Thứ ba 26/11/2024 03:57

Doanh nghiệp Hà Nội trong công cuộc chuyển đổi số còn nhiều gian nan

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Chuyển đổi số đang là một xu hướng tất yếu với doanh nghiệp. Tuy nhiên việc triển khai chuyển đổi số trong doanh nghiệp ở Hà Nội còn nhiều khó khăn, xuất phát từ nhiều nguyên nhân trong đó có vấn đề kinh phí. Tìm lời giải cho những bước tiến quan trọng trong hành trình này cần có sự đồng hành của chính quyền địa phương trong xây dựng chiến lược chuyển đổi số cho các doanh nghiệp...
Doanh nghiệp Hà Nội trong công cuộc chuyển đổi số còn nhiều gian nan

Doanh nghiệp Hà Nội trong công cuộc chuyển đổi số còn nhiều gian nan

Giải bài toán số hóa trong doanh nghiệp là kinh phí

Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp thủ đô Hà Nội đã nhận thức được rõ ràng rằng chuyển đổi số không chỉ là một xu hướng, mà còn là yếu tố quan trọng để duy trì và phát triển doanh nghiệp trong thế giới kỷ nguyên số. Tuy nhiên, đa phần các doanh nghiệp đều quan tâm và tỉ lệ thực hiện chuyển đổi không đồng đều.

Ông Hoàng Công Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã chỉ ra một loạt thách thức khiến quá trình chuyển đối số gặp khó khăn: Thách thức đầu tiên mà các doanh nhân, doanh nghiệp gặp phải đó là vấn đề tài chính. Đa số các doanh nhân trẻ, doanh nghiệp nhỏ có nguồn vốn hạn chế và không dễ dàng tiếp cận các nguồn tài trợ để triển khai chuyển đổi số. Đồng thời, họ cũng phải đối mặt với chi phí đào tạo nhân viên, mua sắm các thiết bị và phần mềm mới

Thực tế chi phí đầu tư vào các giải pháp công nghệ số và chi phí triển khai, duy trì công nghệ tương đối cao so với các chi phí khác mà doanh nghiệp đang phải chịu. Như, phí triển khai chuyển đổi số, chi phí đào tạo nhân sự để thích ứng với quy trình mới, chi phí đầu tư cho hạ tầng công nghệ thông tin, chi phí bảo vệ an ninh - an toàn dữ liệu,... Các chi phí cố định này cũng không đáng sợ bằng việc trang bị đầu tư có thể lên đến hàng tỷ đồng mà không thấy rõ kết quả, lợi ích của chuyển đổi số.

Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa có định hướng chiến lược rõ ràng về chuyển đổi số. Để chuyển đổi số thành công, các doanh nghiệp cần phải có một chiến lược, lộ trình rõ ràng và hiệu quả để định hướng. Chiến lược này nên đảm bảo rằng các công nghệ mới được triển khai một cách liên tục và hiệu quả, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của doanh nghiệp. Lộ trình chuyển đổi số toàn diện nên bao gồm các giai đoạn chuẩn bị và bước đệm để chuyển dần từ “doing digital” sang “being digital”.

Ông Lê Tuấn Linh, Giám đốc Công ty TNHH Nam Linh, đang vận hành hai xưởng may với quy mô 250 lao động tại quận Long Biên (Hà Nội) chia sẻ: Là doanh nghiệp chuyên sản xuất sản phẩm may mặc, việc chuyển đổi số trong bán hàng và marketing là hai lĩnh vực mà doanh nghiệp rất quan tâm để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, doanh nghiệp đang khá băn khoăn về tiến trình này bởi những hạn chế về nguồn nhân lực và tài chính cũng đang là rào cản rất lớn. Dù công ty đã có chuyên viên kỹ thuật nhưng những công việc như lập trình, xử lý lỗi ứng dụng thì phải thuê, mua từ các đơn vị cung cấp bên ngoài với chi phí rất đắt đỏ.

Hà Nội đang hướng tới mục tiêu trở thành 1 trong 5 địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số và xây dựng chính quyền điện tử vào năm 2025. Để đạt được điều đó, Tiến sĩ Nguyễn Văn Yên, thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) cho rằng, Hà Nội cần tăng tỷ lệ chi ngân sách hằng năm cho chuyển đổi số và khoa học, công nghệ. Trong Luật Thủ đô (sửa đổi) phải cho phép Hà Nội có thể điều chỉnh các chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp công nghệ để có thể thu hút và khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ đến với Thủ đô, cũng như khuyến khích các doanh nghiệp tăng tỷ trọng đầu tư vào khoa học, công nghệ.

Nhằm hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, trong năm 2022, UBND TP. Hà Nội đã ban hanh kế hoạch "Hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025”. Kế hoạch cũng dự kiến kinh phí thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số là 315,164 tỉ đồng; trong đó, ngân sách thành phố chi 195,364 tỉ đồng, còn lại doanh nghiệp đóng góp và huy động từ các nguồn khác là 119,8 tỉ đồng.

Chuyển đổi số đưa doanh nghiệp tiếp cận thị trường toàn cầu

Thực tiễn cho thấy, đẩy mạnh chuyển đổi số ở Hà Nội cũng tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển của các start up, các doanh nghiệp công nghệ. Các doanh nhân trẻ có thể tận dụng các nền tảng trực tuyến để tiếp cận vốn đầu tư, tìm kiếm đối tác và xây dựng mạng lưới kinh doanh.

Ông Hoàng Công Đoàn: Một trong những cơ hội quan trọng nhất trong chuyển đổi số là khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu. Với sự phổ biến của Internet và các công nghệ kết nối, các doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận và tiếp thị sản phẩm của mình đến khách hàng trên khắp thế giới. Việc xây dựng một trang web, tham gia vào các nền tảng thương mại điển tử và sử dụng các công nghệ quảng cáo trực tuyển là những cách hiệu quả để tiếp cận khách hàng quốc tế và tăng doanh số bán hàng.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc chuyển đổi số và là mục tiêu quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng chuyển đổi số cần đi từ nhu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp, phục vụ cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp thuận lợi tạo ra các sản phẩm mới mang đến những giá trị cao hơn trong cuộc sống. Không nên chỉ xem (chuyển đổi số) là chiếc áo đẹp bên ngoài để quảng bá hình ảnh, thương hiệu.

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã
Đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và cải cách hành chính
Xây dựng quy trình mẫu trong thực hiện cải cách hành chính, chuyển đổi số
Ngô Sơn
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động