Chủ nhật 17/11/2024 23:12

Dự báo xuất khẩu gạo năm 2023 có nhiều tín hiệu khả quan

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Dự báo hoạt động xuất khẩu gạo năm 2023 của Việt Nam có nhiều thuận lợi trong bối cảnh ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình trạng hạn hán tại các nước Mỹ, châu Âu, Trung Quốc đang đặt nguồn cung gạo vào tình trạng thiếu hụt; chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam ngày càng được nâng cao.
Dự báo xuất khẩu gạo năm 2023 có nhiều tín hiệu khả quan

Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thuơng mại; tăng cường công tác thông tin thị trường; phối hợp với cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện thương mại ở nước ngoài tiếp tục hỗ trợ các DN thực hiện hoạt động xúc tiến xuất khẩu gạo...

Kim ngạch xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 7,1 triệu tấn trong năm 2022

Tại Hội nghị đánh giá hoạt động xuất khẩu gạo năm 2022 và bàn phương hướng xuất khẩu gạo năm 2023 vừa được tổ chức, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương Phan Văn Chinh cho biết, năm 2022, tình hình thương mại hàng hóa toàn cầu nói chung và mặt hàng gạo nói riêng được kỳ vọng sẽ phục hồi trở lại sau tác động của dịch Covid-19 nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu, biến động địa-chính trị giữa các nước hay lạm phát của các nước gia tăng theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Tuy nhiên, với các chính sách hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ cùng các giải pháp khơi thông thị trường, lưu thông hàng hóa, việc thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu đối với mặt hàng gạo đã ghi nhận được một số kết quả đáng khích lệ, góp phần tiêu thụ lúa, gạo hàng hóa với giá có lợi cho người nông dân.

Số liệu thống kê của cơ quan hải quan cho biết, trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 7,1 triệu tấn với trị giá 3,45 tỷ USD, tăng 13,8% về lượng và tăng 5,1% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021. Giá xuất khẩu bình quân đạt 486 USD/tấn.

Trong tháng 1/2023 xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 359.310 tấn, mang lại 186,6 triệu USD, giá xuất khẩu trung bình 519,3 USD/tấn. So với tháng 1/2022, giảm 29% về số lượng, nhưng tăng 6,8% về giá xuất khẩu.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 1 vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường trọng điểm có nhu cầu tiêu thụ lớn về sản lượng. Trong đó, Philippines tiếp tục là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 35% tổng lượng xuất khẩu gạo của cả nước.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục giữ đà tăng trưởng trong 2 tháng đầu năm 2023, nhiều thời điểm trong các tháng, giá gạo xuất khẩu 5% tấm đứng đầu thế giới, cao hơn giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan và Ấn Độ.

Tính đến ngày 15/2, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đạt 463 USD/tấn (FOB), tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2022, tương đương với giá gạo của Thái Lan cùng chủng loại, cao hơn 20 - 23 USD/tấn so với gạo 5% tấm của Ấn Độ, Pakistan.

Cần đa dạng hóa thị trường

Ông Nguyễn Phúc Nam - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công Thương) dự báo trong ngắn hạn, giá gạo vẫn ở mức tốt do những bất ổn về kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nhu cầu dự trữ lương thực tăng lên. Đây là yếu tố giúp các DN gạo được hưởng lợi trong thời gian tới.

Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu gạo vẫn có dấu hiệu chưa bền vững, phụ thuộc vào một thị trường trọng điểm. Trong nhiều năm, từ chỗ chỉ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc (luôn chiếm 50% tổng lượng xuất khẩu) thì nay chuyển sang phụ thuộc vào thị trường Philippines (chiếm 45%).

Xuất khẩu gạo Việt Nam tiềm ẩn nhiều rủi ro khi phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường. Vì thế ông Nguyễn Phúc Nam đề nghị xuất khẩu gạo cần đa dạng hóa thị trường.

Ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, những khó khăn của DN khi giá vật tư nông nghiệp tăng cao. Nhưng đây là mặt bằng chung của thế giới và Việt Nam đã hội nhập vào nền kinh tế thế giới nên sẽ phải đi theo quỹ đạo này. Hiện sau cuộc chiến Nga - Ukraine, thị trường vật tư nông nghiệp thế giới đã hình thành mặt bằng giá mới.

Bên cạnh đó, thị trường vẫn còn những khó khăn tiềm ẩn liên quan đến giá cước vận tải biển cao, giá cả đầu vào sản xuất lúa gạo cao cũng như tình hình xung đột ở một số khu vực trên thế giới tác động đến giá các mặt hàng lương thực khác.

Vì vậy, để đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương luôn theo sát tình hình thị trường, đồng thời chủ động trong các hoạt động xúc tiến thương mại và thông báo các diễn biến kịp thời về tình hình thị trường cho hiệp hội ngành hàng và các DN xuất khẩu.

Về vấn đề vốn, hiện điều kiện tín dụng của các ngân hàng thương mại với các DN xuất khẩu gạo rất chặt chẽ. Sắp tới, Bộ Công Thương sẽ có báo cáo và đề nghị ngành ngân hàng có cơ chế phù hợp cho các DN lúa gạo để đảm bảo hài hòa giữa sự an toàn của ngân hàng và việc cung ứng vốn cho DN.

Với vai trò là cơ quan đầu mối điều hành xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương nhằm triển khai hiệu quả cao các giải pháp phát triển sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu gạo trong thời gian tới, bảo đảm công tác điều hành xuất khẩu gạo hiệu quả, góp phần ổn định nền kinh tế và nâng cao đời sống người nông dân.

Kết nối và chia sẻ thông tin trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu
Năm 2023 nhiều ngành xuất khẩu hứa hẹn đầy triển vọng
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh
Nguyễn Đăng
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động