Thứ sáu 22/11/2024 00:11

Để nâng tầm thương hiệu gạo Việt Nam

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trong bối cảnh mới, ngành lúa gạo đứng trước nhiều thách thức, rất cần một cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc điều phối các hoạt động chung ngành lúa gạo bên cạnh sự quản lý chuyên ngành của các bộ. Trước tình hình đó, bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương có ý tưởng và thống nhất việc đề xuất thành lập Hội đồng Lúa gạo Quốc gia.
Để nâng tầm thương hiệu gạo Việt Nam
Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức cuộc họp đề xuất thành lập Hội đồng lúa gạo Quốc gia ngày 6/8 Ảnh: Kim Dung

Thành lập Hội đồng lúa gạo Quốc gia là cần thiết

Phát biểu tại cuộc họp đề xuất thành lập Hội đồng Lúa gạo Quốc gia diễn ra mới đây, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Nguyễn Anh Sơn cho biết, trong 30 năm trở lại đây, nền nông nghiệp của chúng ta đã thể hiện vai trò, vị thế to lớn đối với phát triển kinh tế và ổn định chính trị xã hội, tạo sinh kế cho trên 60% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn và đóng góp gần 12% GDP của Quốc gia (năm 2023). Tuy nhiên, người sản xuất nông nghiệp vẫn tiếp tục nằm trong nhóm những người có thu nhập thấp.

Trong khi đó, diễn biến thị trường quốc tế đang đặt ra những thử thách đối với sự phát triển bền vững và khả năng cạnh tranh của ngành gạo Việt Nam. Chưa kể, việc điều chỉnh chính sách, chiến lược nhập khẩu gạo theo hướng đa dạng hóa nguồn cung, hạn chế nhập khẩu, tăng cường khả năng tự túc lương thực của các quốc gia tiêu thụ lúa gạo đã tác động bất lợi tới nhu cầu thị trường, tạo sức ép về giá, ảnh hưởng tới thị trường xuất khẩu của gạo Việt Nam.

Để nâng tầm thương hiệu gạo Việt Nam
Hoạt động sản xuất gạo tại Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam (Vinarice) đơn vị thành viên của Vinaseed. Ảnh: Vinaseed.

Để đảm bảo an ninh lương thực, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu bền vững, đáp ứng nhu cầu của người nhập khẩu đòi hỏi phải có sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự phối hợp, liên kết, điều phối một cách đồng bộ, của tất cả các ngành các cấp, các địa phương, của cả hệ thống chính trị trong phát triển sản xuất, xuất khẩu lúa gạo trong giai đoạn hiện nay. Quan điểm, chủ trương của Đảng về vai trò của lúa gạo đối với phát triển kinh tế - xã hội, kinh nghiệm của quốc tế và thực tiễn thời gian qua đều chỉ ra sự cần thiết thành lập Hội đồng lúa gạo Quốc gia.

Khung pháp lý đang bộc lộ nhiều vấn đề

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, bên cạnh sự phát triển về sản xuất và xuất khẩu lúa gạo là sự nỗ lực xây dựng, bổ sung các khung pháp lý và các chính sách thúc đẩy sản xuất và kinh doanh lúa gạo của ngành Nông nghiệp và ngành Công Thương trong suốt thời gian qua. Điển hình là Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo và các Chiến lược, Đề án của Chính phủ, các bộ ngành đã góp phần bình ổn thị trường nội địa, thúc đẩy sản xuất, chế biến, xuất khẩu; nâng cao vị thế, uy tín cho mặt hàng gạo Việt Nam.

Để nâng tầm thương hiệu gạo Việt Nam
Đề xuất thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia. Ảnh minh họa: Phúc Nguyễn.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay, các khung pháp lý hiện nay đang bộc lộ nhiều vấn đề cần xem xét, sửa đổi, bổ sung khi chưa tạo ra được những động lực đủ mạnh và một môi trường thuận lợi cho người sản xuất và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, thông tin, số liệu liên quan không đầy đủ, xác thực, kịp thời... Trong bối cảnh mới, rất cần một cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc điều phối các hoạt động chung ngành lúa gạo bên cạnh sự quản lý chuyên ngành của các bộ.

Đồng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Nguyễn Hồng Diên cũng khẳng định, ngành lúa gạo không chỉ đóng vai trò vai trò nòng cốt đối với an ninh lương thực Quốc gia mà còn là ngành có tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam, cũng là ngành góp phần làm nên thương hiệu Việt Nam. Mặc dù đã có thương hiệu nhưng DN chưa sử dụng được thương hiệu gạo Việt Nam trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu, chưa tạo được thương hiệu sản phẩm gạo Việt Nam trong lòng người tiêu dùng nước ngoài. Nguyên nhân chủ yếu là do ngành lúa gạo vẫn thiếu một chính sách phát triển ổn định, vững chắc. Do đó, để hướng đến mục tiêu đa dạng sản phẩm, thị trường và nguồn thu nhập cho người trồng lúa và vùng sản xuất lúa cần một cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, ngành hàng trong việc điều phối các hoạt động chung ngành lúa gạo, bên cạnh sự quản lý chuyên ngành của các Bộ, đó là Hội đồng Lúa gạo Quốc gia.

Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Nguyễn Ngọc Nam cho rằng, các năm, kim ngạch xuất khẩu lúa gạo đạt khoảng 4 tỷ USD, đây là ngành hàng giữ vị trí quan trọng do liên quan mật thiết đến vấn đề an ninh lương thực Quốc gia. Hiện nay, nhiều nước đã thay đổi chính sách nhập khẩu để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Việc thành lập Hội đồng Lúa gạo Quốc gia là cần thiết để phát triển sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững.
Xuất khẩu gạo, rau quả diễn ra tích cực
Phúc Nguyễn
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động