Đưa Thủ đô Hà Nội trở thành động lực phát triển của Quốc gia
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênKhu vực đường Đại lộ Thăng Long, Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Quang |
Định hướng phát triển đột phá, bền vững
Chia sẻ về việc triển khai thực hiện, cụ thể hóa định hướng chiến lược quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội theo quy định của Luật Thủ đô 2024, Ths. KTS Lê Hoàng Phương, Giám đốc Trung tâm kiến trúc, quy hoạch Hà Nội – VIUP, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia, Bộ Xây dựng cho biết, thực trạng phát triển đô thị nông thôn cho thấy, Thủ đô Hà Nội đang đối diện với rất nhiều thách thức về môi trường, kinh tế và xã hội.
Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 tiếp tục thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đã được xác định trong các nghị quyết của Trung ương, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và các chương trình, đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tầm nhìn đến năm 2065 là TP “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; là TP kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hoà; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Cùng với hệ thống các quy hoạch cấp Quốc gia, quy hoạch ngành Quốc gia, quy hoạch vùng đã được Thủ tướng Chính phủ giao các bộ ngành trung ương lập và phê duyệt. TP Hà Nội đã tổ chức triển khai đồng thời lập: Luật Thủ đô 2024, Quy hoạch thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, cùng với các chương trình, đề án chiến lược, tạo nên bộ công cụ pháp lý quan trọng, định hướng cho sự phát triển đột phá trong ngắn hạn và bền vững về dài hạn.
Thực hiện Luật Thủ đô 2024, cần có các chương trình đột phá, trọng tâm thực hiện quy hoạch, phát triển liên kết vùng. Cụ thể, xây dựng phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành TP kết nối toàn cầu, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới về năng lực phát triển kinh tế, trình độ nghiên cứu và triển khai, phát triển văn hóa, điều kiện sống tốt, môi trường đô thị và khả năng tiếp cận và sử dụng giao thông công cộng.
Phát triển xanh, phát triển tuần hoàn, phát triển bền vững
Ths. Lê Hoàng Phương cho biết thêm, Hà Nội cần tiếp cận các xu hướng mới về phát triển xanh, phát triển tuần hoàn, phát triển thích ứng và phát triển bền vững để xác định các giải pháp về quy hoạch không gian, phát triển hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và cải thiện chất lượng môi trường đô thị. Cải tạo các không gian, cơ sở hạ tầng hiện hữu tại khu vực nội đô để đáp ứng các yêu cầu, điều kiện hợp tác quốc tế, kết nối toàn cầu như không gian cơ sở hạ tầng giao thông kết nối quốc tế; cơ sở hạ tầng tổ chức sự kiện (hội nghị, triển lãm, diễn đàn, cơ sở lưu trú, đảm bảo an ninh, truyền thông)... Phát triển các cơ sở hạ tầng mới tại các khu vực đô thị mở rộng, đô thị vệ tinh, đặc biệt là khu vực phía Bắc sông Hồng thuộc Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn với cơ sở hạ tầng hiện đại, tiêu chuẩn quốc tế.
Bên cạnh đó, cần tập trung xây dựng Hà Nội là Trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục và đảo tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế; đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hoá của cả nước, là trung tâm văn hoá sáng tạo; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hoá vật thể và phi vật thể, các di tích, công trình kiến trúc có giá trị, trọng tâm là các di sản thế giới, di tích Quốc gia, làm nổi bật tính chất linh địa Quốc gia và là nơi hội tụ các tỉnh hoa văn hoá dân tộc.
Phát triển Hà Nội thành trung tâm động lực kinh tế: khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực từ đất đai, tải nguyên. Ưu tiên đầu tư, phát triển các chương trình mục tiêu, dự án trọng điểm, đặc biệt là các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ cả vùng; đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển hạ tầng số, kinh tế số, xã hội số, hạ tầng giao thông, đô thị thông minh, để đi đầu trong những xu hướng phát triển mới.
Theo Ths. Lê Hoàng Phương, triển khai Luật Thủ đô cần gắn với chương trình hành động quyết liệt, có hiệu quả cụ thể theo từng giai đoạn, đồng tâm và sáng tạo trong quá trình thực hiện, sẽ sớm cụ thể hóa các tầm nhìn phát triển dài hạn, đưa Thủ đô Hà Nội trở thành trung tâm dẫn dắt, động lực phát triển của Quốc gia, có năng lực cạnh tranh với thủ đô các nước phát triển.
Tận dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, đưa Thủ đô phát triển | |
Triển khai cơ chế đầu tư mạo hiểm mang lại nhiều lợi ích cho Hà Nội |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại