Thứ sáu 22/11/2024 03:16
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị:

Quyết tâm cao, chủ động và sáng tạo - khởi nguồn của thành công

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
15 năm sau dấu mốc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô (1/8/2008 - 1/8/2023) theo Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội (khóa XII) “Về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh có liên quan”, Hà Nội đã có những bước phát triển vượt bậc…
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị.

Nhân dịp này, Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trò chuyện với đồng chí Phạm Quang Nghị - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội để thấy được những khó khăn, bộn bề công việc trong giai đoạn đầu triển khai một quyết định mang tầm vóc lớn, đồng thời cũng khẳng định niềm tin về một Hà Nội sẽ phát triển hơn nữa trong tương lai.

Khó khăn nhiều, quyết tâm, trách nhiệm càng phải lớn

Năm 2008, khi Nghị quyết số 15/2008/QH12 (Nghị quyết 15) có hiệu lực, Hà Nội đứng trước một khối lượng công việc khổng lồ, khó khăn, trăn trở cũng không ít. Như đồng chí đã từng nói “công việc của Hà Nội nhiều như nước sông Hồng”. Là người đứng đầu Đảng bộ Thủ đô thời điểm đó, thưa đồng chí, Đảng bộ TP Hà Nội đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Nghị quyết như thế nào?

- Nhớ lại khi Đảng bộ TP Hà Nội bắt tay vào việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội, một khối lượng công việc vừa hết sức to lớn về quy mô, lại vừa khó khăn, gấp gáp về thời gian, điều kiện thực hiện. Toàn bộ đội ngũ cán bộ của TP khi ấy phải làm việc không kể ngày, giờ. Hơn nữa, có rất nhiều việc mới, việc khó, chưa có tiền lệ. Từ 1/8/2008, khi Nghị quyết của Quốc hội có hiệu lực, TP Hà Nội phải có ngay một bộ máy lãnh đạo mới (cấp TP). Mọi hoạt động kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối nội (quan hệ với Trung ương, với các địa phương trong cả nước) và đối ngoại, đều cần phải triển khai đồng bộ, kịp thời, thậm chí còn đòi hỏi phải khẩn trương, nhanh chóng, hiệu quả hơn trước.

Cần nói thêm, thời điểm Nghị quyết 15 của Quốc hội ra đời cũng là lúc cả TP đang phải dốc sức triển khai các công việc chuẩn bị cho kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Công tác kỷ niệm ở đây không chỉ tổ chức lễ hội, mít tinh… mà là hàng trăm, hàng nghìn dự án, công trình lớn nhỏ đang đặt trên vai TP. Thời điểm đó, không ít người đã rất lo, liệu TP Hà Nội có kham nổi, quản lý được chừng ấy công việc không? TP Hà Nội sẽ tổ chức sắp xếp tổ chức, cán bộ nhập lại từ hai địa phương: Một Thủ đô và một tỉnh (Hà Tây), cộng thêm huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc), bốn xã của huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) ra sao?

Nhớ lại giai đoạn đầu ấy, khó khăn chồng chất, thậm chí có cả một bộ phận cán bộ, Nhân dân lo ngại, thiếu tin vào quyết định mở rộng, hợp nhất các địa phương vào TP Hà Nội. Nhưng cũng tại thời điểm ấy, lãnh đạo TP đã xây dựng được tinh thần chủ động, năng động, một quyết tâm và ý chí rất cao trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là ở cấp TP. Dường như tất cả mọi người đều gác bỏ tâm tư, nguyện vọng, tính toán cá nhân qua một bên để cùng nhau lo công việc chung, đúng với tinh thần lúc ấy lãnh đạo TP đề ra: Đoàn kết, hợp tác, trách nhiệm!.

Vậy đứng trước một vấn đề khó khi đó là “bộ máy nhân đôi”, đồng chí và lãnh đạo TP đã giải quyết ra sao để tạo ra sự ổn định và phát triển của Thủ đô ngay từ những ngày đầu thực hiện Nghị quyết?

- Mọi công việc đều bắt đầu từ con người, vì con người, do con người. Câu nói: “Cán bộ quyết định tất cả” là sự nhấn mạnh nhân tố con người, đặc biệt là vai trò của người lãnh đạo. Bên cạnh đó, ai cũng hiểu, vai trò của quần chúng Nhân dân mới là nhân tố quyết định nhất. Nhưng chủ trương, biện pháp… phải bắt đầu từ lãnh đạo.

Vì có được nhận thức như vậy, nên trong quá trình tổ chức thực hiện, Ban Thường vụ và đặc biệt là Thường trực Thành ủy Hà Nội (sau hợp nhất) đã đặc biệt quan tâm phải làm thật tốt công tác sắp xếp, tổ chức bộ máy và cán bộ. Thời điểm đó đây là việc quan trọng và cũng là khó khăn nhất.

Lãnh đạo TP Hà Nội tặng hoa chúc mừng đồng chí Phạm Quang Nghị nhận Huân chương Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Hải
Lãnh đạo TP Hà Nội tặng hoa chúc mừng đồng chí Phạm Quang Nghị nhận Huân chương Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Hải

Nói sắp xếp, nghe qua như không có gì đặc biệt: Hai Sở, hai Ban, hai Hội, hai HĐND, hai cấp ủy… nay nhập thành một; riêng Bộ Tư lệnh Thủ đô, 3 đơn vị nhập thành một (lúc đó còn có Bộ Tư lệnh Quân khu Thủ đô). Cái khó không hẳn là ở việc tách nhập, mà là sắp xếp bố trí cán bộ lãnh đạo, ai trưởng, ai phó… Đó là công tác liên quan đến con người, tư tưởng, tâm lý, quyền lợi của từng cán bộ.

Hai trưởng, hai phó thường trực, nay còn một; số lượng cấp phó tăng lên gấp đôi; số dôi dư giải quyết thế nào? Điều chuyển anh em đi đâu, về đâu? Họ chẳng có sai lầm, khuyết điểm gì, bây giờ phải làm sao? Có thể nói, khi làm việc với các cơ quan Trung ương, tôi là người đã hết sức bênh vực, bảo vệ quyền lợi anh em cán bộ trước những yêu cầu, đòi hỏi phải giảm cán bộ lãnh đạo một cách rất máy móc.

Đi vào cụ thể, công tác sắp xếp, bố trí cán bộ phải làm hết sức công tâm, dân chủ, khách quan. Phải căn cứ trước hết vào trình độ, năng lực cụ thể của từng cán bộ; đồng thời phải đối chiếu với đòi hỏi của từng công việc để bố trí anh em vào từng vị trí. Phải chấp nhận tình huống quá độ, giải quyết từng khâu, từng bước, không thể đột ngột thuyên chuyển, bố trí con người một cách máy móc, giản đơn. Nếu vội vàng, hấp tấp sẽ làm phát sinh những hậu quả, khó khăn mới.

Ví dụ, Sở Văn hóa - Thể thao trước đó chưa lâu vừa đưa Sở Du lịch nhập vào, sau khi hợp nhất, Sở này có một giám đốc và 13 phó giám đốc. Phải từng bước bố trí, luân chuyển anh em về quận, huyện, giữ các chức vụ tương đương, chế độ tiền lương, phụ cấp… được giữ nguyên. Có như vậy anh em mới yên tâm công tác.

Nói chung, công tác cán bộ là công tác liên quan đến con người. Nếu làm dân chủ, công khai, công tâm, không có tiêu cực, mọi người dù muốn hay không đều phải chấp hành; tâm phục, khẩu phục; còn không, mọi việc sẽ càng thêm khó. Nếu ai cũng lo chạy chỗ, chạy chức, chạy quyền; ai cũng thắc mắc, tị nạnh thì còn tâm trí đâu mà lo việc chung. Nói “Đoàn kết - Hợp tác - Tránh nhiệm” đấy mới là chủ trương, là khẩu hiệu, nhưng đi vào sắp xếp - bố trí cán bộ có đúng thì mới “Đoàn kết - Hợp tác - Trách nhiệm” được. Theo tôi, đó là bài học lớn, rất thành công khi tổ chức thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội.

Sau 15 năm nhìn lại, đâu là dấu ấn đồng chí nhớ nhất trong những ngày đầu thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội?

- Chủ trương mở rộng địa giới hành chính Thủ đô trong quá trình bàn bạc, thảo luận, lấy ý kiến các tổ chức, cơ quan… không phải không gặp những khó khăn. Khi đó, có một bộ phận không nhỏ (kể cả các đại biểu Quốc hội) lúc đầu không tán thành. Rất nhiều những sự lo ngại được đặt ra: về năng lực tổ chức thực hiện, năng lực quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền TP sau khi hợp nhất; về sự đoàn kết, hợp tác của đội ngũ cán bộ từ hai nơi hợp nhất lại; việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa của các địa phương, vùng miền…

Mặc dù khi biểu quyết chính thức, đại đa số đại biểu Quốc hội nhất trí thông qua chủ trương mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, nhưng những khó khăn trên thực tế vẫn còn đó. Lúc đó có cả những ý kiến lo ngại: “Hãy chờ đấy… sau vài năm lại chẳng lo mà tách ra như một số tỉnh, thành trước đây sau khi nhập lại tách…”.

Những điều lo ngại ấy không phải không có cơ sở. Nhưng, cũng chính vì những điều ấy mà lãnh đạo TP Hà Nội càng quyết tâm, càng phải nêu cao trách nhiệm; càng phải làm thật tốt công tác tổ chức thực hiện thành công Nghị quyết 15 của Quốc hội khóa XII. Đấy là một nhiệm vụ hết sức khó khăn, quan trọng và nặng nề.

Đó là những ngày tháng rất đáng nhớ đối với tôi.

Hà Nội ngày càng phát triển. Ảnh: Hoàng Hà
Hà Nội ngày càng phát triển. Ảnh: Hoàng Hà

Hà Nội có những yêu cầu, đòi hỏi mang tính đặc thù, khách quan

Hà Nội đang trên đà phát triển mạnh mẽ cả về kinh tế, văn hóa, đời sống Nhân dân…; sự hòa hợp của những sắc thái văn hóa, của các vùng miền khác nhau… Là người gắn bó nhiều năm với Hà Nội, cá nhân đồng chí nhận định thế nào về những đổi thay toàn diện của TP hôm nay?

- Từ thực tế, mỗi người đều có thể cảm nhận được sự phát triển, đổi thay của Hà Nội so với trước thời điểm trước mở rộng. Điều ấy có nghĩa chủ trương mở rộng địa giới hành chính Thủ đô là đúng đắn. Một điều hết sức đơn giản, nếu không mở rộng địa giới hành chính thì Hà Nội không đủ không gian để phát triển, để xây dựng một Thủ đô văn minh, hiện đại, xứng với đất nước có quy mô dân số sẽ là trên một trăm triệu dân.

Sau khi mở rộng, Hà Nội không chỉ giữ vững được tốc độ tăng trưởng cao, xứng đáng vị trí đầu tàu và là động lực phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ mà ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế của cả nước. Nếu nhìn trên các con số, thu nhập bình quân đầu người tính theo GRDP, năm 2022 đạt 141,8 triệu đồng - khoảng 5.950 USD, gấp 1,45 lần cả nước (khoảng 4.110 USD) và gấp 3,5 - 3,8 lần so với năm 2008 (37,4 triệu đồng - khoảng 1.697 USD). Đây là con số rất ý nghĩa, vì mục tiêu của tăng trưởng kinh tế là để nâng cao, cải thiện đời sống người dân.

Dấu ấn nữa là sự thay đổi lớn về diện mạo Thủ đô cả ở khu vực đô thị và nông thôn. Một không gian đô thị xanh, văn minh, hiện đại đang dần trở thành hiện thực với rất nhiều khu đô thị mới mọc lên, những tuyến đường vành đai, trục hướng tâm, những cây cầu lớn… Với sự đầu tư rất lớn cả về chính sách và nguồn lực cho khu vực nông thôn, Hà Nội đã giải nhiều bài toán khó về sự mất cân đối, xóa dần đi những khó khăn, chênh lệch về mức sống, thu nhập của những vùng nông thôn, miền núi so với ngày đầu mở rộng.

Diện mạo nông thôn đổi thay tích cực theo hướng ngày một văn minh, hiện đại, mà ở đó, các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống vẫn được lưu giữ và phát huy. Tôi được biết, đến nay, Hà Nội 100% các xã, 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới; 111 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Trong vấn đề hội nhập quốc tế, Hà Nội cũng khẳng định được vị thế khi đã có quan hệ hữu nghị, hợp tác với hơn 100 thủ đô, TP, vùng, địa phương trên thế giới. Hàng năm, nhiều sự kiện đối ngoại kinh tế, văn hóa quy mô lớn do Thủ đô Hà Nội chủ trì hoặc được tổ chức trên địa bàn nhận được sự đánh giá cao của bạn bè quốc tế. Cùng với danh hiệu “TP vì hòa bình”, Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên của Việt Nam được tổ chức UNESCO công nhận là thành viên của “Mạng lưới TP sáng tạo”; cùng với đó Hà Nội cũng đang hướng đến phát triển “TP thông minh”… đây chính là những bước phát triển mạnh mẽ của Thủ đô.

Tuy nhiên, Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, năng lực của đội ngũ cán bộ còn nhiều bất cập, nên những hệ lụy, những khó khăn, thử thách nảy sinh là khó tránh khỏi. Như vấn đề mất cân đối trong phát triển đô thị. Hạ tầng xã hội không theo kịp sự phát triển của nhà ở và dân cư, dẫn đến thiếu trường học ở một số nơi.

Rất nhiều khu chung cư cũ đã xuống cấp nghiêm trọng, TP muốn cải tạo, xây mới mà chưa làm được... Cùng với đó là trong quản lý trật tự xây dựng, quy hoạch cũng còn khá nhiều bất cập. Vấn đề văn hóa ứng xử của người Hà Nội cũng đang đặt ra những vấn đề phải lưu tâm. Ai cũng mong TP Hà Nội phải làm nhanh hơn, tốt hơn.

Cùng với trách nhiệm của TP, tôi nghĩ, vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành Trung ương đối với Thủ đô cũng cần phải được quan tâm hơn để cùng với TP Hà Nội giải quyết những vấn đề đang đặt ra. Ví dụ như đẩy nhanh việc di dời trụ sở các bộ, ngành, bệnh viện, trường đại học ra khỏi nội đô Hà Nội; bàn giao quỹ đất cho TP sau khi di dời… Đặc biệt là, Trung ương cần phải phân cấp mạnh mẽ hơn, cho phép Hà Nội được thực hiện những cơ chế, chính sách, quyền hạn phù hợp với vị trí, vai trò Thủ đô Hà nội.

Cùng với thành tựu đã có, Hà Nội đang tiến hành rất nhiều nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị “về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó có việc sửa đổi Luật Thủ đô. Vậy theo đồng chí, đâu là những vấn đề nổi bật TP cần tiếp tục quan tâm trong thời gian tới?

- Đây đều là những vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển Thủ đô, nhằm xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng văn mình, hiện đại.

Tôi nghĩ, nội dung trọng tâm, vừa là cốt lõi, vừa mang tính bao trùm, trước hết là cần phải nhận thức thật đúng vị trí, vai trò, nghĩa vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Thủ đô Hà Nội “là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế”. Thật ra những vấn đề đó đều đã được khẳng định không chỉ trong Luật Thủ đô, trong Nghị quyết số 15 của Bộ chính trị, mà cả trong Hiến pháp.

Cùng với đó, Hà Nội còn là Thủ đô có truyền thống văn hiến hàng nghìn năm, vừa mang những giá trị, cốt cách văn hóa, tinh hoa của người Hà Nội, vừa mang những giá trị, cốt cách của người Việt Nam, của cả nước. Đó là những giá trị mang tính biểu tượng cao của Thủ đô Hà Nội.

Hà Nội có một vị trí vai trò đặc biệt như vậy, nhưng cho đến nay chúng ta vẫn còn thiếu những cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp để Hà Nội làm được vai trò ấy. 15 năm trước, khi thảo luận xây dụng Luật Thủ đô, không ít đại biểu Quốc hội còn cho rằng, Hà Nội cũng chỉ là một TP trực thuộc T.Ư, không cần phải có các cơ chế, chính sách đặc thù. Hoặc nếu có, cũng chỉ là những quy định không được vượt quá những điều, khoản mà các bộ Luật khác đã quy định. Đó là những suy nghĩ rất không phù hợp với yêu cầu xây dựng, quản lý, phát triển Thủ đô.

Tới đây đề nghị sửa đổi Luật Thủ Đô, trước khi đi vào những quy định cụ thể, chi tiết, vấn đề trước tiên là phải thống nhất về nhận thức: Hà Nội là Thủ đô của cả nước. Xây dựng Luật Thủ đô vừa cho TP Hà Nội, cho chính quyền và người dân Hà Nội, nhưng cũng là cho cả nước.

Một Thủ đô có vị thế xứng tầm với một đất nước có quy mô dân số 100 triệu dân, có truyền thống lịch sử, văn hóa rất đáng tự hào; đáp ứng được những yêu cầu trước mắt và lâu dài xây dựng và phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại... TP Hà Nội cần phải có những cơ chế, chính sách vượt trội, đặc thù; những nghĩa vụ, quyền hạn, trách nhiệm tương xứng với vị trí, vai trò là Thủ đô của đất nước.

Nếu không bổ sung, sửa đổi được những yêu cầu, đòi hỏi này, thì việc sửa đổi Luật Thủ đô vẫn sẽ không đáp ứng được những yêu cầu của cuộc sống. Đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng để Hà Nội thực hiện được những mục tiêu lớn đã được xác định trong Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị. Đó cũng chính là những yêu cầu, đòi hỏi của Nhân dân cả nước đối với Thủ đô.

Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Phải nói rằng, từ chủ trương lớn, quan trọng, hệ trọng của Trung ương về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô - một chủ trương đúng đắn, với tầm nhìn dài hạn, cùng với những biện pháp tổ chức triển khai thực hiện cụ thể, sáng tạo của Đảng bộ TP Hà Nội đã thể hiện sự xuyên suốt, thống nhất: quyết tâm cao, chủ động, trách nhiệm và sáng tạo. Đó là khởi nguồn, là nguyên nhân của mọi thành công.

Nguyên Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị

15 năm mở rộng địa giới hành chính Hà Nội: Bước ngoặt trên con đường xây dựng, phát triển Thủ đô
Bước đột phá sau 15 năm Hà Nội mở rộng địa giới hành chính
Nông thôn Hà Nội đã có những thay đổi căn bản, toàn diện
Minh Hiền thực hiện
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»
Công dân Việt Nam không nên đến Ucraina trừ trường hợp thực sự cần thiết

Công dân Việt Nam không nên đến Ucraina trừ trường hợp thực sự cần thiết

Trước diễn biến xung đột giữa Nga và Ucraina, trong đó có nguy cơ leo thang và lan rộng đến một số thành phố lớn của Ucraina, Bộ Ngoại giao Việt Nam khuyến cáo công dân Việt Nam...
Tổng Bí thư Tô Lâm: thực hiện thắng lợi cách mạng về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị

Tổng Bí thư Tô Lâm: thực hiện thắng lợi cách mạng về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị

Ngày 19/11, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.
Bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tổng Bí thư cho biết ngành giáo dục Việt Nam cần phấn đấu tăng hạng trên bản đồ giáo dục khu vực và quốc tế, đến năm 2030 Việt Nam trong 3 nước đứng đầu ASEAN.
Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý, bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa

Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý, bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa

Việt Nam kiên quyết, kiên trì thực hiện các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, để thực thi chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa của Việt Nam...
Xây dựng Thủ đô phát triển xứng tầm trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước

Xây dựng Thủ đô phát triển xứng tầm trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước

Ngày 21/11, Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ TP Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
Hội Luật gia TP Hà Nội đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba

Hội Luật gia TP Hà Nội đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba

Trong 2 ngày 19-20/11, tại Hà Nội đã diễn ra Đại hội Đại biểu Hội Luật gia TP Hà Nội lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2024-2029.
Tạo đột phá cho ứng dụng “Công dân Thủ đô số” - iHanoi

Tạo đột phá cho ứng dụng “Công dân Thủ đô số” - iHanoi

Sau gần 5 tháng triển khai, ứng dụng “Công dân Thủ đô số” - iHanoi đã trở thành kênh tương tác trực tuyến trên môi trường số giữa công dân, doanh nghiệp và chính quyền các cấp trên địa bàn TP Hà Nội. Hàng nghìn phản ánh, kiến nghị được xử lý nhanh chóng, đem lại sự hài lòng cho người dân.
Kỳ 3: Lan tỏa mô hình hay, mang lại lợi ích cho cộng đồng

Kỳ 3: Lan tỏa mô hình hay, mang lại lợi ích cho cộng đồng

Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội đã tích cực triển khai, lan tỏa nhiều mô hình hay, mang lại lợi ích cho cộng đồng. Một trong những mô hình tiêu biểu là “Chi hội phụ nữ văn minh trong việc cưới, việc tang”, góp phần quan trọng vào công tác tuyên truyền thực hiện Chỉ thị 11 của Thành ủy Hà Nội về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, trật tự văn minh đô thị.
Hội thảo Khoa học Quốc gia: Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam

Hội thảo Khoa học Quốc gia: Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam

Ngày 15/11, Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương và Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản đã tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia với chủ đề "Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn".

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động