Hà Nội tìm đầu ra cho các sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu về số lượng sản phẩm OCOP |
Xúc tiến tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP
Theo nhận định của nhiều DN lĩnh vực nông sản, kinh doanh online với nông sản vẫn là hướng đi đầy tiềm năng nhưng còn nhiều rào cản từ hệ thống nền tảng, thiết bị, hệ thống kết nối internet cũng như các dịch vụ hậu cần từ vận chuyển, kho bãi, lưu thông hàng hóa cho tới xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường, phân phối.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, kinh doanh nông sản online càng trở nên nóng bỏng và được quan tâm hơn bao giờ hết. Đây được coi là giải pháp mới, cách đi mới cho đầu ra của nông sản. Tuy nhiên, làm thế nào để kinh doanh nông sản online hiệu quả, chuyên nghiệp thì rất cần sự vận dụng kinh nghiệm từ chuỗi kinh doanh truyền thống kết hợp với ứng dụng công nghệ để phát triển thành giải pháp kinh doanh nông sản online theo chuỗi.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó GĐ Sở NN&PTNT Hà Nội chia sẻ, hiện nay, nguồn cung của hầu hết các sản phẩm nông sản trên địa bàn TP chưa đáp ứng đủ so với nhu cầu tiêu dùng của trên 10 triệu dân. Hoạt động sản xuất nông nghiệp mới cơ bản đáp ứng nhu cầu các sản phẩm thịt lợn, thịt gia cầm, trứng. Một số sản phẩm khác như gạo mới đáp ứng được 60%, thịt bò đáp ứng 20%, thực phẩm chế biến 19%, rau củ quả 58%, trái cây 29%, thủy sản 53% so với nhu cầu.
Theo dự tính, từ nay đến Tết Nguyên đán, nhu cầu thực phẩm của TP tăng từ 10-20%. Ngoài lượng nông sản thực phẩm do TP tự sản xuất, cần một lượng lớn sản phẩm nhập từ các tỉnh, dự kiến trên 110.000 tấn gạo; 130.000 tấn rau, củ; 112.000 tấn trái cây, 28.000 tấn thủy sản; hơn 12.000 tấn thịt bò; hơn 12.000 tấn thực phẩm chế biến...
Do đó, trong khuôn khổ AgroViet online 2021 - “Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ nông đặc sản trong tình hình mới” tổ chức gần đây, ông Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị các tỉnh, TP xác định các sản phẩm chủ lực, OCOP, tập trung nâng cao chất lượng, ATTP, nâng cấp thành chuỗi giá trị bền vững theo tiêu chuẩn để cung cấp cho thị trường Hà Nội.
Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị, tích cực đồng hành, hỗ trợ sản phẩm nông sản của các tỉnh, thành trong cả nước đi vào các kênh phân phối, tiêu thụ của Hà Nội nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô...
Từng bước khôi phục sản xuất, kinh doanh
Trong thời gian này, nhằm đảm bảo từng bước khôi phục sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới sau thời gian giãn cách xã hội, đảm bảo cung ứng hàng hóa chất lượng cao cho người dân Thủ đô và tạo điểm nhấn kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm, các cơ quan chức năng TP Hà Nội đã và đang tổ chức nhiều hội chợ, tuần hàng có ý nghĩa.
Cụ thể, từ ngày 10 đến 14-12, tại siêu thị MM Mega Market Hà Đông, Sở Công thương Hà Nội tổ chức Tuần hàng Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Quảng Ninh và Trái cây, nông sản các tỉnh, TP tại Hà Nội năm 2021. Với quy mô 60 gian hàng của 15 tỉnh, TP, Tuần hàng mang đến người tiêu dùng Thủ đô những sản phẩm tiêu biểu, đặc sản các địa phương.
Trước đó, giữa tháng 11, Sở Công thương Hà Nội phối hợp với UBND quận Đống Đa và UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức khai trương 2 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn 2 quận này.
Cũng trong dịp này, Hội chợ Xúc tiến thương mại nông nghiệp, sản phẩm OCOP TP Hà Nội năm 2021 cũng được Trung tâm Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA) phối hợp với Tập đoàn AEON Việt Nam tổ chức.
Hội chợ năm nay được tổ chức hai kỳ, tại hai địa điểm. Kỳ thứ nhất, diễn ra tại Trung tâm thương mại AEON MALL Long Biên từ ngày 9 đến 12-12, với quy mô 50 gian hàng. Kỳ thứ hai, diễn ra tại Tại Trung tâm thương mại AEON MALL Hà Đông từ ngày 16 đến 19-12 với quy mô 66 gian hàng.
Theo đánh giá, Hội chợ Xúc tiến thương mại nông nghiệp, sản phẩm OCOP Hà Nội 2021 thực sự là chương trình xúc tiến thương mại quan trọng, một chương trình quảng bá thương hiệu, giao thương hợp tác kinh doanh có hiệu quả, khẳng định sự hợp tác chặt chẽ giữa TP Hà Nội và đơn vị tổ chức trong việc hỗ trợ nhà cung cấp địa phương giới thiệu những sản phẩm chất lượng đến người tiêu dùng.
Đồng thời mở ra cầu nối cho các DN trong nước tăng cường các hoạt động giao thương, kết nối với hệ thống phân phối của AEON tại Việt Nam và trên toàn cầu, từ đó góp phần phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Bà Trần Thị Phương Lan - Quyền GĐ Sở Công thương Hà Nội cho biết, đến nay, Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu về số lượng sản phẩm OCOP, với trên 1.054 sản phẩm của 255 DN, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh đã được đánh giá và phân hạng, là những sản phẩm chất lượng, giá cả phù hợp đến với người tiêu dùng. Hà Nội cũng đã phát triển 35 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, nhằm hỗ trợ kết nối tiêu thụ và quảng bá sản phẩm OCOP của Hà Nội và các tỉnh, TP trên địa bàn Thủ đô;
Trong thời gian tới, Sở Công thương sẽ xây dựng kế hoạch, tiếp tục chủ trì, phối hợp với các quận, huyện, thị xã phát triển thêm các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các tỉnh, TP trong cả nước đưa các sản phẩm OCOP của các tỉnh, TP giới thiệu đến người tiêu dùng Thủ đô tại các điểm này.
Đến nay, Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu cả về số lượng sản phẩm OCOP, với trên 1.054 sản phẩm của 255 DN, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh đã được đánh giá và phân hạng, là những sản phẩm chất lượng, giá cả phù hợp đến với người tiêu dùng. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại