Thứ ba 07/05/2024 02:57

Giúp bạn chứ đừng hùa theo

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
(PL&XH) - Biết tin Ngọc Anh trốn trại còn bản thân đang bị truy bắt nhưng Vũ Văn Duy, SN 1991, trú tại xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương vẫn lén lút giúp đỡ. Và khi Ngọc Anh đề nghị chở anh ta đi trả thù, nam thanh niên cũng vâng theo dù biết sẽ bị liên lụy. Người đàn ông bị bắn không chết nhưng Duy thì phải đi tù với hai bản án có tổng hình phạt là 21 năm 7 tháng tù giam.

Tâm sự với chúng tôi, Vũ Văn Duy, SN 1991, trú tại xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, bảo ân hận nhất chính là đã kéo người chú họ vào vòng lao lý khiến hạnh phúc gia đình của người chú ấy chỉ vẻn vẹn gói gọi trong 1 tháng trời. “Tôi nhờ chú đến quán ăn nắm bắt xem người mà Ngọc Anh định bắn có ở đấy không thôi. Chỉ có thế mà chú ấy phải đi tù, chịu 13 năm tù. Chú cưới vợ được 1 tháng thì bị bắt, cô vợ cũng bỏ đi nước ngoài rồi”, Duy kể. Cùng trạc tuổi với nhau nên giữa chú họ và Duy, ngoài tình thân họ hàng ra còn là tình bạn bè. Vì tình bạn bè, người chú đó đã giúp Duy còn nam thanh niên này cũng vì tình bạn mà bây giờ phải trả giá đắng.

Quán ăn náo loạn vì tiếng súng trả thù...

Theo hồ sơ, phạm nhân Đào Ngọc Anh là bị án đang có quyết định truy nã về tội “trốn khỏi nơi giam” trong khi đang chấp hành hình phạt 9 năm 6 tháng tù về tội cướp tài sản và đánh bạc. Cho rằng ông Bùi Đình Trạm có liên quan đến việc kết hợp với cảnh sát trại giam Hoàng Tiến đến huyện Bình Giang truy bắt Ngọc Anh nên quyết định trả thù. Ngọc Anh đã gọi điện cho Duy, hẹn gặp rồi thông báo việc sẽ bắn ông Trạm, nhờ Duy tìm hiểu quy luật sinh hoạt, giờ giấc của ông Trạm. Vì cũng đang trốn thi hành án nên Duy đã nhờ chú họ mình là Vũ Văn Cường đi xác minh hộ. Theo đó, Cường chỉ việc đến quán bún mà ông Trạm hay ăn sáng, thấy ông này thì gọi điện báo cho Ngọc Anh biết.

Sáng 10-10-2009, Cường đi xe máy ra quán bún bà Thạch, thấy ông Trạm đang ăn sáng ở đây liền gọi điện cho Ngọc Anh lúc này được Duy chở bằng xe máy đang đứng đợi cách đó vài trăm mét. Ngọc Anh đã bảo Duy chạy xe lại quán bún bà Thạch rồi lôi khẩu súng bắn đạn hoa cải chạy vào quán, nhằm ông Trạm nhả đạn. Theo phản xạ, ông Trạm chồm người lên, né sang trái nên may mắn thoát chết, tuy nhiên cũng bị tổn hại 73% sức khỏe. Ngày 12-3-2010, Vũ Văn Duy bị bắt theo quyết định truy nã về tội cướp và đánh bạc còn Ngọc Anh đến nay vẫn chưa bắt được. Quá trình điều tra, CQCA đã làm rõ thêm hành vi giúp sức cho Đào Ngọc Anh giết người nên ngoài tội cướp tài sản và đánh bạc, Duy còn bị truy tố thêm về tội giết người. Sau hai phiên tòa xét xử, Vũ Văn Duy bị kết án 15 năm về tội giết người, cộng với bản án chưa thi hành trước đó, anh ta phải đi tù tổng cộng là 21 năm 7 tháng tù giam.

Nhà có hai chị em, Duy là út lại là con trai nên ít nhiều cũng được chiều chuộng hơn chị gái. Nhất là từ khi chị gái Duy đi lấy chồng thì mọi tình thương yêu của gia đình dồn cả cho cậu. Đáng ra phải thấy trách nhiệm của một người con lớn trong gia đình thì Duy lại được thể vòi tiền cha mẹ để ăn chơi. Cậu ta sa đà vào cờ bạc và chơi rất thân với Ngọc Anh. Trong một lần đi đánh bạc, được Ngọc Anh rủ rê, Duy đã tham gia vào một vụ cướp giật. Ngọc Anh đi tù còn Duy, trong thời gian tại ngoại chờ thi hành án liền bỏ trốn. Có thể vì lẽ đó, và vì ơn nghĩa với Ngọc Anh mà khi biết người bạn này trốn trại, Duy đã bất chấp liên lụy, tìm cách giúp đỡ Ngọc Anh. “Tôi biết Ngọc Anh trốn trại, biết cả việc anh ta sẽ dùng súng trả thù ông… Tôi cũng hiểu là mình nhận lời giúp Ngọc Anh là sẽ bị liên đới nhưng là bạn bè, tôi lại không từ chối. Cũng có lúc tôi đã nghĩ đến chuyện khuyên Ngọc Anh ra trình diện nhưng rồi tôi lại sợ bị trả thù và sợ bị bắt nữa vì mình cũng đang đi trốn”, Duy kể. Thế nên khi hầu tòa, bị tuyên phạt mức án hơn hai chục năm, Vũ Văn Duy đã chết lặng nghe chủ tọa phiên tòa đọc mức án. Dường như đến khi đó, Duy mới ý thức được món nợ phải trả với pháp luật.

IMG_2235
Phạm nhân Vũ Văn Duy đang cùng các phạm nhân lao động ở trại giam Nam Hà.

Ân hận vì làm khổ nhiều người...

Về trại giam Nam Hà cải tạo ở đội làm hàng mã, Duy có thời gian để ngẫm lại những chuyện đã qua. Duy thấy thương bố mẹ nhiều hơn, thấy có lỗi với họ hàng, nhất là gia đình người chú họ mà Duy đã lôi kéo tham gia vào vụ giết người. Theo lời Duy kể thì anh ta chơi thân với người chú họ này từ tấm bé. Chú hiền lành hơn Duy nên có phần nhường nhịn anh ta. Thế nên mỗi khi có việc cần nhờ vả, Duy thường tìm đến người chú này, nhờ giúp đỡ nhưng khi đi chơi hay đàn đúm rượu chè, Duy không muốn cho người chú này đi cùng. “Chú tôi hiền lành, gia đình cũng khó khăn vì vỡ nợ nên tôi không muốn lôi kéo chú ấy vào con đường hư hỏng. Vậy mà chỉ vì bạn bè, tôi lại khiến chú ấy phải vào đây. Chắc ở nhà gia đình, họ hàng giận tôi lắm”, Duy kể, giọng đầy hối lỗi.

Dường như đến bây giờ, khi bước chân vào chốn trại giam, phải lao động, ăn ở trong khuôn khổ, Duy mới thấm thía những mất mát mà anh ta đã gây ra cho cả gia đình. Duy nghĩ đến bố mẹ, nhớ cảnh mỗi đêm đi chơi muộn về vẫn thấy ông bà ngồi bên bàn nước chờ đợi. Rồi những lần mẹ Duy phải giấu bố đi trả nợ cho con trai những lần thua bạc. Cả thời gian Duy trốn thi hành án, cũng là mẹ anh ta lo lắng cho con trai, vậy mà Duy còn mang xe máy của bố đi cầm cố, lấy tiền đánh bạc. Nhà có hai chị em thì chị gái đi lấy chồng xa, Duy lại chẳng chịu ở nhà, sớm tối ra vào chỉ có hai ông bà già nhìn nhau. Bây giờ Duy lại đi tù nữa thì bố mẹ không chỉ buồn mà còn tủi bởi ở cái tuổi đã già, đáng ra phải được vui vầy bên con cháu thì giờ lại hàng tháng lặn lội đường xa, xuống trại thăm con. “Cùng buồng giam với tôi có chú Thông, bằng tuổi bố tôi. Tôi lại bằng tuổi con chú ấy. Chú ấy cũng phạm tội giết người nên chúng tôi tìm được sự đồng cảm. Những lúc buồn chán, tôi lại tâm sự với chú Thông. Những lời khuyên nhủ, động viên của chú ấy khiến tôi vững tâm nhiều lắm. Tôi coi chú ấy như bố của mình”, Duy bộc bạch.

Với bản án gần 22 năm tù thì dù có cố gắng cải tạo để được giảm án, Duy cầm chắc sự phí hoài tuổi xuân trong trại. Duy thấy tiếc cho bản thân, thấy thương bố mẹ và ân hận vì những việc làm của mình. Anh ta chỉ có một ước muốn duy nhất lúc này là mong bố mẹ và người thân thông cảm, tha lỗi cho anh ta. “Tôi sẽ quyết tâm làm lại cuộc đời, không chỉ để vơi đi nỗi tủi hổ của cha mẹ mà còn vì chính bản thân mình. Chỉ mong mọi người hãy cho tôi một cơ hội”, Duy bảo.

Ước muốn của Duy cũng là ước mong của tất cả những người đang thi hành án trong trại cải tạo. Họ mong lắm được xã hội nhìn nhận, bao dung để có cơ hội làm lại cuộc đời. Thế nhưng dù thế nào thì mọi sự phải bắt đầu từ bản thân họ, từ sự quyết tâm và tấm lòng hướng thiện, có như vậy mới gây dựng được lòng tin với mọi người...

Nguyễn Vũ _ Hạ My / PL&XH

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động