Bài 2: Diện mạo mới của hệ thống y tế cơ sở được nâng cấp, cải tạo
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCơ sở vật chất khang trang được đầu tư nâng cấp, cải tạo tại Trạm y tế xã Minh Châu (Ba Vì, Hà Nội). Ảnh: Trạm y tế xã Minh Châu |
Hàng loạt cơ sở y tế tuyến huyện được xây mới, cải tạo
Theo số liệu thống kê của Sở Y tế Hà Nội, TP Hà Nội hiện có 30 trung tâm y tế trực thuộc, trong đó gồm 579 trạm y tế xã/phường/thị trấn, 53 phòng khám đa khoa, 4 nhà hộ sinh và các cơ sở điều trị Methadone.
Từ năm 2022 đến nay, theo Kế hoạch 139/KH-UBND của UBND TP Hà Nội thực hiện đầu tư 198 dự án y tế cơ sở (9 trung tâm y tế, 11 phòng khám đa khoa và 178 trạm y tế). Hệ thống y tế dự phòng của TP được đánh giá là khá hiệu quả, chất lượng công tác dự báo, giám sát, xử lý dịch bệnh đã được minh chứng qua việc đáp ứng với đợt dịch bệnh, đặc biệt là trong khống chế dịch bệnh Covid-19 vừa.
Cùng với phát triển mở rộng mạng lưới y tế cơ sở, thời gian qua công tác đầu tư nâng cấp, xây mới, cải tạo cho khối y tế được chú trọng và triển khai hiệu quả. Điển hình như Trạm y tế xã Minh Châu (Trung tâm y tế huyện Ba Vì), BV Đa khoa Mê Linh, BV Đa khoa Hoài Đức, BV Đa khoa Bắc Từ Liêm, BV Đa khoa Đống Đa.
BV Đa khoa huyện Mê Linh sau 15 năm xây dựng và phát triển (2008-2023), từ một BV với quy mô 50 giường bệnh năm 2008, đến nay, BV có quy mô 17 khoa, phòng, 280 giường kế hoạch, 371 giường thực kê với nhân lực 296 người, trong đó có 53 bác sĩ (2 bác sỹ chuyên II, 1 thạc sỹ, 12 bác sỹ chuyên khoa I và 38 bác sỹ).
BV Đa khoa huyện Mê Linh đã khẳng định được năng lực khám, chữa bệnh đúng tầm của BV tuyến huyện trong hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người dân, giảm tải rất nhiều cho các BV tuyến trên.
Trung bình mỗi ngày BV khám từ 600 - 900 lượt người, điều trị 300 - 350 bệnh nhân, thực hiện thành công các ca phẫu khó, đòi hỏi thuật kỹ thuật cao, nhiều bệnh nhân được cứu sống nhờ được cấp cứu kịp thời.
Từ tháng 6/2022, BV Đa khoa huyện Mê Linh triển khai mạnh mẽ công tác tin học hóa, ứng dụng phần mềm quản lý bệnh viện trong công tác khám, chữa bệnh. Đồng thời, BV chú trọng triển khai nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật khó để hạn chế chuyển tuyến điều trị cho bệnh nhân như: Tán sỏi qua da; nội soi dạ dày, đại tràng; mở khí quản; lọc máu cấp cứu, lọc máu chu kỳ; mổ thoát vị bẹn nội soi; kết hợp xương trên màn hình tăng sang; thay khớp háng bán phần - toàn phần;…
Mặc dù là một huyện còn khá khó khăn, BV Đa khoa huyện Ba Vì cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất khang trang, hiện đại. Thực hiện đổi mới, đa dạng hóa dịch vụ khám, chữa bệnh, xây dựng và triển khai phần mềm quản lý, chăm sóc sức khỏe của người dân được tốt hơn. Đồng thời, BV chú trọng triển khai nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật khó để hạn chế chuyển tuyến điều trị cho bệnh nhân như: Phẫu thuật thay khớp háng; phẫu thuật khớp gối; phẫu thuật lấy sỏi, tán sỏi niệu quản nội soi;…
Xã Minh Châu vốn là một xã đảo của huyện Ba Vì, có địa hình phức tạp. Nhờ mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, Trạm y tế xã Minh Châu được nâng cấp về cơ sở vật chất khang trang, đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho khoảng 6.500 dân trên địa bàn.
Năm 2013, Trạm y tế xã Minh Châu được UBND TP Hà Nội đầu tư xây mới 1 dãy nhà làm việc 3 tầng, có 20 phòng chức năng phục vụ công tác khám chữa bệnh cho Nhân dân trên địa bàn. Tháng 8/2019, Trạm y tế xã Minh Châu được UBND huyện Ba Vì bố trí kinh phí đầu tư sửa chữa cơ sở hạ tầng với tổng kinh phí 800 triệu đồng.
Bên cạnh cơ sở vật chất được đầu tư nâng cấp mới, Trạm y tế xã Minh Châu còn được chọn là 1 trong 4 xã điểm của Hà Nội, 26 xã điểm toàn quốc thực hiện thí điểm mô hình Trạm y tế xã, phường hoạt động theo nguyên lý y học gia đình.
Thời gian đầu thí điểm, trạm y tế được tăng cường bác sĩ từ BV Châm cứu Trung ương, Trung tâm Y tế huyện Ba Vì, Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội hỗ trợ nhân lực khám, điều trị sức khỏe cho người dân.
Kết quả 6 tháng đầu năm 2023, trạm đã khám được 2.816 lượt, trong đó, khám dự phòng là 454 lượt; khám bệnh chung là 2.362 lượt. Tỷ lệ bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị hợp lý đạt 90% trở lên. Không có sai sót về chuyên môn và tai biến trong điều trị.
Các kỹ thuật viên BV Đa khoa Mê Linh chụp X-quang tại giường cho người bệnh điều trị bằng hệ thống máy Xquang di động. Ảnh: BV Đa khoa Mê Linh |
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp dược
Hiện nay, trên địa bàn TP có 9.433 cơ sở, trong đó có 1.392 công ty bán buôn thuốc, 4.961 nhà thuốc, 3.048 quầy thuốc, 122 cơ sở kinh doanh dược với các hình thức tổ chức khác. Thành phố có 30 nhà máy sản xuất thuốc đạt GMP-WHO, GLP, GSP,… phân bố khu công nghiệp, phạm vi sản xuất mô hình hợp tác xã.
Mạng lưới nguồn cung cấp dược liệu mở rộng tại các vùng trồng nguyên liệu, tiêu biểu là mô hình nhà thuốc gia truyền của lương y Lý Văn Nguyên, mô hình Hợp tác xã Nam dược Tản viên Sơn (huyện Ba Vì) đầu tư nhà máy sản xuất dược liệu đạt tiêu chuẩn GMP.
Tại chợ đầu mối Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội), phố Lãn Ông (Hoàn Kiếm, Hà Nội) là nơi cung cấp thuốc đông nam dược cho các tỉnh, thành phố và nhiều làng, xã chuyên trồng và kinh doanh các thuốc đông nam dược như Hợp tác xã thuốc nam Chùa Bộc, xã Vĩnh Quỳnh (Thanh Trì), xã Hồng Dương (Thanh Oai)...
Một số doanh nghiệp đã nuôi trồng hoặc liên doanh liên kết với các tổ chức, cá nhân để nuôi trồng dược liệu đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt nuôi trồng và thu hái” như Cty CP Dược thảo Thiên Phúc, Cty CP dược Sơn Lâm...
Hệ thống kiểm nghiệm thuốc ở Thủ đô được sự quan tâm, đầu tư, đáp ứng yêu cầu công tác trên địa bàn. Toàn TP hiện nay có 5 cơ sở kiểm nghiệm thuốc. Tuy nhiên, cơ sở vật chất (hệ thống kho hóa chất, kho lưu mẫu, hệ thống các phòng thử nghiệm, hệ thống xử lý nước tinh khiết cho phòng thí nghiệm, xử lý chất thải...) đã xuống cấp nhưng chưa thực hiện nâng cấp nhiều.
Hà Nội cũng là địa phương có số lượng các cơ sở bán lẻ thuốc tăng cao. Thực trạng bất cập là việc phân bố vùng chưa đồng đều. Hiện các cơ sở bán lẻ thuốc tập trung nhiều tại cổng các BV, một số nhà thuốc nằm sâu trong ngõ ngách gây không ít khó khăn cho hoạt động quản lý, kiểm soát chất lượng thuốc.
Qua 15 năm đổi mới và phát triển, hệ thống y tế Thủ đô đã có bước chuyển mình, tuy nhiên, sự phát triển chưa đảm bảo quy hoạch tổng thể chung. Người dân cần được tiếp cận các dịch vụ y tế, khám chữa bệnh thuận lợi, chất lượng, thu hẹp chênh lệch chất lượng dịch vụ y tế giữa khu vực nội thành và các huyện ngoại thành.
(còn nữa)
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại