Giải ngân cho các công ty thuộc “hệ sinh thái" Vạn Thịnh Phát hơn 1 triệu tỉ đồng
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênMột số bị can trong vụ án. Ảnh: Nhật Nam |
Hơn 667.000 tỉ đồng không có khả năng thu hồi
Theo đó, cơ quan CSĐT - Bộ Công an xác định, từ tháng 1/2012 – 10/2022, SCB đã giải ngân cho các Cty thuộc "hệ sinh thái" Vạn Thịnh Phát hơn 1 triệu tỉ đồng. Trong đó, tổng dư nợ thuộc nhóm không có khả năng thu hồi lên tới hơn 667.000 tỉ đồng. Sau khi trừ đi các tài sản đủ điều kiện trích lập dự phòng rủi ro và tiến hành xử lý tài sản bảo đảm, bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm bị cáo buộc chiếm đoạt hơn 498.000 tỉ đồng của SCB.
Theo kết luận điều tra, khi chưa cần sử dụng ngay tiền mặt, bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, chỉ đạo cấp dưới sử dụng các pháp nhân, cá nhân mở tài khoản tại SCB để nhận tiền, chuyển tiền từ các Cty được giải ngân sang tài khoản của các pháp nhân, cá nhân này. Khi cần sử dụng, các bị can sẽ lập ra các phương án chuyển tiền lòng vòng, chuyển đến các tài khoản theo mục đích sử dụng của bà Lan.
Khi cần sử dụng tiền mặt ngay, bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo lái xe của mình (Bùi Văn Dũng) đến SCB nhận tiền. Các bị can tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và SCB sẽ phối hợp với nhau cung cấp thông tin các pháp nhân hoặc cá nhân nhận tiền, lập phiếu chi và các thủ tục để hoàn tất nghiệp vụ rút tiền mặt.
Tiền sau khi xuất khỏi quỹ của SCB sẽ giao cho ông Dũng. Ông Dũng vận chuyển về nhà cho bà Trương Mỹ Lan ở quận 3, TP Hồ Chí Minh. Tại đây, ông Dũng giao tiền cho bà Trần Thị Hoàng Uyên (trợ lý của bà Lan). Bà Uyên sẽ giao tiền cho những người đến nhận, theo chỉ đạo của bà Lan và không lưu giữ ghi chép về người nhận tiền. Ông Dũng còn vận chuyển tiền từ SCB về trụ sở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát ở 193 - 203 Trần Hưng Đạo, TP Hồ Chí Minh, giao cho bà Lan hoặc chuyển tiền cho các cá nhân mà bà Lan yêu cầu.
CQCA làm rõ, tháng 2/2019 - tháng 9/2022, ông Dũng đã vận chuyển tiền từ SCB về trụ sở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát hoặc về tòa nhà Sherwood hoặc giao cho một số cá nhân theo chỉ đạo của bà Lan với tổng số tiền khoảng 108.878 tỉ đồng và hơn 14,7 triệu USD. Ghi nhận từ sổ sách SCB xác định, số tiền trên được chuyển qua tài khoản của 483 cá nhân và 450 pháp nhân; có 1.284 khoản vay tương ứng 483.917 tỉ đồng.
Bà Trương Mỹ Lan khai, tiền giải ngân được sử dụng vào việc trả nợ gốc, lãi các khoản vay trước; trả nợ vay cho bạn bè, người thân; trả chi phí cho các hoạt động của SCB (các khoản chi mà không thể hạch toán chi phí được); trả tiền mua lại các dự án; trả tiền gốc, lãi trái phiếu; chi phí tiền định giá tài sản, công chứng tài sản; chi trả tiền công cho những người đứng tên hộ các Cty, những người đứng tên hộ các khoản vay, những người đứng tên tài sản; chi vào nhiều mục đích khác.
Hồ sơ vay có rất nhiều vi phạm
Bị can Võ Tấn Hoàng Văn, cựu Tổng Giám đốc SCB khai, quá trình thanh tra, nội dung sai phạm lớn nhất tại Ngân hàng SCB nổi lên là việc SCB cho vay tín dụng đối với các Cty có liên quan đến bị can Trương Mỹ Lan. Hồ sơ vay có rất nhiều vi phạm, số tiền cho vay lớn, nguy cơ không thu hồi được nợ là rất lớn. Bà Đỗ Thị Nhàn là người trao đổi với ôngVăn về các vi phạm trong hồ sơ tín dụng tại Ngân hàng SCB tại các dự án, phương án theo Đề án tái cơ cấu và cho vay nhóm khách hàng tại số 4 Nguyễn Thị Minh Khai.
Bà Nhàn có trao đổi với ôngVăn, Ngân hàng SCB phải đưa vào diện kiểm soát đặc biệt và đặt vấn đề gặp bàTrương Mỹ Lan để yêu cầu làm rõ. ÔngVăn báo cáo và được bà Lan đồng ý, sau đó Văn sắp xếp để Trương Mỹ Lan và bà Nhàn gặp nhau tại 127 Pasteur (tòa nhà Sherwood), thời gian vào cuối tháng 10/2017.
Trong khi đó, bị can Trương Khánh Hoàng, cựu quyền Tổng Giám đốc SCB, cho biết, để tạo lập hồ sơ khách hàng vay vốn, SCB phải phối hợp với các nhân viên Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để tìm người thuê đứng tên thành lập các công ty để vay vốn, đứng tên tài sản, ký chứng từ rút, nộp tiền (chạy dòng tiền)... Sau khi SCB nhận đủ thông tin hồ sơ vay vốn, lãnh đạo ngân hàng này chỉ đạo các bộ phận chuyên môn hoàn thiện hồ sơ để giải ngân, rút tiền SCB sao cho nhanh nhất để phục vụ yêu cầu của bà Trương Mỹ Lan.
Đối với các hồ sơ vay của các tổ chức, cá nhân thuộc nhóm Vạn Thịnh Phát, việc giải ngân được SCB thực hiện trước, sau đó, các bộ phận liên quan ở đơn vị kinh doanh của SCB và hội sở mới phối hợp hoàn thiện hồ sơ cấp tín dụng.
Trong đó, tài sản đảm bảo được SCB thuê các Cty thẩm định giá ban hành chứng thư nâng khống giá trị nhằm rút được số tiền lớn khỏi ngân hàng theo yêu cầu của Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; có nhiều hồ sơ thế chấp tài sản sau khi giải ngân 60 - 90 ngày mới hoàn thiện đưa vào hồ sơ vay. Đáng chú ý, theo lời khai của bị can Trương Huệ Vân (cháu gái bà Trương Mỹ Lan), Tổng Giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bà Lan chỉ đạo thành lập các pháp nhân, sử dụng phương án kinh doanh liên quan đến hoạt động của Cty CP Lavifood (phương án khống về mua bán nông sản) để lập hồ sơ vay vốn, nhằm lấy tiền sử dụng vào các mục đích khác nhau. Thực hiện "chỉ thị", bà Vân chỉ đạo cấp dưới thành lập 52 pháp nhân mới và phối hợp với nhân viên SCB để lập hồ sơ vay vốn.
Bà Vân còn chỉ đạo nhân viên tại 4 Cty phối hợp với SCB lập hồ sơ vay vốn để sử dụng vào hoạt động kinh doanh, nhưng do hoạt động kinh doanh của các Cty thua lỗ nên bà Vân sử dụng tiền từ các khoản vay khác của các pháp nhân, cá nhân khác tại SCB để trả nợ.
Đoàn thanh tra Ngân hàng SCB gồm 18 thành viên do bà Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục Trưởng cục II, làm trưởng đoàn, chia làm 5 tổ, tiến hành thanh tra 2 đợt. Quá trình thanh tra, CQĐT kết luận 11 thành viên đoàn thanh tra có sai phạm nghiêm trọng, nhận tiền, quà, lợi ích vật chất từ Ngân hàng SCB. Từ đó, họ bao che, bưng bít, báo cáo không trung thực, không đầy đủ kết quả thanh tra dẫn đến NHNN không có đủ thông tin để tham mưu, chỉ đạo xử lý các sai phạm của Ngân hàng SCB, ngăn chặn hành vi phạm phạm tội của bà Trương Mỹ Lan. Trong đó, bà Đỗ Thị Nhàn, bị đề nghị truy tố tội “Nhận hối lộ” với số tiền đặc biệt lớn 5,2 triệu USD (tương đương 118 tỉ đồng). 10 người khác bị đề nghị truy tố tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại