Diện mạo ngành Giáo dục Thủ đô có nhiều chuyển biến tích cực
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHà Nội dẫn đầu cả nước về số lượng điểm 10 kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Ảnh: Ngọc Tú |
Mạng lưới trường học trên địa bàn Thủ đô được mở rộng
Theo đó, mạng lưới trường lớp trên địa bàn thành phố Hà Nội được mở rộng và không ngừng phát triển. Năm học 2022-2023, toàn thành phố có hơn 2.800 trường mầm non, phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên với gần 2,2 triệu học sinh, gần 123.000 giáo viên. Sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính, điều mà người dân Thủ đô dễ nhận thấy nhất là diện mạo các nhà trường có sự thay đổi rõ rệt. So với năm 2008, ngành Giáo dục Hà Nội tăng 537 trường và hơn 28.000 phòng học. Tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày ở các cấp học đều tăng. Năm học 2022-2023, toàn thành phố có 100% nhóm lớp mầm non học 2 buổi/ngày và ăn bán trú; tỷ lệ học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học đạt 96,8%, cấp trung học đạt 32,8%; so với năm học 2008-2009 lần lượt là 89,6-80% và 21,3%.
Hà Nội còn có nhiều cơ chế, chính sách phát triển đa dạng loại hình trường học. Học sinh có thể chọn học trường tư thục, trường có yếu tố nước ngoài, trường nghề... Không chỉ bảo đảm đủ chỗ học, Hà Nội còn tập trung nguồn lực để xây dựng trường lớp đáp ứng các tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định nhằm góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Thủ đô. Chỉ tiêu xây dựng trường chuẩn quốc gia được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, có sự chung sức vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở và sự đồng hành của Nhân dân.
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội đặt chỉ tiêu đến năm 2025, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia đạt mức 80-85%. Tính đến tháng 7/2023, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia của toàn thành phố là 72,5%. Ngày càng có nhiều học sinh được học trong những ngôi trường khang trang, hiện đại, đạt chuẩn về mọi mặt.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng đã chủ động tham mưu UBND Thành phố để có nhiều giải pháp ổn định công tác tuyển sinh vào các lớp đầu cấp, phân tuyến hợp lý. Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo có nhiều tiến bộ. Chỉ số cải cách hành chính của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tiếp tục giữ vững vị trí trong top 10 sở, ngành, cơ quan thuộc Thành phố. Đặc biệt, Sở đã thành lập Trung tâm Điều hành giáo dục thông minh (IOC) phục vụ công tác quản trị, điều hành các hoạt động giáo dục trên toàn Thành phố.
Hà Nội luôn ưu tiên dành nguồn lực cho giáo dục
Những năm gần đây, khoảng cách về điều kiện dạy học, chất lượng giáo dục giữa các trường ở khu vực ngoại thành và nội thành ngày càng được thu hẹp. Với chủ trương coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, trong bất kỳ thời điểm nào, thành phố Hà Nội luôn ưu tiên dành nguồn lực để hỗ trợ nhiều nhất cho các huyện còn khó khăn, trong đó có Ba Vì - đơn vị có nhiều xã miền núi, tỷ lệ học sinh người dân tộc cao.
Cụ thể, toàn huyện hiện có 120 trường học với hơn 76.000 học sinh. Bên cạnh sự hỗ trợ của Thành phố, chỉ tính từ năm 2013 đến nay, huyện đã xây dựng mới, nâng cấp 236 dự án trường học với tổng kinh phí hơn 3.800 tỷ đồng; dành 24,8 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị dạy học chương trình giáo dục phổ thông mới... Nhờ đó, chất lượng giáo dục của Ba Vì đã tăng 4 bậc, từ vị trí thứ 17/30 vào năm học 2020-2021 lên thứ 13 vào năm học 2021-2022...
Tương tự, tại huyện Mê Linh, ngay từ khi được sáp nhập về Hà Nội đến hết 2022, huyện đã tập trung đầu tư mở rộng quỹ đất, xây dựng bổ sung cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho các nhà trường trực thuộc huyện với tổng mức kinh phí là trên 2.500 tỷ đồng. Diện tích đất đã mở rộng cho các nhà trường là 151.040,4m2, xây mới 620 phòng học, 364 phòng học bộ môn/thực hành, 35 nhà giáo dục thể chất. Hiện nay, toàn huyện đã triển khai xong quy hoạch tổng thể mặt bằng tỷ lệ 1/500 cho tất cả các trường từ Mầm non đến THCS. Trên cơ sở quy hoạch triển khai đầu tư xây dựng các hạng mục công trình theo quy hoạch đã duyệt.
Thay đổi tích cực của các trường ở vùng ngoại thành đã góp phần tạo nên sức bật chung của toàn Thành phố về chất lượng giáo dục toàn diện trong 15 năm qua. Hà Nội luôn nằm trong tốp các địa phương dẫn đầu cả nước về tỷ lệ học sinh khá, giỏi và tỷ lệ học sinh có hạnh kiểm tốt; được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3, trong khi năm học 2008-2009 tỷ lệ học sinh THCS đi học mới đạt 91,03%.
Đáng chú ý, tỷ lệ tốt nghiệp THPT cũng có chuyển biến rõ rệt. Nếu như năm học 2008-2009 toàn thành phố có tỷ lệ tốt nghiệp đạt 91,87%, thì tới năm học 2022-2023 đạt 99,56% (tăng 7,67%). Nhiều năm liên tục, học sinh Hà Nội giữ vững vị thế dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Năm học 2022-2023, Hà Nội dẫn đầu cả nước trong kỳ thi quốc gia với 141 học sinh đạt giải.
Diện mạo của ngành Giáo dục và Hà Nội hôm nay đã khác rất nhiều so với 15 năm trước. Với vị trí là Thủ đô của cả nước, đòi hỏi ngành vẫn cần có sự cố gắng, nỗ lực lớn hơn nữa để đáp ứng được những yêu cầu phát triển mới của Thủ đô.
Quyết tâm cao, chủ động và sáng tạo - khởi nguồn của thành công | |
Hà Nội vươn mình bứt phá | |
Là tiền đề quan trọng để tạo động lực phát triển Thủ đô |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại