Thứ năm 25/04/2024 19:32

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi):Tạo cơ chế thuận lợi để Hà Nội phát triển

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tiếp tục chương trình làm việc của Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII, ngày 27/4, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn báo cáo tiếp thu, giải trình một số vấn đề đại biểu quan tâm về Báo cáo dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi):Tạo cơ chế thuận lợi để Hà Nội phát triển
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn phát biểu giải trình

Đề nghị rà soát chính sách phù hợp sự phát triển của Thủ đô

Theo đó, các đại biểu cơ bản đánh giá cao việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), đồng thời tập trung vào 12 nội dung Ban Cán sự Đảng UBND thành phố xin ý kiến. Đặc biệt, các đại biểu đã nêu nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ về việc hoàn thiện bộ máy chính quyền, khai thác công tư, phân quyền trong các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục.

“Đối với các ý kiến chỉ đạo của các đồng chí Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Cán sự Đảng UBND thành phố xin tiếp thu và bổ sung vào các quy định nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế, tạo cơ chế thuận lợi để Thủ đô phát triển theo đúng định hướng đã nêu tại Nghị quyết số 15/NQ-TƯ của Bộ Chính trị về định hướng phát triển Thủ đô” - Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn nói.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn cũng tổng hợp 11 nhóm ý kiến, trong đó, nhiều đại biểu đã nêu ý kiến về: Chính sách cải cách tiền lương, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao cả lĩnh vực công và tư; phân cấp, phân quyền cao hơn đối với cấp huyện… Một số đại biểu cũng nêu các ý kiến đóng góp về lĩnh vực quy hoạch nông nghiệp, đất rừng, bố trí nhà đất tái định cư ở nơi khác cho người dân bị thu hồi đất.

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi):Tạo cơ chế thuận lợi để Hà Nội phát triển
Các đại biểu tham dự hội nghị.

Liên quan đến việc khai thác quỹ đất hai bên sông Hồng, một số đại biểu đề xuất cho phép lập quy hoạch đê điều tại những tuyến sông có đê để quản lý khai thác hiệu quả hơn nhất là với khu vực nội đô lịch sử, tạo cảnh quan hai bên sông Hồng… để tiếp thu vào dự thảo luật

Một số đại biểu cũng nêu ý kiến về tỷ lệ đất để xây dựng công trình kiên cố trên đất nông nghiệp để làm kho bãi, nơi chế biến, bảo quản nông sản; duy trì bảo dưỡng công trình, tài sản công; đãi ngộ nghệ nhân thủ công làng nghề, trùng tu di sản văn hóa; xây dựng trung tâm y tế chất lượng cao; phát triển nhà ở xã hội; xây dựng cơ chế tài chính thuế phí miễn giảm thuế một số lĩnh vực để phát triển sản xuất kinh doanh theo hướng công nghệ cao, hiện đại; tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực sự nghiệp đầu tư công; quản lý nhân khẩu theo Luật Cư trú; hoàn thiện các quy định về quản lý tổ chức bộ máy…

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn, các nhóm ý kiến các đại biểu nêu đều là những nội dung phù hợp với quá trình phát triển Thủ đô theo đúng các định hướng của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 15/NQ-TƯ.

“Ban Cán sự Đảng UBND thành phố xin tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý, tổng hợp và hoàn thiện Báo cáo về Luật Thủ đô trước khi trình các cơ quan có thẩm quyền” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn cho biết.

Tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Trong phát biểu kết luận Hội nghị, liên quan đến báo cáo tình hình xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng cho biết, Ban Chấp hành đảng bộ TP ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của Ban Chỉ đạo xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) và Ban Cán sự Đảng UBND TP đã tích cực phối hợp chặt chẽ với Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp để xây dựng các hồ sơ, tài liệu, tổ chức các Hội nghị, Hội thảo, nghiên cứu, đề xuất, hoàn thiện các chính sách đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) một cách bài bản, khoa học. Đồng thời, được Chính phủ đã đánh giá cao và cơ bản thông qua 9 nhóm chính sách trong Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật làm cơ sở để TP chủ động triển khai xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi):Tạo cơ chế thuận lợi để Hà Nội phát triển
Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết tại Hội nghị lần thứ mười hai, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII.

Mặc dù vậy, theo ý kiến góp ý và thẩm tra của các Bộ, ngành Trung ương, các Ủy ban của Quốc hội, vẫn còn một số nội dung chính sách và quy định quan trọng của dự thảo Luật cần được tiếp tục nghiên cứu, làm rõ. Nhiều nội dung phải cụ thể hóa hơn nữa để làm rõ hơn nội hàm, khái niệm, thẩm quyền, trình tự và thủ tục thực hiện. Ban Chấp hành Đảng bộ TP giao Ban Cán sự Đảng UBND TP tổng hợp tiếp thu đầy đủ những ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội nghị để tiếp tục hoàn thiện thêm một bước nữa dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Trong đó, về nguyên tắc, đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND TP tiếp tục củng cố, hoàn thiện về nội hàm, cơ sở lý luận, thực tiễn của chính sách để đảm bảo tính khả thi, hợp lý và có tính thuyết phục cao khi đưa ra đề xuất với Trung ương, Chính phủ và Quốc hội.

Tiếp tục rà soát, tiếp thu, thể chế hóa tối đa những điểm đột phá, đặc thù tại các Nghị quyết, chủ trương của Đảng, Chính phủ, Quốc hội liên quan đến Thủ đô, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị. Đồng thời, bám sát quá trình xây dựng, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh để nghiên cứu, chọn lọc những chính sách đặc thù, có sự tương đồng giữa 2 TP lớn, đô thị đặc biệt của cả nước. Rà soát các chính sách về đầu tư, tài chính - ngân sách, quy hoạch, đất đai, xây dựng, giao thông, môi trường, văn hóa, khoa học và công nghệ, tổ chức bộ máy, biên chế để bổ sung, hoàn thiện…

“Ba nội dung vừa nêu trên là các nội dung rất quan trọng đối với sự phát triển lâu dài, bền vững của Thủ đô, có mối quan hệ mật thiết với nhau. Theo Kế hoạch đã đề ra, dự kiến 3 nội dung nêu trên sẽ cố gắng trình Bộ Chính trị vào những tháng cuối năm 2023. Thời gian còn lại không nhiều trong khi khối lượng công việc còn rất lớn, do đó, để đảm bảo tiến độ, Ban Cán sự Đảng UBND TP cần phải xây dựng kế hoạch với tiến độ chi tiết, cụ thể và phân công nhiệm vụ cụ thể tới từng cơ quan, đơn vị, từng cá nhân. Bộ phận thường trực tổ chức giao ban hàng tuần để kiểm điểm công việc theo tiến độ đề ra, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền các khó khăn, vướng mắc” - Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng chỉ đạo.

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6
Sửa đổi Luật Thủ đô: Cần cơ chế đặc thù để phát triển hệ thống y tế hiện đại
Đề xuất Ban Chấp hành Đảng bộ TP cho ý kiến 12 vấn đề trong xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi)
Thanh Hải - Thuỷ Tiên - Trần Long
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động