Thứ bảy 04/05/2024 22:49

Thông tư 08 khiến nhiều giáo viên mất cơ hội nâng bậc, tăng lương?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hàng trăm giáo viên tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành đã gửi đơn đến Bộ Giáo dục & Đào tạo kiến nghị về Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT (Thông tư 08) của Bộ khi quy định tại Thông tư này đã khiến họ mất cơ hội nâng hạng, tăng lương dù đạt chuẩn và có hàng chục năm cống hiến.
Thông tư 08 khiến nhiều giáo viên mất cơ hội nâng bậc, tăng lương?
Ảnh minh họa: Duy Linh

Hàng chục năm công tác và thiếu 2 tháng theo quy định mới

Thầy C.D.H (SN 1976) cho biết, thầy đã có 29 năm công tác, 19 năm công tác tại vùng đặc biệt khó khăn nhưng đã 2 lần lỡ thi thăng hạng, lần thứ 3 này thầy lại bị thiếu 2 tháng. Vì lí do thầy tốt nghiệp đại học (ĐH) đến nay mới là 8 năm 10 tháng. Song quy định mới tại Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT yêu cầu giáo viên hạng III phải có đủ 9 năm đạt chuẩn đào tạo theo Luật Giáo dục 2019, tức đủ 9 năm có bằng cử nhân ĐH, tính đến hết thời hạn nộp hồ sơ là 30/8/2023. Chiếu theo quy định này, thầy H. thiếu 2 tháng so với yêu cầu.

Trường hợp giống như thầy là H. là thầy B.V.Q. ra trường năm 1995, hưởng lương trung cấp. Năm 2011, thầy Q. tốt nghiệp cao đẳng (CĐ), được xếp lương CĐ và tiếp tục học lên ĐH. Tháng 10/2014, thầy Q. tốt nghiệp ĐH. Tháng 11 cùng năm có đợt thi xét thăng hạng giáo viên từ hạng III lên hạng II, thầy Q. nộp hồ sơ nhưng bị loại. Đợt xét thăng hạng năm học 2019-2020, thầy Q. tiếp tục nộp hồ sơ, bị loại lần thứ hai với lý do không có thành tích. Đợt xét thăng hạng năm 2023, thầy Q. lại nộp hồ sơ và theo quy định mới thầy lại chưa đủ 9 năm tốt nghiệp ĐH. Tính đến thời điểm hiện tại, thầy Q. có 28 năm công tác trong ngành giáo dục, trong đó có 19 năm công tác tại vùng đặc biệt, bậc lương hiện hưởng là bậc 8, hệ số 4,58. 10 năm rồi thầy Q. chưa được tăng lương lên đúng bậc lương ĐH.

Thầy Đ.V.L cho biết: “Tôi đã công tác được 24 năm, nghĩ mà thấy thiệt thòi quá, tôi có bằng ĐH từ 2019. Lần xét trước vào năm 2020, thì bằng thiếu 1 tháng ko đủ 1 năm. Lần xét này, bằng ĐH cần 9 năm, lại thiếu 5 năm. Các quy định quá bất cập và thay đổi khiến chúng tôi không biết nên chuẩn bị thế nào”.

Cô L.T.H.V., 47 tuổi, có 25 năm công tác, tốt nghiệp ĐH năm 2019, đạt chuẩn giáo viên theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT. Năm 2019-2020 có đợt xét thăng hạng giáo viên, không yêu cầu thời gian có bằng ĐH, song hồ sơ của cô V. không được xét vì mới nhận bằng. Đợt xét thăng hạng năm 2023, cô V. tiếp tục nộp hồ sơ nhưng vướng phải quy định 9 năm như trên. Căn cứ quy định, phải đến năm 2028, cô V. mới đủ điều kiện làm hồ sơ thăng hạng giáo viên hạng III lên hạng II, hưởng mức lương ĐH.

Hiện tại, lương của cô V. thấp hơn nhiều so với lương của các giáo viên trẻ tốt nghiệp ĐH vừa ra trường. Cô V. có 2 lần đạt chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, nhiều năm đạt giáo viên giỏi, có 2 sáng kiến cấp TP, cấp huyện, có bằng khen của Thành Đoàn TP Hà Nội, có nhiều học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp huyện, cấp TP.

Điều cô V. trăn trở là có những đồng nghiệp giỏi nghề, yêu nghề nay đã trên dưới 50 tuổi, chờ đến ngày đủ số năm quy định để được thăng hạng giáo viên, nhận đúng mức lương ĐH thì đã về hưu mất rồi. Theo cô V., bao nhiêu năm công tác, những thành tích, đóng góp cho ngành giáo dục, trình độ, khả năng của các thầy cô đều không có ý nghĩa gì so với một tấm bằng. Vậy có phải là trọng bằng cấp hơn trọng năng lực hay không? Hơn thế nữa, các thầy cô vừa có năng lực vừa có bằng cấp, nhưng Bộ lại xét thăng hạng dựa trên số năm nhận bằng, một con số không có bất kỳ ý nghĩa nào đối với chất lượng giáo viên, chất lượng dạy và học, có hợp tình, hợp lý hay không?

Quy định về nâng bậc trong các Thông tư từ trước đến nay thế nào?

Ngày 14/4/2023, Bộ GD&ĐT ban hành thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/5/2023.

Thông tư 08 quy định viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp của giáo viên tiểu học hạng II (mã số V.07.03.28) và giáo viên THCS hạng II (mã số V.07.04.31) phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp hạng III hoặc tương đương từ đủ 9 năm trở lên (không kể thời gian tập sự) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.

Trong đó, định nghĩa “tương đương” được quy định là thời gian giáo viên giữ chức danh nghề nghiệp hạng III từ thời điểm đạt trình độ chuẩn được đào tạo theo Luật Giáo dục 2019, tức từ thời điểm có bằng cử nhân ĐH.

Trước đó vào năm 2022, Bộ GD&ĐT ra dự thảo Thông tư “Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT ngày 2/2/2021 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập”, trong đó việc xác định “thời gian tương đương” các hạng của giáo viên tiểu học và THCS được quy định cụ thể như sau:

Tại điểm 2 khoản 9 điều 2: “Thời gian giáo viên giữ hạng II, III và tương đương theo quy định tại Thông tư liên tịch số 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV tương đương với thời gian giữ hạng II, III quy định tại Thông tư này. Thời gian giáo viên giữ hạng IV theo quy định tại Thông tư liên tịch số 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV và đạt trình độ chuẩn được đào tạo đối với giáo viên tiểu học theo Luật Giáo dục 2019 được xác định là tương đương với thời gian giữ hạng III quy định tại Thông tư này”.

Tại điểm 2 khoản 10 điều 3: “Thời gian giáo viên giữ hạng I, II, III và tương đương theo quy định tại Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV tương đương với thời gian giữ hạng I, II, III quy định tại Thông tư này”.

Trình độ đạt chuẩn được đào tạo với giáo viên tiểu học và giáo viên THCS hạng III được quy định trong Thông tư 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV và Thông tư 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/9/2015 là có bằng tốt nghiệp CĐsư phạm tiểu học hoặc CĐ sư phạm các chuyên ngành phù hợp với bộ môn giảng dạy trở lên, có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên THCS.

Theo Nghị định 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020, viên chức được đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề khi đáp ứng yêu cầu về thời gian công tác tối thiểu giữ chức danh nghề nghiệp hạng dưới liền kề theo yêu cầu của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dự thi hoặc xét thăng hạng.

“Trường hợp viên chức trước khi được tuyển dụng, tiếp nhận đã có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo đúng quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, làm việc ở vị trí việc làm có yêu cầu về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp (nếu có thời gian công tác không liên tục mà chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì được cộng dồn) và thời gian đó được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng tính làm căn cứ xếp lương ở chức danh nghề nghiệp hiện giữ thì được tính là tương đương với hạng chức danh nghề nghiệp hiện giữ”, điểm d khoản 1 điều 32 của Nghị định nêu.

Như vậy, theo các Thông tư và Nghị định mà dự thảo sửa đổi các Thông tư 01, 02, 03, 04 căn cứ đều xếp các hạng giáo viên dựa trên thời gian giữ chức danh nghề nghiệp và “tương đương” là từ thời điểm công tác có đóng bảo hiểm xã hội và yêu cầu đạt chuẩn trình độ đào tạo là bằng CĐ sư phạm.

Theo các giáo viên tại Hà Nội cho biết, hiện nay, Sở Nội vụ Hà Nội đang triển khai thu hồ sơ dự thăng hạng cho giáo viên theo Thông tư 08 và yêu cầu giáo viên phải có bằng ĐH từ năm 2014. Nhiều giáo viên chờ đợi mỏi mòn để có cơ hội thăng hạng đợt này đành ngậm ngùi lỡ hẹn khi bằng ĐH chưa đủ 9 năm. Trong khi đó, trước khi bổ nhiệm xếp lương hạng III mới họ đã đạt trên chuẩn thì đợt này họ lại không đủ điều kiện nộp hồ sơ. Thời điểm Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực, nhiều giáo viên cũng đã nỗ lực hoàn thành xong chương trình đào tạo cử nhân theo chuẩn quy định của Bộ GD&ĐT.

Các giáo viên đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét và điều chỉnh Thông tư, đồng thời quy định lại điều kiện thăng hạng như trước là giáo viên có bằng ĐH một năm tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ.

Ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT cho biết đã nhận được đơn kiến nghị về vướng mắc trong triển khai Thông tư 08 về bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương giáo viên; Bộ đang tập hợp ý kiến, trao đổi với Bộ Nội vụ nhằm đưa ra hướng dẫn trên tinh thần đảm bảo quyền lợi cho giáo viên.

Hà Nội: Trên 19.000 lao động được giải quyết việc làm trong tháng 7 Hà Nội: Trên 19.000 lao động được giải quyết việc làm trong tháng 7
Tỏa sáng tấm gương những công nhân lao động Thủ đô Tỏa sáng tấm gương những công nhân lao động Thủ đô
Thái Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động