Thứ sáu 26/04/2024 14:32
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (từ 25-1-2021 đến 2-2-2021):

Giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, kỹ năng sống đối với học sinh, sinh viên là nhiệm vụ hàng đầu

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
“Sau 07 năm thực hiện Nghị quyết 29, trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn và nguồn lực còn hạn hẹp, song với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự phối hợp có hiệu quả của các Bộ, ngành và địa phương, đặc biệt là sự nỗ lực của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp, sự nghiệp giáo dục và đào tạo nước ta đã tạo được chuyển biến căn bản về chất lượng, hiệu quả, được các tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao…”- Đồng chí Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo cho biết và nêu những kết quả nổi bật về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo thời gian qua.

Hệ thống cơ chế, chính sách trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo cơ bản được hoàn thiện

Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) đã rà soát, trình Chính phủ, Quốc hội ban hành và ban hành theo thẩm quyền các cơ chế, chính sách khắc phục những hạn chế, bất cập tồn tại từ nhiều năm trước. Lần đầu tiên trong 2 năm liên tiếp, Bộ đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018 và Luật Giáo dục (sửa đổi, ban hành mới) năm 2019, giải quyết những “nút thắt” và tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động đổi mới căn bản, toàn diệngiáo dục, đào tạo.

Đến nay, về cơ bản các chủ trương của Nghị quyết 29 đã được thể chế hóa và được cụ thể trong các văn bản hướng dẫn thực hiện. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các chính sách được tăng cường, xử lý nhiều bất cập, vi phạm trong lĩnh vực giáo dục, tạo sự chuyển biến tích cực trong giải quyết các vấn đề về giáo dục, đào tạo mà xã hội quan tâm, dư luận bức xúc trước đây.

Chỉ tiêu về đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trên toàn quốc cho trẻ 5 tuổi đã hoàn thành ngay từ đầu năm 2017 với tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi đạt 99,98%. Trẻ em mẫu giáo ở các vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo, trẻ không có nguồn nuôi dưỡng, trẻ thuộc hộ nghèo, cận nghèo được Nhà nước hỗ trợ tiền ăn trưa; trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ khuyết tật được quan tâm phát hiện sớm, can thiệp sớm, học hòa nhập, nâng cao tỷ lệ huy động trẻ em đến trường. Bên cạnh đó, cũng duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và giáo dục trung học cơ sở.

Mặt khác, là nước thuộc nhóm có thu nhập trung bình thấp, nhiều khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội rất khó khăn, giao thông cách trở; vì vậy, việc thực hiện thành công mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đã thể hiện nỗ lực rất lớn của toàn hệ thống chính trị trong việc chăm sóc, giáo dục cho trẻ ngay từ giai đoạn đầu đời, tạo tiền đề quan trọng để các em bước vào các bậc học tiếp theo.

Coi công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, kỹ năng sống đối với học sinh, sinh viên là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tham luận tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII

Ban hành và tích cực triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới

Bộ GD&ĐT đã xây dựng, ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới và tích cực chuẩn bị các điều kiện để triển khai theo lộ trình Quốc hội quy định. Lần đầu tiên chương trình giáo dục phổ thông được xây dựng một cách bài bản, tiếp cận quốc tế, theo một quy trình chặt chẽ, từ chương trình tổng thể đến các chương trình môn học ở các cấp học, lớp học. Chương trình giáo dục phổ thông mới ban hành cuối năm 2018 được kỳ vọng giải quyết căn bản những hạn chế của chương trình hiện hành, trong đó đặc biệt là cách tiếp cận chuyển từ phương thức truyền đạt kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực của người học.

Chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa nhằm khuyến khích sự sáng tạo trong dạy và học của giáo viên đã có những thành công bước đầu.

Đổi mới thi, kiểm tra và đánh giá chất lượng đối với giáo dục tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông được triển khai theo hướng đánh giá năng lực, kết hợp kết quả quá trình với kết quả cuối năm học. Việc tổ chức đánh giá chất lượng ở cấp cơ sở giáo dục, cấp địa phương và ở cấp quốc gia được thực hiện thường xuyên. Các bậc học sau phổ thông đã chuyển việc tổ chức đào tạo theo niên chế sang tích lũy mô đun hoặc tín chỉ. Việc kiểm tra, đánh giá trình độ đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ được thực hiện chặt chẽ hơn theo phương thức kết hợp đánh giá quá trình và đánh giá kết quả cuối cùng; chất lượng các luận văn, luận án từng bước theo tiêu chuẩn quốc tế.

Công tác đổi mới thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh đại học, cao đẳng được triển khai theo hướng đánh giá năng lực, kết hợp kết quả quá trình với kết quả cuối năm học, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội; khắc phục tình trạng học lệch, học tủ ở phổ thông và đã đi vào nề nếp, hiệu quả hơn.

Theo báo cáo năm 2020 của Ngân hàng Thế giới về Vốn nhân lực, chỉ số Vốn nhân lực của Việt Nam đạt 0.69, đứng thứ 38 trên 174 nền kinh tế. Trong đó, thành phần kết quả giáo dục của Việt Nam đứng thứ 15, tương đương với các nước như: Hà Lan, New Zealand, Thụy Điển.

Nhiều chỉ số về giáo dục của Việt Nam được đánh giá cao trong khu vực. Chất lượng giáo dục mũi nhọn được thế giới đánh giá cao trên đấu trường quốc tế.

Tự chủ đại học được đẩy mạnh, tạo đột phá trong quản trị đại học. Mô hình quản trị đại học đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, tăng quyền chủ động và trách nhiệm giải trình của các cơ sở đào tạo trong mọi mặt hoạt động.

Đào tạo đại học đã gắn kết hơn với nhu cầu lao động của địa phương, với các doanh nghiệp, các đơn vị sử dụng lao động; hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên được quan tâm hơn. Nghiên cứu khoa học của các trường có nhiều chuyển biến rõ rệt, số công trình khoa học được công bố trong nước và quốc tế tăng mạnh, vị thế các trường đại học của Việt Nam đã được nâng lên trong bảng xếp hạng châu Á và thế giới.

Những chuyển biến tích cực

Bộ GD&ĐT luôn quan tâm chỉ đạo công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, kỹ năng sống đối với học sinh, sinh viên, coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các cơ sở giáo dục trong việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Toàn ngành đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thông qua nhiều hình thức gắn với các phong trào của ngành như “mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; xây dựng văn hóa ứng xử trong nhà trường; đổi mới nội dung, chương trình, hình thức giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh, bảo đảm môi trường giáo dục an toàn trong trường học được triển khai mạnh mẽ ở tất cả các cấp học, trình độ đào tạo đã tạo hiệu quả rõ rệt. Công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội được tăng cường, bước đầu phát huy hiệu quả.

Trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống tiếp tục được chú trọng, thực hiện thông qua tất cả các môn học, hoạt động giáo dục.

Toàn ngành Giáo dục đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý, dạy và học. Lần đầu tiên, toàn ngành Giáo dục đã xây dựng cơ sở dữ liệu ngành về giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông và được triển khai tại 63/63 Sở GD&ĐT, 710 Phòng GD&ĐT, thu thập được 22 triệu hồ sơ học sinh, 1,5 triệu hồ sơ giáo viên, nhân viên và cán bộ quản lý từ 53.000 trường học và thông tin về cơ sở vất chất, nhà vệ sinh trường học.

Công nghệ thông tin được sử dụng rộng rãi trong các trong các hoạt động dạy và học; dạy học qua internet, trên truyền hình được thực hiện mạnh mẽ, nhất là trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19.

Quá trình quốc tế hóa thể hiện ở các mặt như tăng cường trao đổi sinh viên, giảng viên, hiện đại hóa chương trình đào tạo, hợp tác nghiên cứu khoa học. Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác giáo dục với hơn 100 quốc gia và lãnh thổ.

Hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ các nước cũng đã đem lại hàng ngàn học bổng hàng năm cho công dân Việt Nam đi học tập tại nước ngoài.

Bộ GD&ĐT đã chủ động thực hiện các hoạt động thúc đẩy hợp tác và đầu tư của nước ngoài. Hiện có 22 quốc gia và vùng lãnh thổ với 147 nhà đầu tư tham gia đầu tư trực tiếp vào giáo dục và đào tạo tại Việt Nam.

Với chất lượng giáo dục liên tục được nâng lên, chi phí học tập, sinh hoạt hấp dẫn, môi trường sống an toàn, trong những năm gần đây Việt Nam đang là điểm đến được lựa chọn của nhiều sinh viên quốc tế. Đến năm học 2019 - 2020 đã có hơn 21 ngàn lưu học sinh đến từ 67 quốc gia trên thế giới. Trong đó, có 14.400 sinh viên theo học các chương trình đào tạo từ đại học trở lên.

Linh Anh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động