Đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, theo hướng sinh thái, hiện đại
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênLễ hội Thiết kế sáng tạo 2023, tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm, với những sản phẩm được làm từ các vật liệu tự nhiên như tre, trúc… Ảnh: Khánh Huy |
Các giải pháp thúc đẩy và chuyển giao công nghệ
Nhằm thực hiện mục tiêu: Xây dựng nông thôn mới, xanh, hiện đại, gắn với phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch làng nghề giàu bản sắc văn hóa đặc trưng của Thủ đô; dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã đề ra các giải pháp nổi trội, đặc thù về nông nghiệp, nông thôn, nông dân được quy định tập trung tại Điều 33 và nhiều điều, khoản khác.
Thứ nhất là các giải pháp hỗ trợ thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, tập trung vào công nghệ sản xuất giống cây, con đặc sản bản địa có giá trị cao; công nghệ sản xuất, bảo quản, chế biến sâu và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi tuần hoàn, tạo thành chuỗi giá trị nông sản chủ lực của Thủ đô, mở rộng và phát triển thị trường công nghệ nông nghiệp (Điều 33, khoản 2, điểm a,b,c); xác định công nghệ sinh học, công nghệ môi trường, giảm phát thải các-bon, ứng phó với biến đổi khí hậu là lĩnh vực KHCN trọng điểm của TP (Điều 25, khoản 1) để được hưởng ưu đãi vượt trội; phát triển các Khu công nghệ cao bao gồm cả khu nông nghiệp ứng dụng cao của Thủ đô, qua đó thu hút, hỗ trợ DN tham gia hoạt động ươm tạo, đổi mới công nghệ cao trong nông nghiệp (Điều 26, khoản 1).
Thứ hai, giải pháp hỗ trợ phát triển các mô hình kinh tế nông thôn (các HTX kiểu mới, kinh tế trang trại, gia trại...) liên kết với phát triển du lịch nông nghiệp sinh thái gắn với tiêu thụ sản phẩm làng nghề, làng có nghề giàu bản sắc văn hoá Thủ đô (Điều 33, khoản 2, điểm d, đ, g); hỗ trợ cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, DN thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp, thực hiện việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trong khu dân cư, làng nghề, làng có nghề ở nông thôn (Điều 29, khoản 4, điểm c).
Thứ ba, các giải pháp thu hút, khai thác, phát huy các nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân như: Ưu đãi đầu tư thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vào các dự án sử dụng công nghệ cao, tiên tiến trong lĩnh vực môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, xử lý chất thải, nước thải; dự án phát triển làng nghề truyền thống (Điều 45, khoản e); ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược cho các dự án khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dự án nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ sinh học (Điều 44, khoản1, điểm c); trong liên kết Vùng Thủ đô ưu tiên phát triển nông nghiệp sinh thái theo chuỗi giá trị; quản lý và bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu (Điều 49, khoản 1, 6).
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Theo PGS.TS. Ngô Thị Phương Thảo và nhóm nghiên cứu Khoa Bất động sản và Kinh tế tài nguyên (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân), phát triển nông nghiệp công nghệ cao được xác định là một trong 6 giải pháp quan trọng cho phát triển sản xuất nông nghiệp của TP Hà Nội đã được cụ thể hóa tại Chương trình 02-CTr/TU về “Đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và hội nhập quốc tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững giai đoạn 2021 - 2025”.
Mô hình trồng rau công nghệ cao tại xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn. Ảnh: Phạm Hùng |
Bên cạnh đó, thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025”, TP Hà Nội đã có nhiều giải pháp khuyến khích các hợp tác xã, DN đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, tạo nguồn lực phát triển nền nông nghiệp đô thị theo hướng sinh thái, hiện đại.
Tuy nhiên, dù là một trong những địa phương tiên phong của cả nước về phát triển nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao, nhưng đến nay, TP mới chỉ có 1 DN được công nhận là DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Về mô hình ứng dụng đồng bộ công nghệ cao trong sản xuất rất ít, mới chỉ có 2 mô hình sản xuất rau (tại Thanh Trì và Đan Phượng); 2 mô hình sản xuất hoa (tại Đan Phượng và Chương Mỹ), 1 mô hình sản xuất lúa (Thanh Trì); 1 cơ sở sản xuất giống thủy sản và 17 cơ sở nuôi trồng thủy sản.
Trên toàn TP mới chỉ có 50,15ha sản xuất rau, hoa và 20ha nuôi trồng thủy sản ứng dụng các công nghệ thuộc Danh mục công nghệ cao vào sản xuất, còn lại là các cơ sở ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và các sản phẩm của công nghệ cao vào sản xuất.
Ứng dụng công nghệ cao theo hướng xây dựng 3 vành đai, 4 khu vực
PGS.TS. Ngô Thị Phương Thảo cho rằng, nhằm đáp ứng nhu cầu thực phẩm tươi sống, tạo không gian xanh và địa điểm vui chơi cho người dân Thủ đô, quy hoạch phát triển nông nghiệp cần tiếp tục thiết lập không gian phát triển nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao cho TP theo hướng xây dựng 3 vàng đai, 4 khu vực. Phát triển 3 vành đai nông nghiệp xác định theo khoảng cách như sau: Vành đai nông nghiệp nội đô có bán kính dưới 10km; vành đai nông nghiệp ven đô có bán kính từ 10 - 20km; vành đai nông nghiệp xa đô thị có bán kính từ 20 - 50km.
Bốn khu vực phát triển nông nghiệp của TP bao gồm: Khu vực 1, vùng nội đô lịch sử, xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp đô thị nhằm tạo không gian xanh, tạo cảnh quan môi trường sinh thái và tận dụng giải quyết một phần rác hữu cơ trong đô thị.
Khu vực 2, vùng đô thị mở rộng gồm diện tích trong vành đai 4 bao gồm cả 5 huyện đang thực hiện đề án phát triển lên quận, các huyện định hướng phát triển theo mô hình TP trong TP và phạm vi vùng ven thuộc các huyện tương lai chuyển đổi mạnh sang đô thị, nông nghiệp khu vực này tập trung khai thác hiệu quả quỹ đất để ứng dụng các mô hình sản xuất phù hợp, xây dựng mô hình nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, tạo hành lang xanh cải thiện môi trường sống, phát triển các diện tích cây trồng tập trung, mặt nước, sát kề đô thị tạo cảnh quan môi trường sinh thái ứng phó thiên tai, dự trữ tài nguyên nước...
Khu vực 3, vùng phạm vi quy hoạch 5 đô thị vệ tinh và các vùng phụ cận, định hướng phát triển sản xuất gắn với bảo tồn, phát huy giá trị làng cổ, làng nghề, gắn với du lịch giáo dục, trải nghiệm.
Khu vực 4, vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm gồm các vùng còn lại như: Ba Vì, Phúc Thọ, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Quốc Oai, Thạch Thất..., quy hoạch thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ gắn với phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa nông sản trong vùng đồng bằng sông Hồng; kết hợp chặt chẽ giữa nông nghiệp với công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ, bảo quản, chế biến.
Tùy theo từng vùng, các địa phương áp dụng các mô hình phát triển phù hợp; đa dạng loại hình sản xuất, kết hợp đa lĩnh vực du lịch, sinh thái, giáo dục, bảo vệ môi trường, nhất là chú trọng hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Cùng với đó, cơ sở hạ tầng đóng vai trò rất quan trọng đối với đô thị ứng dụng công nghệ cao và chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng sinh thái. Đối với Hà Nội, sự phát triển của kết cấu hạ tầng phục vụ chuyển dịch cơ cấu theo hướng nông nghiệp sinh thái còn thiếu đồng bộ và thấp so với yêu cầu của một vùng kinh tế đặc thù. Hệ thống thủy lợi chưa đảm bảo tưới tiêu chủ động và sạch cho các vùng sinh thái trọng điểm.
Giao thông nội đồng chưa đáp ứng yêu cầu đi lại dễ dàng đến từng vùng sản xuất để kết hợp phát triển dịch vụ - du lịch sinh thái. Hệ thống đường sá và cơ sở hạ tầng cho phát triển du lịch nghỉ ngơi cuối tuần ở các điểm sinh thái đang còn thô sơ và lạc hậu.
Các hệ thống này tuy đã được đầu tư và cải thiện nhưng vẫn chưa đủ sức đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp sinh thái và đang phải chịu tác động thường xuyên của đô thị hóa làm phá vỡ kết cấu truyền thống và giảm chức năng phục vụ. Trong những năm tới, nếu khoa học công nghệ là then chốt thì việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống hạ tầng nông thôn là việc làm cấp bách, nền tảng cho chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng sinh thái.
Để tạo động lực phát triển ứng dụng công nghệ cao, TP quy hoạch các khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong các quy hoạch, bảo đảm quỹ đất ổn định để thu hút các DN đầu tư vào nông nghiệp, dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại