Bức tranh tươi sáng kinh tế nông thôn - Kỳ cuối: Cố gắng làm nhiều việc tốt nhất cho cộng đồng
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênKhông thể cầm lòng trước dân nghèo
Bác sĩ Nguyễn Thế Sáng là cái tên không còn xa lạ đối với người dân ở huyện miền núi Ba Vì, Hà Nội. Ông được nhân dân quanh vùng yêu mến gọi là “thầy thuốc của dân nghèo”. Không chỉ chữa bệnh giỏi, ông còn là nơi gửi gắm niềm tin và lòng mến mộ đặc biệt, xứng danh “lương y như từ mẫu” trong lòng những người bệnh và người dân nơi đây.
Không suôn sẻ bước vào nghề y như nhiều người khác, bác sĩ Nguyễn Thế Sáng đã trải qua rất nhiều khó khăn trước khi được biết đến với danh xưng “thầy thuốc của dân nghèo” như hiện nay. Ngôi nhà giản dị với căn phòng ngập tràn những cuốn sách về ngành y tạo cho người tìm đến với ông càng thêm nể phục và yêu mến. Ông kể lại, cách đây đã nhiều năm, khi xã Tây Đằng quê ông ngay cả đường đi lối lại cũng rất gian truân thì việc chữa bệnh với người dân là hết sức khó khăn.
Lúc đó, bác sĩ Sáng đã rất trăn trở. Cảnh người dân nghèo thiếu ăn, thiếu thuốc khiến ông luôn bị ám ảnh và muốn làm được một điều gì đó để giúp đỡ những con người đang trong cảnh cùng cực. Càng nghĩ đến cảnh người dân bị bệnh phải dùng cáng tự tạo từ những chiếc võng mắc vào cây tre, đặt lên hai chiếc xe đạp để di chuyển, ông Sáng lại càng thấy thương xót.
Những hiện thực trần trụi và nghèo khó ở quê hương đã khiến ông Sáng hạ quyết tâm học tập và thi bằng được vào ngành y. Ông mong muốn có đủ kiến thức, đủ tài năng và tự tin chữa bệnh cho người dân quê mình. Sự quyết tâm càng khiến ông trở nên mạnh mẽ hơn và quyết tâm thi vào ĐH Y đã thành công.
Những năm tháng học tập, ông Sáng không ngừng miệt mài đèn sách, chăm chỉ, mày mò học thêm từ các thầy cô, từ bạn bè và tích cực trong thực hành để có thể “quen tay, quen mắt”. Đúng với ý nguyện của mình, ra trường, ông Sáng đã xin vào công tác tại Trung tâm Y tế huyện Ba Vì và được giao điều hành Phòng khám Tây Đằng.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, những quyết tâm ngày nào, những tâm niệm từ thời còn đi học đã theo ông trong suốt 25 năm gắn bó với công việc. Sự đam mê và lòng yêu nghề, yêu bệnh nhân đã mang lại cho ông Sáng những kỷ niệm không bao giờ quên trong suốt cuộc đời. Ông chia sẻ, đã lựa chọn ngành y thì cần đam mê và lòng yêu thương con người từ trái tim mình. Những cái đó phải được thể hiện qua hành động cụ thể, bằng niềm vui và nụ cười, sự khỏe mạnh của người bệnh chứ không chỉ là những câu nói suông, những sự hô hào.
Nhiều người bệnh tìm đến ông Sáng chữa bệnh rồi coi ông như người cha, người chú ruột, người thầy của mình. Ông Sáng không chỉ vì mục đích sức khỏe mà còn chữa bệnh bằng cái tâm của một lương y thực thụ. Không chỉ chữa bệnh, vị bác sĩ còn tích cực kêu gọi sự hợp tác của những cộng sự là các giáo sư, bác sĩ đầu ngành nên ngày càng được tin tưởng và uy tín. Ông cũng tích cực trong việc truyền dạy kiến thức y học cho thế hệ trẻ yêu mến ngành y. Với ông, yêu nghề, đam mê với nghề là phải đào tạo được thế hệ kế cận mình thật giỏi, thật xuất sắc với cái tâm của một lương y thực thụ. Ông mong muốn thế hệ tiếp theo cũng sẽ sống và yêu nghề như ông đã làm, lấy cứu giúp bệnh nhân làm trọng và không màng đến những vật chất tầm thường.
Từng được sự chăm sóc tận tình của bác sĩ Sáng, bà Nguyễn Thị Lợi (60 tuổi) ở xã Minh Châu (Ba Vì), xúc động nói: "Trước đây mỗi lần đi khám bệnh vất vả lắm vì sự quá tải ở các BV công trong khu vực. Bây giờ, y học phát triển, bác sĩ đông, nhiều người lại có tâm như bác sĩ Sáng nên chúng tôi rất yên tâm. Bà Lợi ở “xã đảo” Minh Châu, một địa phương có địa hình cách trở, nằm giữa sông Hồng nên việc khám, chữa bệnh của đồng bào nơi đây gặp nhiều khó khăn khi phải qua sông, qua đò. Bà Lợi cho biết: Ở Xóm 3 nơi bà đang sinh sống hầu hết các hộ dân nghèo đều lựa chọn bác sĩ Sáng để chữa bệnh.
Các bệnh nhân của bác sĩ Sáng cho biết, hàng tháng có hàng chục trường hợp được phòng khám giúp đỡ tiền khám, chữa bệnh. Trong tháng 7-2015, phòng khám đã tài trợ cho 15 bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn được khám, chữa bệnh miễn phí hoặc hỗ trợ một phần. Chia sẻ về những việc làm đầy tình người này, bác sĩ Nguyễn Thế Sáng khiêm tốn nói: “Mỗi bệnh nhân đến đây, tôi luôn coi họ như người nhà, vì thế ai gặp khó khăn chúng tôi luôn hết sức giúp đỡ, có thể đó chỉ là một số xét nghiệm chẩn đoán bệnh hoặc một chuyến xe miễn phí khi chuyển viện... Chúng tôi làm những việc nhỏ này mong bệnh nhân được ấm lòng hơn trong lúc họ đang bị đau ốm”.
Một câu cửa miệng bác sĩ Sáng luôn nói với đội ngũ cán bộ ở phòng khám, đó là “Sức khỏe tạo hạnh phúc, nhân ái tạo niềm tin”. Vì thế, từng việc làm, từng hành động nhỏ như khi kê đơn thuốc, ông trực tiếp hoặc dặn dò đồng nghiệp kê loại thuốc phù hợp túi tiền của bệnh nhân nhưng mang lại hiệu quả cao.
Sức khỏe tạo hạnh phúc, nhân ái tạo niềm tin
Bác sĩ Sáng không chỉ được biết đến là thầy thuốc giỏi mà còn là một doanh nhân thành đạt. Ông đã có công trình đầu tư làm nhà máy nước sạch để góp phần phục vụ người dân.
Được biết, huyện Ba Vì có 30 xã và một thị trấn. Hệ thống cấp nước sạch sinh hoạt trên địa bàn huyện hiện có Trạm cấp nước xã Ba Trại quy mô 700m3/ngày đêm, khai thác nguồn nước giếng khoan, cấp cho 665 hộ dân trên địa bàn xã Ba Trại. Trạm cấp nước Gia Khánh với quy mô 700m3/ngày đêm, nguồn nước giếng khoan, cấp nước cho khoảng 650 hộ dân thôn Tân Phú Mỹ (xã Vật Lại) và thôn Minh Nghĩa (xã Thái Hòa). Mới đây nhất là nhà máy nước liên xã Phong Vân - Cổ Đô vừa được đưa vào sử dụng, công suất 2.800m3/ngày đêm, khai thác nguồn nước mặt sông Đà, cấp nước sạch cho các hộ dân xã Phong Vân và Cổ Đô.
Ngoài ra, hệ thống cấp nước của Cty Cấp nước Sơn Tây (thị xã Sơn Tây) cũng đang cấp nước cho khoảng 2.200 hộ dân ở thị trấn Tây Đằng, xã Đông Quang và xã Chu Minh. Số hộ dân còn lại trên địa bàn huyện chủ yếu sử dụng nguồn nước suối tự chảy, nước giếng khơi, giếng khoan, nước mưa… Thực tế cho thấy, số hộ dân được sử dụng nước sạch sinh hoạt đạt quy chuẩn quốc gia trên địa bàn huyện Ba Vì rất thấp.
Trước nhu cầu ngày càng cấp thiết của người dân về nước sạch, tháng 4-2016 UBND TP Hà Nội đã ký quyết định cho phép Cty Cổ phần Quảng Tây đầu tư xây dựng nhà máy và hệ thông cấp nước sạch nông thôn Ba Vì. Tổng vốn dự án được duyệt là 196 tỷ 400 triệu đồng.
Ông Sáng cho biết, UBND huyện Ba Vì và UBND TP Hà Nội đã tạo cơ chế đặc thù cho những dự án không sử dụng nguồn vốn ngân sách, cụ thể như các chính sách ưu tiên về đất đai, tuyên truyền nhân dân… vì thế dự án triển khai rất thuận lợi. Do đó, qua 1 năm thực hiện, đến nay dự án đã hoàn thành xong 95% số lượng công việc. “Việc lắp đặt máy móc thiết bị đã xong, hiện đang tiến hành đổ đất làm nền và súc rửa đường ống. Chậm nhất là cuối tháng 6 này, nhà máy sẽ cung cấp nước cho xã Phú Đông, Thái Hòa và một số xã vùng lân cận”, ông Nguyễn Thế Sáng cho hay.
Không phải không nhìn thấy được cái khó khi quyết tâm đầu tư tiền của vào nhà máy nước ở vùng nông thôn Ba Vì, nhưng khi đã quyết tâm làm, bác sĩ Sáng luôn làm vì cái tâm giống như khi làm một bác sĩ. Ông cũng tâm niệm, đã là bác sĩ tốt, nếu không có nước chuẩn cho người dân là một tội lỗi lớn. Bởi thế, dù là kinh doanh, ông Sáng cũng luôn đặt mục tiêu đưa đến dịch vụ tốt nhất cho người dân khi được sử dụng.
Ông Sáng cũng khẳng định, địa bàn Ba Vì rộng lớn, phức tạp, dân lại phân bố rải rác. Hệ thống đường ống ngầm dài, ví dụ như xã Cẩm Lĩnh đường ống dài 40km nhưng chỉ cấp nước được cho 1.500 hộ dân. Việc thu hồi vốn Cty chưa dám kì vọng. Nhưng Cty CP Quảng Tây may mắn là nguồn vốn huy động được không phải chịu lãi nên áp lực về mặt tài chính đối với Cty không lớn. Ngoài ra Cty sẽ có những chính sách ưu đãi đối với các đối tượng chính sách như hộ nghèo. Ví dụ như việc lắp đồng hồ nước, giá thị trường có thể lắp 3,2 – 3,6 triệu/đồng hồ nhưng Cty chỉ lắp 2,2 triệu/đồng hồ, thậm chí hộ nghèo quá chỉ thu 1,5 triệu/đồng hồ.
Khánh Phong – Hồng Giang / PL&XH
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại