Giúp giảm thiểu xung đột giữa các dòng phương tiện
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHầm chui Trung Hòa nổi tiếng là con đường đẹp với những bức tường lá rủ xanh mướt, dịu mát |
Hiệu quả từ 4 hầm chui
Sau khoảng 3 năm thi công, Kim Liên - Xã Đàn là hầm chui đầu tiên của Hà Nội, được khởi công từ năm 2006 với tổng mức đầu tư 467 tỷ đồng, đi vào hoạt động năm 2009. Vào thời điểm xây dựng, công trình được xem là đường hầm hiện đại nhất Đông Nam Á.
Hầm được xây dựng tại nút giao thông Kim Liên, là hạng mục giao thông quan trọng của Hà Nội, nối đường Đại Cồ Việt với đường Xã Đàn. Công trình có chiều dài 644 m, chiều rộng 18,5 m, chiều cao thông xe trong hầm 4,7 m. Công trình đã giúp cải thiện tình trạng ùn tắc tại khu vực Đại Cồ Việt - Xã Đàn.
Sau hầm chui đầu tiên này, phải đến tháng 1/2016, Hà Nội mới có thêm 2 hầm chui được hoàn thành. Đó là hầm chui Trung Hòa nằm tại nút giao Trung Hòa - nút giao thông quan trọng giao cắt giữa đường Vành đai 3 với điểm đầu Đại lộ Thăng Long, đường Trần Duy Hưng (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) và hầm chui Thanh Xuân.
Công trình được khởi công từ đầu năm 2015 với tổng mức đầu tư 1.087 tỷ đồng, giúp kết nối đường Trần Duy Hưng với Đại lộ Thăng Long. Mỗi ống hầm có 3 làn xe cơ giới, chiều rộng 3,5 m/làn. Chiều dài phần hầm kín, hầm hở và đường dẫn vào hầm khoảng 691,8 m (trong đó hầm kín dài 120 m, hầm hở dài 488 m, đường dẫn vào hầm dài 83,8 m). Hầm chui nút giao Trung Hòa là tiểu dự án thuộc dự án xây dựng đường Vành đai 3 Hà Nội - Giai đoạn 2 đoạn Mai Dịch - Bắc hồ Linh Đàm.
Hầm chui Thanh Xuân qua nút giao thông Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi có chiều dài 980 m, được khởi công từ tháng 6/2014 từ kinh phí hơn 500 tỷ đồng vốn ODA Nhật Bản. Hầm có tổng mức đầu tư 551 tỷ đồng, mỗi hầm có 2 làn xe cơ giới vận tốc thiết kế 60 km/h. Chiều dài của phần hầm kín là 109 m, hầm hở chữ U 280 m và tường chắn chữ L 325 m. Vốn là điểm giao cắt phức tạp giữa QL 6, đường vành đai 3 giai đoạn 1, giai đoạn 2 và tuyến đường sắt trên cao, hầm chui Thanh Xuân giúp hóa giải tình trạng ùn tắc tại đây.
Với hầm chui Trung Hòa và các công trình đường sắt trên cao, cầu cạn, nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi trở thành nút giao đầu tiên có 4 tầng giao thông ở Hà Nội.
Cả hai hầm chui này đều nằm trên trục đường Vành đai 3 - nơi có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông rất lớn, thường xuyên xảy ra ùn tắc. Vốn là điểm giao cắt phức tạp giữa đường Nguyễn Trãi, đường Vành đai 3 và tuyến đường sắt trên cao, hầm chui Thanh Xuân giúp giải quyết đáng kể tình trạng ùn tắc tại đây.
Đúng vào dịp kỷ niệm 68 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2022), TP Hà Nội khánh thành hầm chui thứ tư tại nút giao Lê Văn Lương - Vành đai 3. Cùng với hầm chui Trung Hòa và Thanh Xuân, hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3 đã phát huy vai trò vô cùng quan trọng, khắc phục ùn tắc giao thông cho các tuyến đường hướng tâm trọng yếu khu vực cửa ngõ phía Tây và Tây Nam Thủ đô. Đây đều là các dự án giao thông trọng điểm, được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết “bài toán” ùn tắc giao thông, từng bước hoàn chỉnh quy hoạch giao thông vận tải, phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng đa phương thức.
Tạo tiền đề cho các công trình giao thông trọng điểm
Từ hiệu quả của 4 hầm chui đã hoàn thành và đưa vào khai thác, tháng 10/2022, Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội đã khởi công dự án xây dựng hầm chui Vành đai 2,5 với đường Giải Phóng. Điểm đầu của hầm chui kết nối với dự án đường Vành đai 2,5 đoạn Đầm Hồng - QL 1A, cách điểm giao cắt với QL 1A khoảng 460m; điểm cuối kết nối với đường Kim Đồng hiện hữu. Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành vào năm 2025 mang đến rất nhiều kỳ vọng trong giải quyết bài toán ùn tắc, cải thiện diện mạo đô thị.
Theo thiết kế, hầm chui qua nút giao đường Kim Đồng - Giải Phóng có chiều dài 460m. Điểm đầu của hầm chui kết nối với dự án đường Vành đai 2,5 đoạn Đầm Hồng - QL 1A. Điểm cuối kết nối với đường Kim Đồng hiện hữu, cách vị trí giao cắt với QL 1A khoảng 460m. Đoạn qua hầm tổ chức giao thông mỗi chiều 2 làn xe rộng 3,5m/làn, đoạn ngoài hầm tổ chức giao thông mỗi chiều 3 làn xe rộng 3,5m/làn. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành sau khoảng 30 tháng thi công.
Ngay sau khi khởi công dự án hầm chui Vành đai 2,5 với đường Giải Phóng, Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội tiếp tục đề xuất TP xây dựng thêm một số hầm chui khác qua Vành đai 3.
Tuyến đường Vành đai 3 có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống giao thông vận tải của TP. Mặt khác, cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long và dự án mở rộng đường Vành đai 3 dưới thấp đoạn từ Mai Dịch đến cầu Thăng Long đã hoàn thành. Vì vậy, việc nghiên cứu đầu tư xây dựng hoàn chỉnh các nút giao trên là cần thiết.
Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội cũng đề xuất làm hầm chui tại nút giao Đàm Quang Trung - Cổ Linh nhằm khớp nối đồng bộ theo quy hoạch, phát huy hiệu quả tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cũng như cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 và tuyến đường Vành đai 2 trên cao, dưới thấp đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ.
Với việc xây dựng và khánh thành hàng loạt công trình giao thông trọng điểm, trong đó có nhiều hầm chui đã và đang góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông ở Thủ đô; đồng thời, góp phần kết nối hạ tầng phục vụ vận tải, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP.
Phường Tràng Tiền: Trả lại cảnh quan sạch đẹp sau đợt ra quân | |
Các biện pháp để giảm thiểu úng ngập tại Hà Nội |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại