Thứ sáu 22/11/2024 11:03

Hà Nội: Đẩy mạnh khâu tiêu thụ các sản phẩm từ chăn nuôi

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục tham mưu cho TP hoàn thiện cơ chế, chính sách, phát triển các chuỗi cung ứng sản phẩm chăn nuôi bảo đảm an toàn chất lượng, phát triển chuỗi giá trị ngành hàng...
Tiếp tục hỗ trợ, nâng cấp chuỗi cung ứng sản phẩm chăn nuôi an toàn thành chuỗi giá trị bền vững theo chuẩn quốc tế.
Hà Nội tiếp tục hỗ trợ, nâng cấp chuỗi cung ứng sản phẩm chăn nuôi an toàn thành chuỗi giá trị bền vững theo chuẩn quốc tế.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, đến thời điểm tháng 2/2023, tổng đàn trâu trên địa bàn có 28,7 nghìn con, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò 128,4 nghìn con, giảm 0,1%; đàn lợn 1,4 triệu con, tăng 3,7%; đàn gia cầm 38,7 triệu con, tăng 0,5% (đàn gà 26,2 triệu con, tăng 0,6%).

Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng 2 tháng đầu năm 2023 đạt 343 tấn, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước; thịt bò 1,9 nghìn tấn, tăng 0,5%; thịt lợn 40,6 nghìn tấn, tăng 5,7%; thịt gia cầm 27,3 nghìn tấn, giảm 0,4%; trứng gia cầm 464 triệu quả, tăng 4,3%.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, Nguyễn Đình Đảng cho biết, ngành chăn nuôi Hà Nội hướng đến các mô hình chăn nuôi lớn, an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ cao, đồng thời đang từng bước tiến tới quy hoạch chăn nuôi gắn với giết mổ, sơ chế, chế biến nhằm phát triển các chuỗi và cung cấp thực phẩm an toàn cho người dân Thủ đô.

Theo ông Nguyễn Đình Đảng, đến nay, TP đã quy hoạch các vùng chuyên canh, tập trung và trang trại quy mô lớn, với 162 xã chăn nuôi trọng điểm. Nhu cầu tiêu dùng thịt lợn của TP khoảng 19.300 tấn/tháng, khả năng đáp ứng 13.700 tấn/tháng (đạt 71%); thịt trâu, bò nhu cầu khoảng 5.370 tấn/tháng, đáp ứng được 1.000 tấn/tháng (đạt 18,6%); thịt gia cầm nhu cầu của thành phố khoảng 6.400 tấn/tháng, nhưng Hà Nội đã sản xuất được 13.500 tấn/tháng...

“Lượng sản phẩm chăn nuôi còn thiếu được cung ứng bởi các kênh phân phối, doanh nghiệp, siêu thị đóng trên địa bàn Hà Nội khai thác từ các tỉnh, TP và một phần nhập khẩu. Ngoài ra, Hà Nội duy trì và phát triển 53 chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi” - ông Nguyễn Đình Đảng cho biết.

Ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội chăn nuôi Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp cần đi đầu trong đầu tư cơ sở vật chất để mở rộng các mô hình quản lý toàn diện chất thải chăn nuôi trên quy mô lớn; hệ thống thu gom, xử lý, chế biến; tạo kênh tiêu thụ sản phẩm được chế biến từ chất thải nông nghiệp. Đặc biệt, người nông dân là đối tác quan trọng trong mô hình này, do đó cần được nâng cao nhận thức, trang bị thêm các kiến thức không chỉ về sản xuất mà còn về sơ chế, chế biến tiêu thụ sản phẩm để chăn nuôi phát triển bền vững và bảo vệ môi trường

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục tham mưu cho TP hoàn thiện cơ chế, chính sách, phát triển các chuỗi cung ứng sản phẩm chăn nuôi bảo đảm an toàn chất lượng, phát triển chuỗi giá trị ngành hàng. Cùng với đó tăng cường công tác phối hợp trao đổi thông tin giữa khối công và khối tư trên địa bàn thành phố, nhất là các đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động theo chuỗi nhằm thúc đẩy hợp tác, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.

Ông Tạ Văn Tường cho biết, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với các tỉnh, TP tuyên truyền về công tác phát triển chăn nuôi, xúc tiến thương mại, kết nối, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi an toàn. Tăng cường công tác kiểm dịch động vật liên tỉnh, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, phát triển sản xuất chăn nuôi theo hướng ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi hữu cơ, quản lý vật tư chăn nuôi (giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y.

Tiếp tục hỗ trợ, nâng cấp chuỗi cung ứng sản phẩm chăn nuôi an toàn thành chuỗi giá trị bền vững theo chuẩn quốc tế. Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất trong bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, kết nối giao thương tiêu thụ sản phẩm chủ lực của ngành chăn nuôi.

Chia sẻ tại Hội nghị thúc đẩy hợp tác công tư trong công tác tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ngành chăn nuôi do Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức mới đây, bà Nguyễn Thị Hoa - Phó Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương) cho biết, Sở Công Thương sẽ phối hợp với các địa phương tiếp tục mở các điểm bán sản phẩm đạt Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, trong đó có chăn nuôi để đẩy mạnh khâu tiêu thụ. Đồng thời, hướng dẫn các hộ sản xuất liên kết với doanh nghiệp để đưa sản phẩm chăn nuôi vào kênh phân phối hiện đại.
Hà Nội tìm đầu ra cho các sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP Hà Nội tìm đầu ra cho các sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP
Hà Nội: Tập trung tư duy chiến lược phát triển chăn nuôi Hà Nội: Tập trung tư duy chiến lược phát triển chăn nuôi
Hà Nội: Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp chế biến sản phẩm nông sản Hà Nội: Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp chế biến sản phẩm nông sản
Minh Phong
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động