Đến nay chưa phát hiện vấn đề thất thu thuế
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênChống thất thu thuế trong chuyển nhượng bất động sản
Tranh luận tại hội trường, đại biểu Phan Thái Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, đại biểu Phạm Văn Thịnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang có cùng câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tại buổi trả lời chất vấn của các đại biểu |
Về công tác chống thất thu lĩnh vực chuyển nhượng bất động sản thời gian qua đạt kết quả tích cực, không chỉ góp phần tăng thu mà còn có tác dụng nhất định, hạn chế yếu tố đầu cơ trên thị trường bất động sản, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, để chống thất thu lĩnh vực này được hiệu quả, bền vững thì rất cần có những giải pháp tổng thể căn cơ như một số đại biểu trước đó đã chất vấn. Vậy định hướng hoàn thiện chính sách liên quan đến quản lý thuế chuyển nhượng bất động sản trong thời gian tới sẽ thực hiện ra sao?
Khi thảo luận về KT-XH, Bộ trưởng có nêu vấn đề là trong các công văn hướng dẫn của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế chống thất thu thuế trong chuyển nhượng bất động sản. Nhưng các văn bản hướng dẫn không rõ ràng, cho nên dẫn đến các địa phương mỗi nơi áp dụng một kiểu, có cái tình trạng trả hồ sơ đi, trả hồ sơ lại nhiều lần và yêu cầu công dân, doanh nghiệp kê khai thuế nhiều lần.
Xuất phát từ việc này, Bộ trưởng có nêu là do bảng giá đất do UBND cấp tỉnh quy định thấp hơn nhiều lần so với giá thị trường, cho nên tính thuế bị áp theo giá thị trường, hệ lụy xảy ra là khi tính thuế áp theo giá thị trường cao hơn giá của Nhà nước. Nhưng khi thu hồi đất, đền bù GPMB thì lại áp giá của Nhà nước, sinh ra bất bình đẳng. Bộ trưởng cho rằng việc Bộ Tài chính hướng dẫn là phải đúng pháp luật, đại biểu Phan Thái Bình đề nghị Bộ trưởng cho biết là theo quy định pháp luật nào? Trong khi pháp luật quy định: Nếu như hợp đồng thấp hơn giá Nhà nước thì áp giá Nhà nước, nếu như hợp đồng cao hơn thì áp giá tính thuế theo giá được thỏa thuận hợp đồng công chứng.
Đại biểu Phan Thái Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đặt câu hỏi tại buổi họp |
Trả lời chất vấn của các đại biểu về chống thất thu thuế trong lĩnh vực bất động sản, có tình trạng cán bộ nhũng nhiễu trong thực thi công vụ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong Luật thuế cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành quy định khi chuyển nhượng bất động sản phải kê khai theo giá chuyển nhượng hai bên đã thỏa thuận. Trường hợp kê khai thấp hoặc không kê khai trên hợp đồng thì thu theo bảng giá đất đã ban hành.
Từ những quy định này, người bán chuyển nhượng bất động sản kê khai giá rất thấp dẫn đến thất thu về bất động sản. Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng đây là lỗ hổng làm thất thoát tiền thuế của Nhà nước. Bộ Tài chính đã có văn bản đôn đốc Tổng cục Thuế, Chi cục thuế các địa phương có văn bản chỉ đạo để chống thất thu trong lĩnh vực bất động sản. Bộ Tài chính hướng dẫn theo hướng nếu kê khai giá thấp thì tính theo bảng giá đất do UBND tỉnh ban hành.
Theo Luật Đất đai, bảng giá đất sẽ ban hành 5 năm một lần, trong thời gian này UBND các tỉnh phải ban hành hệ số sử dụng đất để điều chỉnh giá đất. Vì vậy, bảng giá đất và hệ số điều chỉnh chính là giá đất để thu thuế bất động sản, điều này không sai pháp luật, hoàn toàn đúng pháp luật và đúng với Nghị định 14 về phương pháp hệ số xác định đúng thời điểm. Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, trong quá trình thực hiện theo chỉ đạo của Bộ, 4 tháng đầu năm đã thu được là 16.200 tỷ, tăng so với cùng kỳ năm ngoái là 6.600 tỷ đồng. Đặc biệt, có trường hợp, sau khi được vận động, giải thích, kê khai giá 500 triệu đã tiến hành kê khai lại là 10 tỷ đồng….
Đối với ý kiến tranh luận của đại biểu Phan Thái Bình về việc hướng dẫn không rõ ràng, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, hiện nay đã có Nghị định 12, Nghị định 65 và Thông tư 92 của Bộ Tài chính đều quy định rất rõ. Trong trường hợp trên hợp đồng không ghi giá hoặc ghi giá thấp hơn bảng giá đất Nhà nước quy định thì thu theo bảng giá đất. Do vậy, việc hai bên chuyển nhượng cho nhau phải ghi đúng giá chuyển nhượng. Nếu không ghi đúng giá chuyển nhượng có nghĩa là đang trốn thuế.
Vấn đề đại biểu cho rằng thu tiền đất với giá cao nhưng đền bù thì giá thấp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ, giá đất gắn liền với mục đích sử dụng đất. Đối với đất ở, khi đền bù theo giá thoả thuận nếu doanh nghiệp lấy đất. Trong trường hợp cơ quan Nhà nước lấy đất thì đền bù theo giá của Nhà nước, nhưng giá của Nhà nước có hệ số điều chỉnh, hệ số điều chỉnh đó do UBND cấp tỉnh quy định cao hay thấp với nguyên tắc phải sát giá thị trường. Do đó, khi thu hồi đất và đền bù với nộp thuế, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đều thực hiện theo mục đích sử dụng đất.
Xe biếu tặng lách luật, trốn thuế: Chưa phát hiện thất thu thuế
Đại biểu Trần Hồng Nguyên, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận trao đổi: Thời gian qua, nhiều cơ quan báo chí phản ánh về hiện tượng xe biếu, tặng. Đây thực chất là cách lách luật, trốn thuế làm thất thu ngân sách Nhà nước. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết về vấn đề này?
Đại biểu Trần Hồng Nguyên, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận nêu câu hỏi về thuế đối với các xe do DN biếu tặng |
Đại biểu Tô Thị Bích Châu, Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh cho biết: Vừa qua trong đại dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh tiếp nhận rất nhiều xe cấp cứu, xe cứu thương nhập từ nước ngoài. Lúc đó TP Hồ Chí Minh cũng có đề xuất các bộ, ngành liên quan về việc miễn, giảm thuế đối với xe cấp cứu, tuy nhiên vẫn không được đồng ý. Một số doanh nghiệp đã chắt chiu kinh phí để hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch, nhất là xe cấp cứu đáng ra phải được miễn, giảm thuế. Đại biểu lấy ví dụ về xe cấp cứu tặng cho Bệnh viện 115 khoảng gần 5 tỷ đồng, xin miễn, giảm thế nhưng không được. Do đó, doanh nghiệp tài trợ phải đóng thêm hơn 600 triệu đồng để nhập xe về và tặng cho bệnh viện. Đại biểu đề nghị là trong chính sách sắp tới, nhất là những trường hợp khẩn cấp, với những trang thiết bị phục vụ chống dịch, đề nghị Bộ Tài chính đưa vào danh mục được miễn, giảm thuế giống như vắc-xin hay thuốc chữa bệnh.
Trả lời các chất vấn và tranh luận của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, quản lý thuế đối với xe biếu, tặng, theo quy định của pháp luật hiện hành không được miễn các khoản thuế. Ngành tài chính là cơ quan thuế thực hành, không được giảm mà phải thu theo quy định của pháp luật.
Bộ trưởng cũng thừa nhận, quy định của pháp luật chưa phù hợp với thực tiễn, đặc biệt trong thực hiện công tác phòng, chống dịch và cần phải sửa.
Về vấn đề xe biếu tặng, Bộ trưởng Bộ tài chính cho biết, các hãng xe thường phải đặt đại lý ở Việt Nam để chuyển xe qua đại lý. Tuy nhiên có nhiều loại xe số lượng bán ít, không có đại lý. Lợi dụng các lỗ hổng này, các DN chuyển sang hình thức biếu tặng. Theo quy định hiện hành, hình thức biếu tặng không được giảm miến bất cứ loại thuế nào. Qua kiểm tra, phát hiện DN kê khai theo giá thấp, cơ quan Hải quan căn cứ theo quy định, xác định rõ và đã truy thu thuế đối với các DN này. Sau khi báo chí phản ánh, Phó Thủ tưởng Lê Minh Khái đã chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với Bộ CA xử lý vấn đề này, đến nay chưa có kết quả cụ thể. Nhưng trong quá trình chỉ đạo các Cục thuế, Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan địa phương kiểm tra, rà soát, định giá lại thì trong thời gian vừa qua, không phát hiện vấn đề thất thu thuế, các loại thuế đều được thu đầy đủ.
Sea Games 31 đã kết thúc nhưng trọng tài làm nhiệm vụ vẫn chưa nhận được tiền chế độ: Do vướng mắc về thủ tục
Đại biểu Lê Hoàng Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai nêu ý kiến, SEA Games 31 đã thành công tốt đẹp, tạo hình ảnh và tiếng vang rất lớn cho Việt Nam phục hồi, phát triển. Tuy nhiên, qua phản ánh của cử tri, cho đến nay, nhiều quan chức, trọng tài, giám sát quốc tế Việt Nam chưa nhận được chế độ làm nhiệm vụ mặc dù SEA Games 31 đã kết thúc hơn nửa tháng. Điều này đã ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam. Là do kiểm soát chi hay là có vấn đề nào khác?
Bộ trưởng Bộ VH-TT và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời câu hỏi của Đại biểu |
Trả lời câu hỏi của đại biểu về việc chi cho trọng tài làm nhiệm vụ tại SEA Games, Bộ trưởng Bộ VH-TT và DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, việc tổ chức SEA Games được lãnh đạo Đảng, Nhà nước rất quan tâm. Tổng kinh phí chi cho tổ chức SEA Games đã được Quốc hội quyết định, trong đó, Bộ VH -TT và DL là một trong những đơn vị thụ hưởng, cùng một số bộ, ngành địa phương khác thực hiện nhiệm vụ.
Bộ VH-TT và DL dành một phần kinh phí chi trả cho những người làm trọng tài, quan chức kỹ thuật của nước ngoài. Số lượng thực hiện nhiệm vụ này có 1200 người. Theo thông lệ quốc tế, những người này sẽ được nhận tiền bằng một trong hai hình thức: chuyển khoản hoặc tiền mặt tùy theo quy định của nước chủ nhà. Theo quy định của luật pháp hiện hành, tại Thông tư 13/2017/TT-BTC, Thông tư 62/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính, chi được rút tiền mặt với giá trị không vượt quá 5.000.000 đồng, theo đó, chúng ta phải chi trả bằng tài khoản. Khi thực hiện nhiệm vụ này đã có một số trọng tài đề nghị cho nhận tiền mặt.
Trước vấn đề đó, Bộ đã báo cáo với Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, trao đổi nhiệm vụ với Bộ trưởng Bộ Tài chính và đã được đồng ý xử lý cho số người nhận tiền mặt vì khó khăn trong thanh toán tài khoản. Số còn lại trả qua tài khoản. Vì vậy, theo Bộ trưởng Bộ VH-TT và DL, đến thời điểm này có thể nói chúng ta đã có đủ kinh phí, chỉ còn có một số vướng mắc về thủ tục. Hiện Bộ đang giao nhiệm vụ cho Tổng cục TDTT đôn đốc liên hệ với các trọng tài quốc tế cung cấp các thông tin theo yêu cầu của Kho bạc và của ngân hàng để chuyển đến cho họ.
Lừa đảo chuyển tiền qua Zalo, FB và đòi nợ theo kiểu “khủng bố” của các tổ chức tín dụng: Sẽ sửa đổi Thông tư của Ngân hàng Nhà nước về cho vay của các công ty tài chính
Đại biểu Phạm Văn Thịnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang nêu ý kiến: Vừa qua có tình trạng mạo danh Zalo, FB của người khác để lừa đảo chuyển tiền qua tài khoản. Có ý kiến cho rằng việc này xuất phát từ công tác quản lý tài khoản tại ngân hàng thương mại chưa chặt chẽ, dẫn đến tình trạng hiện nay nền kinh tế có rất nhiều tài khoản tại các ngân hàng thương mại mà người đang sử dụng không phải chủ tài khoản khiến cơ quan chức năng khó khăn trong việc quy trách nhiệm khi có hành vi vi phạm pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho hành vi lừa đảo phạm pháp nảy sinh.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang nêu câu hỏi về vấn đề lừa đảo qua ngân hàng |
Bên cạnh đó, tình trạng nhiều người dân không vay nợ nhưng bị gọi điện quấy rối, xúc phạm, bôi nhọ, đe dọa do có tên, số điện thoại trong danh bạ điện thoại của người vay tiền qua các ứng dụng vay online hoặc vay trực tiếp của các công ty tài chính khi người vay không trả nợ đúng hạn. Vậy với chức năng quản lý nhà nước, đại biểu đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nêu rõ sẽ triển khai các biện pháp như nào để từng bước hạn chế các hành vi vi phạm trên?
Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cũng nêu câu hỏi: Người dân dễ dàng tiếp cận một loại hình vay khá phổ biến gọi là vay qua trang web hoặc qua app mà ngân hàng gọi là cho vay ngang hàng (P2P Lending). Vậy hành lang pháp lý của hoạt động và quản lý việc cho vay ngân hàng ngang hàng mà người dân chỉ biết đến và gọi chung là vay qua app vì thời gian vừa qua CATP Hà Nội đã khám phá án một vụ án vay qua app lên đến hơn 5.000 tỷ đồng, gây thiệt hại lớn cho Nhân dân.
Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội quan tâm đến vấn đề quản lý việc cho vay ngang hàng |
Trả lời câu hỏi các đại biểu quan tâm về hoạt động vay ngang hàng (P2P Lending), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã cho ra đời nhiều sản phẩm, dịch vụ mới; trong đó, có ứng dụng cho hoạt động vay ngang hàng (P2P Lending). Tuy nhiên việc thiếu một hành lang pháp lý cho hoạt động này đã gây ra nhiều vấn đề.
Về lý thuyết, hoạt động P2P Lending có thể góp phần hỗ trợ phổ cập tài chính, mở rộng khả năng và tạo thêm kênh tiếp cận nguồn lực tài chính, cách thức cho vay đối với nền kinh tế nhất là đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội. Tuy nhiên trên thực tiễn, hoạt động P2P Lending tiềm ẩn nhiều rủi ro có thể tác động bất lợi, bất ổn đến an sinh xã hội.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trả lời các câu hỏi của Đại biểu tại buổi họp |
Về nội dung này, Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng dự thảo Nghị định để kiểm soát. Trong thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành để khẩn trương xây dựng, hoàn thiện và ban hành khung pháp lý bao gồm cả các biện pháp chế tài để xử lý các vi phạm trong lĩnh vực này.
Trả lời câu hỏi liên quan đến quản lý tài khoản ngân hàng trước thực trạng lừa đảo đối những người có tiền trong tài khoản, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, khuôn khổ pháp lý về mở tài khoản ngân hàng đã ban hành đầy đủ, chi tiết ấy. Cùng với sự mà phát triển của công nghệ cao, Ngân hàng Nhà nước cũng đã tạo tiền đề để chuyển sang hoạt động ngân hàng số. Theo đó, trong tương lai cho phép mở tài khoản qua phương tiện điện tử và xác thực qua điện tử. Trên thực tế đối với các cá nhân khi mở tài khoản thì đều phải xác thực định danh của mình. Mở tài khoản điện tử cũng phải có CMND và CCCD.
Tuy nhiên trong thời gian vừa qua cũng có những hiện tượng lừa đảo, lừa đảo ở trên mạng để lấy những thông tin của chủ tài khoản và trên cơ sở vào những hoạt động của Internet banking để lấy cắp thông tin và lấy trộm tiền của tài khoản….Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, về vấn đề này Ngân hàng Nhà nước cần phải phối hợp với các bộ, cơ quan chức năng để xác minh, để có những thông tin và đặc biệt là có giải pháp để cảnh báo đối với người dân về những hiện tượng này để người dân có tiền trong tài khoản lưu ý, cảnh giác.
Liên quan đến việc đòi nợ của các công ty tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, trên cơ sở phản ánh của dư luận, Ngân hàng Nhà nước đã rà soát và thấy được cần phải sửa đổi các văn bản quy định pháp luật, trong đó có Thông tư của Ngân hàng Nhà nước về cho vay của các công ty tài chính.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại