Giáo viên không cần phải có bằng đại học đủ 9 năm mới được thăng hạng
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) đã có văn bản giải đáp một số vấn đề trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT. Ảnh minh họa: Ngọc Tú |
Trước đó, gần 1.000 giáo viên trên cả nước đã lập nhóm gửi đơn kiến nghị lên Bộ GD&ĐT về quy định giáo viên muốn chuyển hạng I lên hạng II mới phải có 9 năm giữ bằng đại học. Các giáo viên cho rằng quy định này gây ra thiệt thòi lớn cũng như tạo sự bất công bằng giữa các giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy và giáo viên mới ra trường. Đặc biệt, quy định giữ bằng đại học 9 năm sẽ khiến các giáo viên cao tuổi không còn cơ hội tăng lương dù đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục.
Cùng với đó, hàng trăm giáo viên ở Hà Nội bức xúc, gửi đơn kiến nghị lên Bộ GD&ĐT sau khi bị trả hồ sơ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Theo hướng dẫn của Sở Nội vụ Hà Nội hôm 18/7, để được xét thăng hạng II, giáo viên tiểu học, THCS phải có thời gian giữ hạng III từ 9 năm trở lên. Thời gian giữ hạng III được tính từ lúc giáo viên đạt trình độ chuẩn theo Luật Giáo dục 2019. Chuẩn này là giáo viên mầm non phải có bằng cao đẳng, giáo viên tiểu học và THCS phải có bằng đại học, thay vì bằng trung cấp và cao đẳng như trước. Yêu cầu này được đưa ra căn cứ theo Thông tư 08 về bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương giáo viên.
Theo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, nội dung được quan tâm nhất là việc xác định tổng thời gian giữ hạng để làm căn cứ bổ nhiệm, chuyển xếp chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học, trung học cơ sở lên hạng II mới chưa thực hiện thống nhất ở một số nơi. Một số địa phương yêu cầu 9 năm này phải là 9 năm giáo viên đã đạt trình độ đại học.
Cục Nhà giáo khẳng định yêu cầu này không đúng. Cụ thể văn bản giải đáp ghi: “Theo quy định sửa đổi bổ sung tại Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT, điều kiện để giáo viên tiểu học, trung học cơ sở hạng II cũ được chuyển xếp sang chức danh nghề nghiệp (CDNN) giáo viên tiểu học, trung học cơ sở hạng II mới là có tổng thời gian giữ hạng III cũ và hạng II cũ đủ từ 9 năm trở lên (không kể thời gian tập sự).
Trong đó, Bộ GD&ĐT không quy định điều kiện về trình độ đào tạo là đại học đối với tổng thời gian giữ hạng này. Do đó, việc một số địa phương yêu cầu 9 năm giữ hạng III cũ và hạng II cũ phải là 9 năm giáo viên đã đạt trình độ đại học là không đúng”.
Như vậy, một giáo viên THCS hạng III từ năm 2013 thì đến nay là đủ điều kiện để xét lên hạng II, nếu đã có bằng đại học.
Theo các thông tư về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên công lập, giáo viên được chia thành ba hạng I, II, III, trong đó hạng I cao nhất. Tương ứng với từng hạng lại có nhiều bậc lương, thông thường cứ ba năm công tác, giáo viên được tăng một bậc. Hiện lương giáo viên hạng III dao động 4,2-8,9 triệu đồng một tháng. Trong khi đó, lương giáo viên hạng II là 7,2-11,5 triệu.
Về nội dung giáo viên đề nghị bỏ hình thức thi thăng hạng CDNN, Cục Nhà giáo cho hay các quy định về tiêu chuẩn CDNN viên chức, thăng hạng CDNN viên chức phải thực hiện theo quy định chung của Quốc hội tại Luật Viên chức 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Do đó, việc tổ chức thăng hạng CDNN bằng hình thức thi hay xét tại địa phương là theo lựa chọn của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tổ chức thi hoặc xét thăng hạng CDNN theo quy định của pháp luật.
Bộ GD&ĐT không có thẩm quyền bỏ quy định thi thăng hạng CDNN giáo viên và cũng không có thẩm quyền đề nghị địa phương thực hiện thống nhất theo một hình thức là xét thăng hạng.
Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT khẳng định: “đề xuất của giáo viên về việc bỏ hình thức thi thăng hạng CDNN là có căn cứ”.
Bộ GD&ĐT đã nhận được văn bản gửi xin ý kiến từ Bộ Nội vụ về việc bỏ hình thức thi thăng hạng CDNN trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP, Bộ GD&ĐT đã có văn bản trả lời nhất trí với nội dung này. Hiện Bộ Nội vụ đang tham mưu Chính phủ bỏ hình thức thi thăng hạng CDNN.
Bộ GD&ĐT cũng đề nghị địa phương căn cứ tình hình thực tiễn cân nhắc, lựa chọn hình thức phù hợp để tổ chức thăng hạng CDNN giáo viên nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ và bảo đảm xác định được những giáo viên thực sự xứng đáng để thăng hạng CDNN trên cơ sở nguyên tắc bình đẳng, công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật.
Bộ GD&ĐT cũng dẫn các quy định để khẳng định việc thực hiện bổ nhiệm, chuyển xếp hạng CDNN từ quy định cũ sang hạng CDNN chỉ căn cứ vào tiêu chuẩn trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề, không yêu cầu giáo viên phải có minh chứng là chứng chỉ bồi dưỡng và các chứng chỉ tin học, ngoại ngữ.
Khoản 2 Điều 5 Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT đã quy định “không yêu cầu giáo viên phải cung cấp minh chứng về việc thực hiện nhiệm vụ của hạng khi bổ nhiệm vào hạng tương ứng theo quy định tại các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT”
Thông tư 08 khiến nhiều giáo viên mất cơ hội nâng bậc, tăng lương? |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại