Đề xuất dùng gầm cầu cạn làm nơi trông giữ xe tạm thời: Có giải cơn khát thiếu chỗ đỗ xe?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐa số ý kiến cho rằng, phải ưu tiên an toàn PCCC đối với các điểm trông giữ xe dưới gầm cầu. Ảnh: Thanh Tuấn |
Nhu cầu “khát” điểm đỗ xe
Có mặt tại gầm cầu Vĩnh Tuy (phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng), PV ghi nhận bãi trông giữ xe đang hoạt động tại đây với quy mô khá lớn. Đoạn từ cột T2 - T14 kéo dài gần 1km, được chia làm nhiều khu trông giữ, tổng cộng lên đến cả nghìn chiếc. Bãi xe dưới gầm cầu này được quây kín bằng hàng rào lưới sắt. Bên ngoài bãi có cắm biển do Sở GTVT Hà Nội cấp phép cho Cty TNHH Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội nhưng không ghi thời hạn. Bên trong, Cty kê bàn ghi vé, có bình cứu hỏa và 2 người túc trực hướng dẫn khách ra, vào.
Cách đó không xa, khu vực gầm cầu Ngã Tư Vọng, lúc 7h30 sáng 30/7, các phương tiện ra vào tấp nập. Một nhân viên cho biết, mỗi ngày có từ 700 - 800 xe máy, ô tô vào gửi, chủ yếu của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân các bệnh viện quanh đó gửi trong ngày. Chỉ một số ít gửi qua đêm, theo tháng. “Diện tích điểm trông giữ rộng tới hàng nghìn mét vuông, ít khi quá tải”, nhân viên này nói.
Trong khi đó, tại các gầm cầu lớn như Thăng Long, Nhật Tân… diện tích rất rộng song hoang tàn, cỏ mọc um tùm, trở thành nơi đổ rác, phóng uế bừa bãi. “Nếu cho trông giữ xe, tình trạng này sẽ chấm dứt vì có người quản lý”, anh Phạm Vũ Phong, nhà ở gần cầu Nhật Tân nói.
Theo ông Trần Hữu Bảo, Phó GĐ Sở GTVT Hà Nội, số lượng phương tiện giao thông đường bộ của TP Hà Nội tính đến nay khoảng trên 7,9 triệu phương tiện các loại (trong đó có khoảng 1,1 triệu xe ôtô; 6,6 triệu xe máy; 0,2 triệu xe máy điện), tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2019 - 2022 là trên 10% đối với ôtô và trên 3% đối với xe máy, chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, TP khác tham gia giao thông trên địa bàn.
Trong khi tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị mới đạt được 10,35% (chỉ tăng được khoảng từ 0,26 - 0,3%/năm); diện tích đất giành cho giao thông tĩnh mới đáp ứng được 25% nhu cầu đỗ xe và rất ít dự án bãi đỗ xe ngầm, cao tầng được hoàn thành, đưa vào sử dụng.
“Từ tháng 6/2020 đến nay, ước tính mỗi ngày các địa điểm trên trông giữ hơn 2.000 phương tiện, chấp hành tốt các quy định, trông giữ đúng diện tích, thu đúng giá, đảm bảo an ninh, an toàn, không gây ùn tắc. Việc trông giữ xe khu vực gầm cầu đã giải quyết một phần nhu cầu của người dân, góp phần giảm áp lực giao thông tĩnh” - ông Bảo đánh giá.
Cần quy chuẩn riêng phòng, chống cháy nổ?
Trong dự thảo Luật Đường bộ, Bộ GTVT đề xuất bổ sung quy định về việc sử dụng tạm thời gầm cầu cạn để trông, giữ phương tiện nhằm giải quyết nhu cầu giao thông tĩnh của các đô thị lớn, nâng cao hiệu quả của việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Cầu có gầm làm nơi trông xe phải đáp ứng yêu cầu, điều kiện kỹ thuật an toàn, không quá tuổi thọ khai thác, không trong thời gian sửa chữa, kiểm định, quan trắc. Gầm cầu thuộc tuyến phố chính không được dùng để trông xe. Khi dùng gầm cầu trông xe phải thiết kế giao thông đấu nối đường bộ trong khu vực và được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận về PCCC, bảo vệ môi trường.
Bày tỏ đồng tình với dự thảo luật về việc có thể sử dụng gầm cầu cạn để trông, giữ xe, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng cơ quan quản lý Nhà nước cần quy định điều kiện cụ thể đi kèm nhằm bảo đảm không ảnh hưởng đến việc lưu thông và bảo đảm an toàn cháy nổ.
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Thủy, giảng viên Trường ĐH GTVT cũng cho rằng, trong bối cảnh các đô thị lớn đang “khát” bãi đỗ xe, đây là việc nên làm. “Lo ngại vấn đề an toàn cháy nổ là đúng, song nếu quản lý tốt thì không vấn đề gì. Nhu cầu trông giữ xe được giải quyết, Nhà nước lại thu được tiền, công trình được quản lý, đó là những lợi ích có thể nhìn thấy” - bà Thủy phân tích.
Tuy nhiên, bà Thủy cho rằng, cần lấy ý kiến các cơ quan liên quan, ban hành một bộ quy chuẩn riêng về PCCC, an toàn kỹ thuật đối với các điểm trông giữ xe dưới gầm cầu.
Kiến trúc sư Ngô Doãn Đức, nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam đưa ra quan điểm, đề xuất này chỉ là một giải pháp rất tình thế bởi có thực trạng phát triển đô thị thiếu bài bàn, nên hạ tầng chắp vá, tạm thời trong khi chờ giải pháp lâu dài.
“Bên dưới cầu cạn, các gầm cầu thực ra là một nút giao thông. Nếu cho gửi xe tiềm ẩn nguy cơ tắc nghẽn, va chạm giao thông, tai nạn hỏa hoạn khi có một sự cố xảy ra” - ông Đức cảnh báo. Do vậy, ông Đức kiến nghị cần tổ chức quy hoạch lại hạ tầng giao thông; khuyến khích đầu tư xây dựng, khai thác bến xe, bãi đỗ xe ô tô và các phương tiện cơ giới khác đồng thời đi kèm với các giải pháp tổng thể hạn chế xe cá nhân, đẩy mạnh hệ thống vận tải công cộng…
Tranh cãi "nảy lửa" về tính pháp lý trong việc khoá bánh xe ô tô trong các khu đô thị | |
Giải pháp tăng diện tích đỗ xe ở Hà Nội? | |
Nan giải bài toán thiếu bãi đỗ xe? |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại