỗi có nguồn gốc từ sản phẩm trồng trọt.
Từ thực tiễn cho thấy đã có nhiều mô hình liên kết điển hình, đem lại hiệu quả kinh tế cao như: Chuỗi gạo chất lượng cao Bảo Minh; chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm gạo chất lượng cao của Hợp tác xã Đoàn Kết; chuỗi gạo hữu cơ và bưởi diễn của Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến; chuỗi thủy sản của Hợp tác xã thủy sản công nghệ cao Đại Áng; chuỗi thịt bò BBB của Công ty Giống gia súc Hà Nội; chuỗi thịt lợn sạch của Công ty TNHH thực phẩm sạch Oganic Ggreen; chuỗi rau của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân; chuỗi rau sạch của Hợp tác xã rau, quả sạch Chúc Sơn.
Mặc dù, TP Hà Nội rất tích cực trong công tác chỉ đạo điều hành và đã tiếp nhận một số dự án, kế hoạch liên kết đề nghị hỗ trợ, tuy nhiên, trên địa bàn cùng còn một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai mô hình. Nguyên nhân được chỉ ra là do đại dịch COVID-19 kéo dài và diễn biến phức tạp đã làm biến động các thị trường nông sản, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, gây ảnh hưởng đến người sản xuất.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, để phát huy những kết quả đã đạt được cũng như khắc phục những tồn tại, khó khăn trong triển khai mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn, trong thời gian tới, TP Hà Nội cần tập trung tăng cường công tác truyền thông quảng bá trên các phương tiện thông tin truyền thông của Trung ương và thành phố về gương điển hình tiên tiến, các mô hình làm tốt để doanh nghiệp, hợp tác xã, người sản xuất, người tiêu thụ và các tầng lớp Nhân dân tham quan, học tập.
Cùng với đó, cần tăng cường ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, các thành tựu của cuộc cách mạng 4.0, công nghệ sinh học, cơ giới hóa, tự động hóa, công nghệ nano, kinh tế tuần hoàn... trong quá trình sản xuất, sơ chế, đóng gói, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nhằm gia tăng giá trị sản xuất.
Đồng thời đẩy mạnh đăng ký và quản lý mã số vùng sản xuất và ứng dụng đồng bộ các công nghệ, kỹ thuật mới để vượt qua rào cản kỹ thuật của các thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng trong nước và xuất khẩu.
Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của hợp tác xã nông nghiệp (hợp tác xã chuyên ngành), để làm đầu mối tiếp nhận ứng dụng kỹ thuật mới và chuyển giao cho các thành viên hợp tác xã. Trong đó, đơn vị chuyển giao ứng dụng khoa học - kỹ thuật, phải xác định là một mắt xích không thể tách rời trong chuỗi liên kết, chịu trách nhiệm cùng hợp tác xã hướng dẫn thành viên trong sản xuất, thu hoạch, chế biến và bảo quản để có sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của đơn vị phân phối tiêu thụ.
Đơn vị phân phối, tiêu thụ sản phẩm làm tốt công tác dự tính, dự báo thị trường tiêu thụ, yêu cầu làm rõ về số lượng, chất lượng, mẫu mã bao bì sản phẩm để làm cơ sở cho đơn vị chuyển giao, hợp tác xã và người sản xuất áp dụng với công nghệ phù hợp và giá thành hợp lý nhất, giúp tăng cường tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Theo ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, việc nông dân chủ động tiếp cận khoa học kỹ thuật và phát triển các mô hình theo chuỗi đã góp phần rất lớn trong quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân.
“Thời gian tới, Chi cục sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các cấp Hội Nông dân để nhân rộng mô hình theo chuỗi nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn”, ông Nguyễn Văn Chí nhấn mạnh.
Bức tranh tươi sáng kinh tế nông thôn - Kỳ cuối: Cố gắng làm nhiều việc tốt nhất cho cộng đồng | |
Chỉ tiêu thuộc tiêu chí tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại