Triển khai cơ chế đầu tư mạo hiểm mang lại nhiều lợi ích cho Hà Nội
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênKhung cảnh Hồ Tây, Hà Nội. Ảnh: N.M |
Đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo
Chia sẻ về cơ chế đầu tư mạo hiểm có sử dụng NSNN trong triển khai, thực hiện Luật Thủ đô 2024, Ths. Thạch Lê Anh, chuyên gia về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và đầu tư mạo hiểm cho biết, đầu tư mạo hiểm là hình thức đầu tư vào các DN khởi nghiệp sáng tạo, DN công nghệ hoặc những DN có tiềm năng phát triển đột biến, nhưng đồng thời cũng đối mặt với rủi ro lớn. Đây là một phương pháp huy động vốn phổ biến cho các DN và các dự án sáng tạo, có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh chóng nếu thành công. Tuy nhiên, chính vì sự rủi ro cao, đầu tư mạo hiểm thường yêu cầu các quỹ đầu tư và nhà đầu tư có kiến thức, được đào tạo bài bản về đầu tư mạo hiểm, có hiểu biết và tầm nhìn sâu rộng trong lĩnh vực này.
Đặc thù của mô hình đầu tư mạo hiểm là đầu tư vào con người, những con người dám làm dám chịu, dám thay đổi, chấp nhận thử nghiệm cái mới, chấp nhận thất bại để đạt được thành công đột phá. Việc đầu tư vào con người và các hoạt động của nhóm người đó nhằm khảo sát đánh giá thị trường, thử nghiệm sản phẩm và có thể cả công nghệ mới... Thực chất đây là khoản chi phí mà chưa chắc đã đem lại được doanh thu hay lợi nhuận.
Việt Nam với lợi thế 100 triệu dân và GDP đang tăng trưởng nhanh hàng năm đã trở thành thị trường có sức tiêu dùng lớn để các DN nhắm tới, vấn đề nằm ở chỗ chúng ta cần có phương pháp hiệu quả để giữ lại các khoản thu thuế cũng như giữ được các tài sản lớn là các công ty startup tỷ đô (unicorn).
Ths. Thạch Lê Anh chia sẻ về một số mô hình đầu tư mạo hiểm như mô hình quỹ nhà nước chủ đạo. Ở mô hình này, quỹ đầu tư mạo hiểm chủ yếu do nhà nước quản lý và tài trợ. Chính phủ có vai trò chính trong việc điều hành quỹ, từ việc lựa chọn các dự án đầu tư đến giám sát tiến độ triển khai. Tuy nhiên, mô hình này đòi hỏi năng lực quản lý cao và phải bảo đảm sự minh bạch, tránh tình trạng đầu tư dàn trải hoặc không hiệu quả.
Với mô hình quỹ hợp tác công – tư, đây là mô hình phổ biến, trong đó chính phủ và các nhà đầu tư tư nhân cùng góp vốn thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm. Chính phủ có thể sử dụng ngân sách để đóng góp một phần vốn ban đầu, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư tư nhân tham gia. Một ví dụ điển hình là Singapore, nơi chính phủ đã thành lập các quỹ đầu tư công nghệ với sự tham gia của nhà nước và tư nhân, từ đó thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của hệ sinh thái khởi nghiệp.
Xây dựng khung pháp lý rõ ràng và minh bạch
Theo Ths. Thạch Lê Anh, Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng muốn tập trung phát triển Startup để làm đòn bẩy kinh tế, thì cần tham gia đầu tư để kích thích tăng trưởng về số lượng và chất lượng Startup, đặc biệt là giai đoạn đầu. Đồng thời qua đó thu hút khối tư nhân cùng đầu tư Startup. Việc làm này sẽ thu hút không chỉ Startup và nhà đầu tư tư nhân ở Việt Nam mà còn trong khu vực và trên thế giới.
Do đó, yêu cầu quan trọng nhất là xây dựng khung pháp lý rõ ràng và minh bạch cho việc sử dụng NSNN trong đầu tư mạo hiểm. Các quy định pháp lý cần bao gồm các nội dung như quy trình đầu tư, điều kiện tham gia, tiêu chí lựa chọn dự án, và các cơ chế giám sát. Khung pháp lý này không chỉ giúp bảo đảm rằng các quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động đúng mục đích mà còn tạo niềm tin cho các nhà đầu tư tư nhân tham gia. Việc kết hợp giữa vốn ngân sách và vốn tư nhân sẽ giúp tăng cưởng sức mạnh tài chính cho các quỹ đầu tư, đồng thời chia sẻ rủi ro giữa các bên liên quan.
Cùng với đó, việc huy động nguồn vốn từ khu vực tư nhân là yếu tố quan trọng để bảo đảm hiệu quả của các quỹ đầu tư mạo hiểm. Mô hình hợp tác công - tư (PPP) có thể được áp dụng để kết hợp nguồn vốn từ NSNN và vốn tư nhân, từ đó tạo ra sức mạnh tài chính lớn hơn và giảm thiểu rủi ro cho cả hai bên.
Bên cạnh đó, việc quản lý quỹ đầu tư mạo hiểm là một lĩnh vực đòi hỏi kỹ năng chuyên môn cao và sự am hiểu về thị trường công nghệ. Do đó, việc phát triển năng lực quản lý quỹ là vô củng quan trọng. Hà Nội cần tạo điều kiện cho các chuyên gia tài chính, công nghệ và khởi nghiệp tham gia vào việc quản lý quỹ, đồng thời bảo đảm rằng các quyết định đầu tư được đưa ra dựa trên phân tích khoa học và chiến lược dài hạn.
Hợp tác quốc tế là một giải pháp quan trọng để học hỏi kinh nghiệm và thu hút vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài. Hà Nội có thể thiết lập các chương trình hợp tác với các tổ chức quốc tế để tận dụng nguồn lực tài chính và tri thức từ các đối tác quốc tế.
"Việc triển khai cơ chế đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách nhà nước sẽ mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho Hà Nội và nền kinh tế quốc gia, giúp thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia; tạo việc làm và cải thiện chất lượng lao động; phát triển bền vững và cải thiện chất lượng cuộc sống"- Ths. Thạch Lê Anh nhấn mạnh.
Tuyên truyền Luật Thủ đô 2024: Cơ quan báo chí có cách làm hay, hiệu quả | |
Tận dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, đưa Thủ đô phát triển |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại