Tỏa sáng tấm gương những công nhân lao động Thủ đô
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên9 công nhân tiêu biểu, xuất sắc của TP Hà Nội tham gia hoạt động dâng hương do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức. Ảnh: LĐLĐ TP Hà Nội |
9 cá nhân tiêu biểu
Tổng LĐLĐ Việt Nam vừa tổ chức Lễ trao Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ IV, tôn vinh 167 công nhân tiêu biểu đã có 808 đề tài, sáng kiến, giải pháp kỹ thuật với tổng giá trị làm lợi 2.787 tỷ đồng. Liên đoàn Lao động TP Hà Nội có 9 cá nhân tiêu biểu được tôn vinh dịp này.
Ngay từ khi có kế hoạch xét Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ IV của Tổng LĐLĐ Việt Nam, Hội đồng thi đua khen thưởng LĐLĐ TP Hà Nội đã xem xét, lựa chọn 9 cá nhân tiêu biểu đủ điều kiện trình Tổng LĐLĐ Việt Nam trao tặng giải thưởng. Tổng số đề tài, sáng kiến, giải pháp kỹ thuật của 9 cá nhân đạt Giải thưởng lần này là 26 đề tài, giải pháp, sáng kiến với tổng giá trị làm lợi hơn 94,5 tỷ đồng; Số công nhân lao động được các cá nhân đạt giải thưởng đào tạo, bồi dưỡng kèm cặp hàng 1.000 người mỗi năm.
Các cá nhân được nhận giải thưởng đều là công nhân, kỹ sư, kỹ thuật viên tiêu biểu, có trình độ, tay nghề trong lao động sản xuất, được giải cao trong các kỳ thi tay nghề, thợ giỏi trong nước và quốc tế, đặc biệt đóng góp nhiều sáng kiến cho sự phát triển của DN. Nhiều cá nhân đã vinh dự được trao tặng các giải thưởng, danh hiệu khen thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, tổ chức Công đoàn cũng như của ngành, địa phương.
Điểm chung của các cá nhân được tặng Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần này đó là ý chí kiên trì, bền bỉ, tinh thần lao động hăng say, sáng tạo, khát vọng cống hiến, say mê nghiên cứu cải tiến kỹ thuật, phát huy sáng kiến trong sản xuất.
Đặc biệt, nhiều sáng kiến đã tiếp cận tiến bộ khoa học công nghệ mới, góp phần khắc phục các đứt gãy trong sản xuất do ảnh hưởng của Covid - 19, tiết giảm chi phí, tạo ra sản phẩm mới, có thể thay thế các sản phẩm nước ngoài với chi phí thấp hơn trong bối cảnh tiêu dùng thế giới giảm mạnh….
10 sáng kiến được áp dụng vào sản xuất
Với 10 sáng kiến được áp dụng vào sản xuất, làm lợi cho DN trên 5,5 tỷ đồng, anh Lê Viết Văn - công nhân Cty TNHH Lixil Việt Nam là một trong 9 công nhân giỏi Thủ đô được tặng Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh năm nay. Đáng chú ý, sáng kiến “Thay đổi phương pháp kết dính silicon” là một trong những sáng kiến tiêu biểu, giảm được 28% lượng nguyên liệu sử dụng, chất lượng bề mặt sản phẩm cao, đồng đều.
Anh Hoàng Văn Thành đến từ Cty TNHH Canon Việt Nam, có 3 sáng kiến làm lợi 47 tỷ đồng. Đó là các sáng kiến: “Cải tiến chất lượng khuôn và giảm chi phí sửa bằng cải tiến bản vẽ sản phẩm trước khi làm khuôn cho đời máy mới”; “Cải tiến chất lượng khuôn và giảm chi phí sửa khuôn bằng cải tiến bản vẽ thiết kế khuôn của nhà cung cấp”; “Giảm chi phí giá sản phẩm thông qua giảm lượng vật liệu đúc của kênh dẫn nhựa thừa ra không tái sử dụng lại được”.
Một tấm gương công nhân tiêu biểu khác là anh Nguyễn Văn Tuấn, Cty TNHH SWCC SHOWA VIỆT NAM. Anh Tuấn cũng có 3 sáng kiến làm lợi cho Cty 14 tỷ đồng, gồm các sáng kiến: “Cải tiến công đoạn cấp trục tự động máy phun sơn”; “Máy mài trục tự động”; “Máy thảo 2 sản phẩm tự động”.
Làm việc tại Cty TNHH ToTo Việt Nam, anh Nguyễn Thiết Hiệp đã có 4 sáng kiến mang lại giá trị làm lợi cho Cty 3,7 tỷ đồng. Đó là các sáng kiến: “Khắc phục lỗi K32 C776 nâng cao tỷ lệ đạt”; “Giảm năng lượng điện tiêu thụ”; “Thu hồi hồ thải khi kéo ống các dây chuyền LW”; “Thu hồi hồ thải khi kéo ống các dây chuyền CW”.
Một cá nhân nữa nhận Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ IV là công nhân Nguyễn Danh Tuyến - Cty TNHH Meiko Việt Nam, với giải pháp cải tiến giảm chi phí lá đồng báo phế có giá trị làm lợi 9,4 tỷ đồng…
Ở Cty TNHH Toyota Boshoku Hà Nội, mọi người đều biết tới công nhân trẻ Nguyễn Văn Thảo người luôn đam mê tìm tòi, liên tục đưa ra những sáng kiến, cải tiến mới được ghi nhận, áp dụng vào dây chuyền sản xuất, qua đó, lan tỏa tinh thần thi đua lao động sản xuất. Đặc biệt, anh là chủ nhân của sáng kiến “Cải tiến nâng cao chất lượng, giảm độ khó thao tác may dựa vào cữ cải tiến” đã làm lợi cho Cty hơn 800 triệu đồng.
Quá trình hơn 12 năm gắn bó với Cty TNHH Yamaha Motor Việt Nam, anh Nguyễn Quang Nghị luôn nỗ lực trong công việc, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Anh Nghị đã có nhiều sáng kiến cải tiến góp phần tăng năng suất lao động, mang lại giá trị làm lợi lớn cho Cty. Tiêu biểu như sáng kiến “Xe để thùng dây hàn CO2”, có giá trị làm lợi khoảng 150 triệu đồng; hay sáng kiến “Giá để chi tiết linh kiện”, làm lợi khoảng 100 triệu đồng…
Là một trong ba kỹ sư được cấp chứng chỉ tay nghề quốc tế của Cty CP Tomeco An Khang, anh Nguyễn An Ngọc - Tổ trưởng tổ hàn 2 cũng không ngừng cố gắng, nỗ lực mỗi ngày để trau dồi kinh nghiệm, nâng cao tay nghề với mong muốn cho ra những sản phẩm hoàn hảo. Sáng kiến “Chế tạo cơ cấu gá - kẹp, xoay cho sản phẩm cánh Flywheel” của anh đã giúp Cty giảm được tỷ lệ sản phẩm lỗi cong vênh cánh quạt, giảm nhân công tham gia ép phẳng sản phẩm, loại bỏ hoàn toàn nguy cơ rủi ro mất an toàn liên quan đến vật nặng rơi, va đập, chấn thương chân tay khi thao tác, tiết kiệm các chi phí sản xuất.
Trong số 9 công nhân vinh dự được nhận Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ IV còn có kỹ thuật viên Nguyễn Xuân Dũng - Cty CP FECON. Trong quá trình làm việc, anh Nguyễn Xuân Dũng đã đưa ra nhiều giải pháp thi công cọc bê tông ly tâm Dự ứng lực PHC Dự án trang trại điện gió BT1 & BT2 Quảng Bình. Từ việc tìm ra được giải pháp thi công cọc PHC, giải pháp của anh đã đem lại hiệu quả kinh tế cho Cty gần 14 tỷ đồng (khoảng 1 tỷ đồng/1 trụ).
Ghi nhận những thành tích và sự nỗ lực cố gắng trên, năm 2022, 9 cá nhân trên đều được tặng Bằng Lao động sáng tạo; Công đoàn viên xuất sắc 5 năm liên tục (2018-2022), danh hiệu “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô”; “Sáng kiến ưu tú”…
Cần quan tâm đến việc đào tạo, đào tạo lại | |
Nâng cao vị thế của nữ công nhân viên chức lao động Thủ đô trên mọi lĩnh vực | |
Đội ngũ công nhân lao động Thủ đô ngày càng sáng tạo, có tay nghề cao |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại