Đề xuất 6 nhóm chính sách khi xây dựng Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênToàn cảnh KCN Thăng Long II , tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Nguyễn Hằng |
6 nhóm chính sách tập trung vào chính sách hỗ trợ
Liên quan tới những cơ chế chính sách mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đề xuất xây dựng Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế, tại buổi họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều 3/4 tại Hà Nội, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho biết đã đề xuất 6 nhóm chính sách để thúc đẩy lĩnh vực này.
Cụ thể, theo Thứ trưởng Đỗ Thành Trung, Bộ KH&ĐT đang đề xuất để xây dựng luật, dự kiến tên gọi là Luật Khu công nghiệp và Khu Kinh tế, hiện đã gửi Bộ Tư pháp để thẩm định, sau đó sẽ tiếp thu ý kiến của Bộ Tư pháp để hoàn thiện đề xuất.
Bộ KH&ĐT tư đang đề xuất 6 nhóm chính sách trong nội dung của luật, để đảm bảo làm sao thúc đẩy phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế, đáp ứng được các yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay, nhưng đồng thời, cũng đáp ứng được xu thế vận động mới trên thế giới như kinh tế xanh, kinh tế số, tuần hoàn, năng lượng xanh... 6 nhóm chính sách tập trung vào chính sách hỗ trợ, cụ thể:
Thứ nhất là nhóm chính sách hỗ trợ cho các dự án để thực hiện được việc liên kết ngành, cụm liên kết ngành trong phạm vi của các khu công nghiệp, khu kinh tế. Chúng ta đã có kinh nghiệm và đã triển khai một số dự án như thế này ở một số khu, tuy nhiên chưa triển khai trên phạm vi rộng.
Thứ hai là nhóm chính sách hỗ trợ các loại hình khu công nghiệp có tính chuyên môn, tính chuyên biệt, tính đặc thù cao như: loại hình khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghiệp công nghệ cao...
Thứ ba là nhóm chính sách phát triển các khu công nghiệp hiện đại, thông minh và thu hút được các lĩnh vực đầu tư mới như kinh tế số, kinh tế xanh, chip, bán dẫn, công nghiệp vật liệu, đổi mới sáng tạo… Đồng thời phải gắn với xu thế mới sử dụng năng lượng, đặc biệt năng lượng xanh, năng lượng tái tạo tại các khu vực này.
Thứ tư là phát triển các khu đô thị có tính chất tổ hợp, ở đây là các khu công nghiệp gắn với phát triển đô thị và dịch vụ. Chúng ta lấy công nghiệp là mục tiêu chính, vừa tạo ra việc làm, vừa thúc đẩy phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi cơ cấu kinh tế.
Thứ năm là các chính sách, các quy định bổ sung ưu đãi liên quan đến thuế, phí, chính sách tài chính, vốn… đặc biệt là đối với các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái hoạt động trong các khu công nghiệp chuyên biệt, để đảm bảo khuyến khích được các doanh nghiệp đầu tư vào đây, khuyến khích phát triển khu công nghiệp này.
Thứ sáu, thông qua các chính sách này, nhắm đến việc điều chỉnh, thay đổi, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thủ tục hành chính. Đây là một trong những biện pháp mà chúng ta vừa thử nghiệm, vừa có quy định mới để làm sao vừa tạo được thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư cho khu vực này vừa là nơi đúc rút các bài học và kinh nghiệm, để giúp cho vấn đề lớn hơn là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên cả nước.
Trình Chính phủ Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở vào tháng 5
Liên quan đến lộ trình triển khai 2 luật vừa được Quốc hội thông qua là Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Chính phủ đã ban hành kế hoạch, danh mục nhiệm vụ triển khai xây dựng văn bản hướng dẫn dưới luật.
Đối với Luật Nhà ở, Bộ Xây dựng được giao xây dựng 3 Nghị định, 1 Thông tư và 1 Quyết định gồm: Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở; Nghị định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội; Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chuẩn, định mức nhà ở công vụ.
Ngoài ra, cũng với Luật Nhà ở, Bộ Quốc phòng được giao xây dựng Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở trong Quân đội nhân dân Việt Nam; Bộ Công an sẽ xây dựng Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở trong công an Nhân dân
Đối với Luật kinh doanh bất động sản, Bộ Xây dựng được phân công xây dựng 2 Nghị định và 1 Thông tư gồm: Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản; Nghị định về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản; Thông tư ban hành Chương trình khung đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch bất động sản.
Bộ Tài chính xây dựng Thông tư quy định việc sử dụng kinh phí để xây dựng, điều tra thu thập thông tin, cập nhật, duy trì, vận hành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản; hướng dẫn xác định giá cung cấp dịch vụ thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản theo quy định của pháp luật về giá; hướng dẫn quản lý và sử dụng số tiền thu được từ cung cấp dịch vụ thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản.
Ngoài ra, Chính phủ cũng giao các địa phương một số quy định liên quan đến Luật Nhà ở yêu cầu các địa phương khẩn trương quy định cụ thể các vị trí, địa điểm phát triển nhà ở theo dự án; quy định đường giao thông để phương tiện chữa cháy thực hiện nhiệm vụ chữa cháy nơi có căn hộ nhiều tầng; quy định việc hỗ trợ, giải quyết việc bán, mua, cho thuê nhà ở xã hội cho đối tượng quy định tại khoản 2, 3 Điều 76 Luật Nhà ở 2023;…
Đến thời điểm này, Bộ Xây dựng đã nhận được rất nhiều ý kiến của các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội, các Bộ, ngành… Bộ đã thực hiện ghi nhận, tổng hợp và tiếp thu các ý kiến. Dự kiến, Bộ Xây dựng sẽ gửi Bộ Tư pháp vào ngày 20/4 tới đây cho ý kiến thẩm định. Sau đó, Bộ Xây dựng sẽ tiếp thu hoàn chỉnh, dự kiến đầu tháng 5/2024 báo cáo Chính phủ xem xét thông qua các Nghị định liên quan đến 2 dự án Luật.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại