Thứ sáu 22/11/2024 19:13

Hà Nội: Hỗ trợ xây dựng các mô hình cây dược liệu gắn với tiêu thụ sản phẩm

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Lê Lưu Cầu cho biết, mô hình sản xuất cây dược liệu gắn với tiêu thụ sản phẩm thời gian qua trên địa bàn TP Hà Nội cho hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với vùng đất ở các địa phương mà Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ xây dựng mô hình…
Mô hình trồng giống cúc chi tại thị xã Sơn Tây. Ảnh: P. Thanh
Mô hình trồng giống cúc chi tại thị xã Sơn Tây. Ảnh: P. Thanh

Theo Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, TP Hà Nội là địa phương có nguồn tài nguyên cây dược liệu phong phú, đa dạng. Đến nay, Hà Nội có khoảng 213 ha diện tích trồng cây dược liệu nằm rải rác ở một số địa phương như Ba Vì, Sơn Tây, Sóc Sơn, Thạch Thất... Các chủng loại cây dược liệu tương đối đa dạng gồm Cà gai leo, kim ngân hoa, đinh lăng, chè hoa vàng, hoa nhài.

Để phát triển cây dược liệu theo hướng đi bền vững, ổn định, góp phần xóa đói giảm nghèo, từ năm 2020, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã xây dựng mô hình sản xuất cây dược liệu gắn với tiêu thụ sản phẩm, quy mô 14 ha trên các loại cây như kim ngân hoa, đinh lăng, diệp hạ châu tại các huyện Sóc Sơn, Mỹ Đức, Ba Vì.

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Lê Lưu Cầu cho biết, trong năm 2023, nhằm mở rộng diện tích trồng cây dược liệu trên địa bàn TP, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị sản xuất cho người nông dân, Trung tâm tiếp tục xây dựng mô hình sản xuất cây dược liệu gắn với tiêu thụ sản phẩm (cây cúc chi) tại HTX nông nghiệp công nghệ cao Phúc Lâm (xã Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây) với quy mô 3 ha.

“HTX tham gia mô hình được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ 50% cây giống với định mức 400.000 cây/ha; hỗ trợ 50% khối lượng vật tư, phân bón” – ông Lê Lưu Cầu cho hay.

Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Phúc Lâm Uông Thị Tuyết Nhung chia sẻ, giống cúc được đưa vào trồng là cúc chi ta, bông nhỏ. Qua theo dõi cho thấy cây sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, canh tác tại địa phương.

Do thời tiết vụ đông 2023 tương đối thuận lợi cho cây hoa cúc chi sinh trưởng và phát triển tốt, ít sâu bệnh, phù hợp với điện kiện canh tác của địa phương. Vì vậy, dự kiến năng suất sẽ đạt 8,5 tấn hoa tươi/ha, tương đương 1,2 tấn hoa khô/ha, với giá bán 600 triệu đồng/1 tấn hoa khô, trừ chi phí cho lợi nhuận khoảng 225 triệu đồng/ha (trong thời gian 4 tháng).

Theo ông Lê Lưu Cầu, mô hình sản xuất cây dược liệu gắn với tiêu thụ sản phẩm thời gian qua trên địa bàn TP cho hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với vùng đất ở các địa phương mà Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ xây dựng mô hình. Các mô hình đã tạo chuỗi liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ và chế biến cây dược liệu nhằm chuyển đổi diện tích trồng kém hiệu quả sang cây dược liệu, góp phần khai thác lợi thế địa hình của địa phương từ đó dần hình thành vùng sản xuất cây dược liệu tập trung, chuyên canh mang lại thu nhập cao cho người nông dân.

“Trong thời gian tới Trung tâm Khuyến nông sẽ tiếp tục tham mưu cho Sở NN&PTNT tiếp tục quan tâm hỗ trợ xây dựng các mô hình cây dược liệu gắn với tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời hỗ trợ hình thành các vùng chuyên canh tập trung để trồng cây dược liệu đạt tiêu chuẩn GACP-WHO tại các vùng có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp với quy mô đạt 400ha vào năm 2025 và 1.000ha vào năm 2030” – ông Lê Lưu Cầu cho hay.

Nông nghiệp Thủ đô hướng đến vì sự an toàn của người tiêu dùng
Đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, theo hướng sinh thái, hiện đại
Hà Nội: Tạo sức bật mạnh mẽ chuyển đổi số trong nông nghiệp
Minh Phong
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động